Như một huyền thoại...

Cập nhật lúc 09:51, Thứ Sáu, 15/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nếu “Làng chiến đấu Cự Nẫm” (Bố Trạch) đã trở thành một huyền thoại từng khiến quân thù kinh hoàng bạt vía, thì ông là người có công rất lớn trong việc viết nên huyền thoại ấy. Ông để lại những dấu ấn quan trọng đối với Cự Nẫm trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này là HTX nông nghiệp Cự Nẫm, lá cờ đầu của miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước. Và không chỉ có thế, nhắc đến ông, nhiều người vẫn nhớ về tay súng thiện xạ từng giết hổ dữ để cứu dân làng... Ông là Mai Văn Giá, một trong những người lính đầu tiên có mặt vào tháng 4-1947 để phối hợp cùng nhân dân Cự Nẫm xây dựng làng chiến đấu...

Sinh năm 1916, giờ ông Mai Văn Giá đã gần trăm tuổi, nhưng ký ức về những ngày đầu tiên ông về Cự Nẫm vẫn sống động như một cuốn phim quay chậm... “Tui quê ở xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trước khi trở thành bộ đội thuộc Chi đội Lê Trực ở Quảng Bình vào năm 1946, tui thuộc biên chế của Chi đội Trần Cao Vân, tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ!”, ông chậm rãi mở đầu câu chuyện...

Với vị trí chiến lược trọng yếu, Cự Nẫm là miếng mồi ngon mà thực dân Pháp luôn âm mưu đánh chiếm. Hiểu rõ âm mưu của kẻ thù và thấy rõ tầm quan trọng của Cự Nẫm, chủ trương xây dựng “Làng chiến đấu Cự Nẫm” ra đời. Để xây dựng thành công “Làng chiến đấu Cự Nẫm”, tỉnh đã cử ba chiến sĩ từ Đại đội 3, Tiểu đoàn Lê Trực về địa phương để phối hợp  cùng dân quân chiến đấu, gồm Trần Đình, Nguyễn Cương và ông Giá là người chỉ huy. “Hồi đó vũ khí thô sơ lắm, chỉ có giáo mác, gậy gộc. Và hầu hết “chiến sĩ” chỉ mới rời ruộng đồng, cày cuốc, vẫn còn ngỡ ngàng khi cầm vũ khí. Khi chủ trương rào làng chiến đấu được triển khai, Cự Nẫm bỗng chốc trở thành thao trường để những “chiến sĩ nông dân” hăng say luyện tập. Hết luyện tập lại lên núi chặt tre ri để rào làng. Không khí chiến đấu rộn ràng và khẩn trương hơn bao giờ hết!”, ông Giá bồi hồi nhớ lại.

Ông Mai Văn Giá (người ngồi đầu tiên phía bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ và các đại biểu tại Hà Nội vào năm 1964.
Ông Mai Văn Giá (người ngồi đầu tiên phía bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ và các đại biểu tại Hà Nội vào năm 1964.

Vũ khí thô sơ, nông dân là chiến sĩ, nhưng với quyết tâm của người dân Cự Nẫm và những người chỉ huy tài tình, trong đó có ông Giá, Cự Nẫm đã khiến quân thù kinh hoàng bạt vía. Sau 25 đợt hành quân đánh chiếm Cự Nẫm đều thất bại thảm hại, tên quan năm ở Đồng Hới đã gửi cho tên quan ba Su Séc Tơ, chỉ huy quân đội Pháp ở Hoàn Lão một bức thư mà chúng ta thu được sau ngày Hoàn Lão giải phóng, với những lời cay đắng: “Tôi lấy làm xấu hổ cho ngài, cho danh dự của một sĩ quan quân đội đại Pháp, khi nghe tin một toán dân quê mọi rợ đã đánh gãy cánh quân do ngài chỉ huy. Phải chăng đó là một thử thách đối với tài thao lược của ngài? Nếu ngày mai số phận hẩm hiu vẫn đến với binh sĩ, và cái làng Cự Nẫm ấy vẫn không bị dẫm nát dưới gót giày của đội quân viễn chinh Pháp, thì tôi tin rằng, vâng, tôi tin thế, lịch sử của ngài, một sĩ quan đã lừng danh ở châu Phi, sẽ ghi thêm một vết nhơ không bao giờ rửa sạch!”.

Ôn lại chuyện cũ, trong ánh mắt người đã cùng quân dân Cự Nẫm thiết kế nên những trận đánh khiến đội quân viễn chinh Pháp thất bại thảm hại, thoáng chút bồi hồi. Từng dấu mốc thời gian được ông nhắc lại chính xác và rõ mồn một. Những gương mặt, hình ảnh những đồng đội cũ, những tháng ngày sục sôi khí thế chiến đấu... hiện lên sống động qua lời kể của ông...

Từng được nghe về huyền thoại diệt hổ dữ cứu dân làng của người xạ thủ năm xưa, tôi tò mò hỏi. Ông gật gù “À, con hổ ăn gần 80 con trâu của dân làng Phù Kinh, xã Liên Trạch à? Vào khoảng năm 1966, cán bộ xã Liên Trạch qua đây nhờ tui diệt hổ bởi con hổ này quá hung hăng, đe dọa cuộc sống và sản xuất của người dân địa phương...”. Rồi ông kể, buổi đi diệt hổ, tui bảo “Mạ hắn lấy cho tui hai viên đạn”, rồi xách súng vô rừng. Ngồi giữa đồi cỏ lúp xúp, ông chứng kiến cảnh con hổ nặng chừng 3 tạ nhẹ nhàng ôm con bò u (bò to dùng để cày) chạy vô núi. Lần theo dấu vết, kiên trì đợi đến sẩm tối, nghe tiếng gà ri oác oác, ông đội đèn và phát hiện ra con hổ. Ông bình tĩnh lên đạn rồi: “Tui rượt một phát, viên đạn 9 bay thẳng vô miệng hắn, xuyên qua cổ họng, hắn gục xuống, nhưng phải lâu sau mới chết. Dân làng mừng quá rủ nhau ra khiêng về kho hợp tác xã. Con hổ to và nặng, sáu người khiêng mà vẫn vã mồ hôi!”, ông sôi nổi nhớ lại.

