.

Những vấn đề cử tri quan tâm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Thứ Tư, 20/12/2017, 10:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW. Toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác: nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; tập trung đổi mới cơ chế tài chính, cải cách hành chính; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sát đối tượng, bám chuẩn kiến thức, kỹ năng, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh; chất lượng giáo dục, đào tạo chuyển biến tích cực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trong thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, làm cho các bậc phụ huynh, cũng như cử tri trong tỉnh băn khoăn, lo lắng... Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo ngành GD-ĐT về những vấn đề cử tri quan tâm. Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT đã thẳng thắn chia sẻ để nhân dân trong tỉnh nắm rõ thêm, tiếp tục quan tâm, giúp đỡ ngành trong quá trình đổi mới, xây dựng nền GD-ĐT Quảng Bình phát triển bền vững.

Khắc phục tình trạng không bảo đảm an toàn cho trẻ trong một số cơ sở giáo dục mầm non

Thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) còn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ; một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt trong giờ học nhưng có trẻ ra khỏi khuôn viên trường bị tử vong; hoặc cô giáo mầm non đánh các cháu làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân là do không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất và quy định bảo đảm an toàn cho trẻ trong các cơ sở GDMN; khối lượng công việc của giáo viên mầm non lớn và chịu nhiều áp lực, trong khi các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ chưa đáp ứng yêu cầu; một số giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ; chưa thực sự yêu nghề, yêu trẻ, chưa ý thức sâu sắc đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.

Cuộc thi tài năng tiếng Anh (OTE) dành cho học sinh phổ thông sẽ là một trong ba cuộc thi được Sở GD-ĐT lựa chọn tổ chức trong năm 2018.
Cuộc thi tài năng tiếng Anh (OTE) dành cho học sinh phổ thông sẽ là một trong ba cuộc thi được Sở GD-ĐT lựa chọn tổ chức trong năm 2018.

Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản, công văn chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở việc bảo đảm an toàn  cho trẻ, cho học sinh trong các cơ sở GDMN và sẽ tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; hàng năm, đưa nội dung bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục mầm non, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ sở GDMN. Ngành sẽ tăng cường bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tình thương yêu đối với trẻ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN; đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xâm hại đến thân thể, sức khỏe và tinh thần của trẻ.

Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định

Thực tế, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình học sinh ở không chỉ riêng tỉnh ta mà nhiều tỉnh khác. Việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường có thu tiền của học sinh cần tuân thủ theo các văn bản hiện hành của Bộ GD-ĐT và quy định pháp luật. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là thành phố, thị xã, thị trấn, khu đô thị, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, trách nhiệm này thuộc về Sở GD-ĐT và các địa phương để xảy ra vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải các môn văn hóa và tăng cường các hoạt động giáo dục; giao quyền chủ động, hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt. Sở đã chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Sở chỉ đạo phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương, nhất là các địa phương thường xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định và yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Đồng thời, Sở cũng đã có các văn bản quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.

Rà soát, cắt giảm các cuộc thi, hội thi ở bậc phổ thông

Qua kết quả rà soát cho thấy số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay còn nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên học sinh, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả hoạt động giáo dục.

Trong năm học 2017-2018 và các năm tiếp theo, Sở GD-ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi có nội dung gắn liền với hoạt động dạy học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo để vận dụng kiến thức đã học được từ các môn học trong nhà trường, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh; không bắt buộc các trường tổ chức đội tuyển và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia. Hình thức tổ chức cuộc thi bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí; khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia, bảo đảm đúng mục đích, ý nghĩa là tạo sân chơi tự nguyện cho những học sinh có sở trường, nhu cầu; không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học. Sở sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện sai các quy định.

Với tinh thần đó, từ năm 2018, Sở GD-ĐT chỉ tổ chức 3 cuộc thi: học sinh giỏi các bộ môn văn hóa lớp 9, lớp 11 và lớp 12; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông và thi tài năng tiếng Anh (OTE).

Thận trọng trong việc triển khai mô hình trường học mới VNEN

Mô hình VNEN nhằm mục đích đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức lớp học, sinh hoạt chuyên môn và công tác quản lý hướng đến môi trường học tập cởi mở, thân thiện, hiệu quả; học sinh tích cực, tự tin, tự học, tự quản, hợp tác, chia sẻ giúp nhau cùng tiến bộ... Mô hình này có rất nhiều ưu điểm, nhưng khi triển khai tại Việt Nam, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nên đã bộc lộ một số bất cập. Nguyên nhân là do chưa nhận thức đúng, đủ về mô hình VNEN; chưa chuẩn bị đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học; một số địa phương triển khai máy móc, rập khuôn, chưa linh hoạt; công tác truyền thông chưa tốt, nên cha mẹ học sinh chưa hiểu được ý nghĩa và hiệu quả của mô hình này.

Sở GD-ĐT đã rà soát, đánh giá, chỉ ra các bất cập và đưa ra các giải pháp trong quá trình triển khai mô hình trường học mới tại địa phương.Trong đó, căn cứ vào các điều kiện tối thiểu để triển khai (giáo viên, cán bộ quản lý và điều kiện CSVC, thiết bị dạy học); xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trường học mới tại địa phương; tăng cường công tác truyền thông, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ việc áp dụng mô hình trường học mới; yêu cầu các trường khi bảo đảm đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện mô hình và bảo đảm hiệu quả, chất lượng; đối với các trường chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai mô hình.

Trong năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 113 trường tiểu học/912 lớp thực hiện nhân rộng toàn phần mô hình VNEN; tất cả các trường còn lại (115 trường và cơ sở giáo dục có học sinh tiểu học) thực hiện mức độ 1; có 10 trường THCS/43 lớp thực hiện mô hình trường học mới (trong đó, có 23 lớp/736 học sinh lớp 7 và 20 lớp/687 học sinh lớp 8), giảm 12 trường/39 lớp so với năm học 2016-2017.   

Nội Hà