"Giữ lửa" cho... làng nghề

Cập nhật lúc 09:16, Thứ Sáu, 15/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Không hẹn mà nên, những con người ấy mỗi người một tính cách, một lối sống, một nghề riêng, sinh ra, lớn lên và sống ở một địa phương khác nhau nhưng đều gặp nhau ở tình yêu, lòng nhiệt huyết với nghề. Suốt mấy mươi năm qua, ngọn lửa yêu nghề trong con người họ chưa bao giờ tắt, luôn thổi rực niềm tin để họ bám trụ và sống trọn với nghề ông cha để lại.

Từ ngọn lửa yêu nghề

Chúng tôi đến nhà nghệ nhân Châu Đình Huế (Mai Hồng, Đồng Trạch, Bố Trạch) đúng lúc ông và các con đang tất bật với việc hoàn tất những "mẻ lò" để kịp giao hàng cuối năm. Xuân này ông bước sang tuổi 79 nhưng nhìn cái cách ông thoăn thoắt nện búa, đe, phăng phăng bê ống thép nặng chừng 50kg không ai nghĩ ông đã ở vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy".

Ông tâm sự: "Giờ tuổi đã cao, các con đều khuyên nên dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng cái nghề đã ngấm vào máu, gắn với nghiệp của đời mình rồi nên không thể "dứt" ra được. Một ngày không được đụng tay vào đe, búa, không được làm ra những sản phẩm mà mình tâm huyết là y như rằng ngày đó tôi ăn không thấy ngon". Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề, cha và ông nội của ông đều là những thợ rèn giỏi nức tiếng một thời. Năm 13 tuổi, ông Huế đã biết cầm đe, nện búa và làm ra những sản phẩm đầu tay.

Đến năm 16 tuổi, ông bắt đầu tham gia vào HTX Mai Hồng và chính thức trở thành người thợ rèn thực thụ. Thế rồi từ lúc nào không hay đúc rèn không chỉ là nghề "kiếm cơm" của gia đình ông mà còn là niềm vui sống của người con Đồng Trạch tâm huyết với nghề ấy. Gần 67 năm gắn bó với nghề, từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân Châu Đình Huế đã có biết bao sản phẩm được ra đời, đến tay người lao động để làm ra hạt lúa, củ khoai, góp cho đời những mùa quả ngọt, những mùa vàng bội thu...

Địa chỉ thứ hai mà chúng tôi tìm đến là ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông Nguyễn Văn Ry, người gắn bó lâu năm nhất với nghề đan lát ở Xuân Bồ, Xuân Thủy, Lệ Thủy. Ông Ry bộc bạch: "Làng nghề quê tui giờ đang dần mai một. Chẳng còn nhiều người theo nghiệp tổ tiên để lại nữa”.

Ông Nguyễn Văn Ry đang dạy cháu cách đan lát.
Ông Nguyễn Văn Ry đang dạy cháu cách đan lát.

Ông kể, làng nghề quê ông trước đây nhộn nhịp lắm. Nhà nhà, người người đều biết đan và đan rất đẹp. Từ lúc lên 7, ông đã được học đan và đến lúc lên 8 thì đan thành thạo. Cứ thế cho đến giờ, khi bước sang tuổi 82, ông Ry đã gắn bó với nghề được 75 năm. Từ những nguyên liệu tre, nứa thô sơ, nhưng dưới bàn tay khéo léo của mình, ông Ry đã cho ra đời nhiều loại vật dụng dùng trong sinh hoạt, sản xuất, phục vụ cho đông đảo bà con trong vùng. Ở vào cái tuổi "thượng thọ", nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài với công việc của mình và có lẽ niềm vui lớn nhất của ông là được bầu bạn với các thanh tre, thanh nứa để tự tay làm ra những sản phẩm mình tâm đắc.

Rời làng quê Xuân Bồ yên ả, chúng tôi có mặt tại thôn La Hà, xã Quảng Văn, Quảng Trạch, "cái nôi" sản xuất sản phẩm mặt mây truyền thống của tỉnh ta. Chứng kiến cảnh người dân nơi đây tất bật chuẩn bị giao hàng tết, chúng tôi hiểu làng nghề La Hà đã hồi sinh. Và người có công khôi phục, "tiếp lửa" cho nghề truyền thống của làng chính là ông Trần Văn Hiếu, Bí thư Chi bộ thôn La Hà, kiêm Chủ nhiệm HTX mây đan Quảng Văn. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ sáng sớm với những lo toan và bộn bề công việc từ kiểm kê đơn đặt hàng, liên hệ nhập nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, đốc thúc bà con sản xuất kịp giao hàng cho đến việc gom hàng, chuốt mây, đan thành sản phẩm... Không việc gì là ông không "đụng tay".

Với ông, đó chính là niềm vui sống, là cái nghiệp không bao giờ dứt được. Chỉ mới bước sang tuổi 50 nhưng ông đã có trên 40 năm gắn bó với nghề và như ông nói "chừng nào còn hơi thở, chừng đó vẫn còn "lăn lộn" với nghề".