Sau này, con hổ được đưa vào Đồng Hới, lột da và triển lãm ở hội trường lớn của tỉnh. Với chiến công này, ông được Huyện ủy Bố Trạch tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt hổ bảo vệ sản xuất”, được tỉnh tặng chiếc xe đạp Phavorite mà ông gìn giữ từ bấy đến giờ.

Kể về tài thiện xạ “trăm phát trăm trúng” của ông, nhiều người vẫn còn nhớ chuyện ông bắn chim công đãi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhắc chuyện này, ông cười hiền: Chắc hồi đó Đại tướng muốn thử tài bắn súng của tui. Năm 1961, khi Đại tướng về Quảng Bình thăm HTX Đại Phong và Cự Nẫm, trong một lần đi dạo, Đại tướng chỉ con chim công đang lấp ló trong rừng với khoảng cách chừng hơn trăm mét rồi bảo: Chú bắn trúng, tôi sẽ thưởng!. “Tui rượt một phát, con công rớt cái độp. Đại tướng vỗ vai khen giỏi!”, ông hóm hỉnh kể, giọng pha chút tự hào!

Cũng giai đoạn này, ông là chủ nhiệm HTX nông nghiệp Cự Nẫm. Trước đó, năm 1958, sau những ngày sát cánh cùng nhân dân Cự Nẫm chiến đấu, ông giải ngũ vì lý do sức khỏe. Năm 1959, ông là trưởng ban công trình thủy lợi huyện. Khi 7 HTX ở Cự Nẫm được sáp nhập, ông được tín nhiệm bầu giữ chức chủ nhiệm của HTX nông nghiệp Cự Nẫm.

“Dũng sĩ diệt hổ” bây giờ và chiếc xe đạp Phavorite được tặng thưởng gần nửa thế kỷ trước.
“Dũng sĩ diệt hổ” bây giờ và chiếc xe đạp Phavorite được tặng thưởng gần nửa thế kỷ trước.

Một lần nữa, ông lại tỏa sáng trong vai trò người chỉ huy ở mặt trận mới. HTX Cự Nẫm liên tục gặt hái những thành tích vang dội trong sản xuất mà đỉnh cao là năm 1964, sản lượng lương thực của xã đạt 900 tấn/vụ (kế hoạch 270 tấn/vụ). Với thành tích này, ông đã có mặt trong đoàn đại biểu được gặp Bác ở thủ đô Hà Nội năm 1964. Trong cuộc gặp, khi nghe ông báo cáo tình hình, Bác đã gọi ông đến ngồi cạnh và bảo, Cự Nẫm đã làm rất tốt khi vừa sản xuất giỏi, lại còn tổ chức nhà giữ trẻ, nhà dưỡng lão... để mọi người yên tâm sản xuất nên rất đáng để học tập! Lời khen tặng ấy của Người đã động viên ông tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đưa Cự Nẫm trở thành HTX lá cờ đầu của miền Bắc trong những tháng năm đánh Mỹ. Năm 1968, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã kiêm chủ nhiệm HTX...

Trải qua bao thăng trầm, giờ ông sống thanh thản ở Cự Nẫm, nơi từng ghi dấu bao chiến công đẹp như huyền thoại của làng chiến đấu kiểu mẫu dưới sự chỉ huy tài tình của ông và đồng đội. “Tổ 3 người bọn tui hồi đó, đồng chí Nguyễn Cương đã hy sinh ở Cồn Tro năm 1947, còn anh Trần Đình cũng đã mất cách đây gần chục năm. Giờ chỉ còn lại mình tui...”, ông ngậm ngùi.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Những lũy tre ri ngày xưa đã tiếp tục vươn cao, tỏa bóng, ôm lấy xóm làng Cự Nẫm. Những Cồn Tro, Cồn Nàn, đồi Tăng Xê, đồi Vải Chết... giờ đã xanh mát bóng cây. Cự Nẫm thanh bình như chưa từng trải qua những ngày lửa đạn. Và ông ngày ngày đạp xe đi chợ, nấu cơm để chăm sóc bà Nguyễn Thị Quý, người vợ đã sát cánh bên ông suốt những tháng năm gian khổ. Ông bảo: Hồi xưa mình mải đi chiến đấu, bà ấy ở nhà chăm sóc con cái, cha mẹ. Giờ đến lượt mình trả nợ tình, nợ nghĩa...

Trong một lần về thăm Cự Nẫm, đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã đến thăm ông Mai Văn Giá, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người đảng viên 65 tuổi Đảng với nhiều đóng góp cho Cự Nẫm này. Đồng chí đã động viên ông Giá tiếp tục cống hiến cho quê hương, đồng thời đề nghị huyện Bố Trạch xem xét thực hiện các chế độ nhằm ghi nhận những công lao của ông Mai Văn Giá đối với Cự Nẫm trong hai cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương...

Nếu bạn về Cự Nẫm và gặp một ông già tóc trắng đạp xe trên đường với ánh nhìn thơ thới, thì đấy chính là ông, Mai Văn Giá, một huyền thoại giữa đời thường.

                                                                    Ngọc Mai


 

,
.
.
.