Đến "giữ lửa" cho làng nghề

"Cơn lốc" cơ chế thị trường cộng với sự "vô tâm" của không ít người làm nghề đã khiến cho nhiều làng nghề tỉnh ta đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Lớp lao động trẻ ngày càng "rơi rụng" dần là một thực tế buồn tại nhiều làng nghề. Trước thực trạng đó, những nghệ nhân tâm huyết, những "bậc tiền bối" làng nghề vẫn luôn nuôi khát vọng, quyết tâm "thổi lửa" hồi sinh nghề truyền thống của quê hương. Và trên thực tế, nhiều làng nghề đã thoát khỏi cảnh "chìm nghỉm" nhờ vào những con người đầy nhiệt huyết ấy.

Làng nghề mây đan La Hà, Quảng Văn (Quảng Trạch) đã thực sự hồi sinh.
Làng nghề mây đan La Hà, Quảng Văn (Quảng Trạch) đã thực sự hồi sinh.

Về Mai Hồng hôm nay không ít người chạnh lòng vì sự phồn thịnh xưa kia của làng nghề nay đã không còn. Mai Hồng giờ ít lắm những con người tâm huyết với nghề như nghệ nhân Châu Đình Huế. Cả đời gắn bó với nghiệp tổ tiên nên mặc ai quay lưng, ông Huế vẫn "thủy chung" với cái nghề "ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi" này. Làm sao để khôi phục nghề truyền thống của quê hương luôn là trăn trở thường trực đối với ông. Có lẽ vì thế mà ông Huế tình nguyện trở thành "thầy giáo không công" dạy nghề cho nhiều bà con trong vùng.

Anh Trần Thanh Hải, Trưởng thôn 8, xã Đồng Trạch cho biết: "Rất nhiều thợ rèn trong làng, trong đó có tui là "học trò" của ông Huế. Lo lắng nghề của làng sẽ mai một theo thời gian nên ông không nề hà chỉ dạy tận tình cho bọn tui. Khi đã thành thạo ông khuyến khích học trò lập mở xưởng riêng để phát triển nghề của làng". Và đến nay, hầu hết những người theo học nghề ở ông Huế đều đã có xưởng đúc rèn riêng của mình.

Ông Huế bộc bạch: "Giờ đây tui có thể yên tâm hơn khi đã truyền được nghề cho con cái. Rất mừng là các con cũng có "máu" yêu nghề như mình. Hy vọng chúng sẽ thay tui "giữ lửa" cho lò rèn của gia đình cũng như của làng. Giờ có nhắm mắt tui cũng được yên lòng". Hai người con trai của ông hiện đang là những thợ rèn có tiếng với cơ sở quy mô khá lớn của làng. Với một người "coi đúc rèn là cuộc sống" như nghệ nhân Châu Đình Huệ, đó thực sự là niềm hạnh phúc quý giá lúc tuổi già.

Còn với ông Nguyễn Văn Ry lại chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề. Mong muốn lớn nhất của ông là truyền tình yêu nghề của bản thân cho con cháu, bà con trong làng để "tiếp lửa" cho họ giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Khi chúng tôi đến, ông đang miệt mài chỉ cho đứa cháu mới 6 tuổi đan thúng. Ông bảo: "Hiện làng tui không nhiều người làm nghề này nữa. Giờ mình không truyền nghề lại cho con cháu sợ sau ni sẽ mất gốc, sẽ không còn ai nhớ đến làng đan lát Xuân Bồ nức tiếng một thời nữa". Dường như được thừa hưởng ngọn lửa yêu nghề từ cha, ông, nên hiện tại con cháu của ông Ry không có một ai nghĩ đến hai chữ "bỏ nghề" dù thu nhập từ đan lát chẳng đáng là bao.

Giống như nhiều làng nghề khác trên địa bàn tỉnh ta, từ nhiều năm trước, làng nghề sản xuất sản phẩm mặt mây truyền thống La Hà, Quảng Văn cũng "chới với" và "lúng túng" trong việc tìm hướng phát triển bền vững. Thời điểm làng nghề gặp khó khăn, ông Hiếu đã ngược xuôi khắp các tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Và ông quyết tâm phục hồi nghề truyền thống của làng quê bằng cách đưa công nghệ tiên tiến về làng, tạo việc làm ổn định cho người dân nơi đây.

Năm 2010, được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông đứng ra vận động thợ đan trong làng thành lập HTX mây đan Quảng Văn, làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho bà con. Mọi việc từ chọn mua nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, khai thác các hợp đồng đặt hàng... ông đều lo chu toàn. Không phải lo lắng về nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm nên người dân La Hà đã gắn bó với nghề truyền thống của làng. Hiện tại với hơn 100 hộ và gần 220 lao động, làng nghề La Hà đang từng bước hồi sinh và trên đà phát triển. "Thời gian này bà con phải đan liên tục cả ngày lẫn đêm vậy mà cũng không đủ hàng để giao cho khách". Ông Hiếu hớn hở khoe với chúng tôi.

                                                                     Đào Vân










 

,
.
.
.