.

Bộ Giáo dục 'làm mới' cuộc vận động 'Hai không'

Thứ Sáu, 29/12/2017, 09:48 [GMT+7]
Bộ Giáo dục đào tạo nhắc lại lời kêu gọi chống tiêu cực trong một chỉ thị cách đây 11 năm, nhấn mạnh chống bệnh thành tích một cách thường xuyên, không phô trương, hình thức.
 Hình ảnh quay cóp trong phòng thi tại trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Đã có hơn 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên bị kỷ luật vì vi phạm quy chế thi trong vụ tiêu cực này - Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh quay cóp trong phòng thi tại trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Đã có hơn 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên bị kỷ luật vì vi phạm quy chế thi trong vụ tiêu cực này - Ảnh cắt từ clip
Bộ Giáo dục đào tạo vừa gửi công văn đến các sở GD-ĐT, các trường ĐH, các học viện và các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm trên toàn quốc ngày 28-12.
 
Nhắc lại Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về "chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục" được ban hành từ 11 năm trước (năm 2006), bộ nhấn mạnh bên cạnh kết quả đã đạt được, trong ngành giáo dục vẫn còn những biểu hiện tiêu cực và bệnh thành tích.
 
Đó là tình trạng "thiếu trung thực trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thi và kiểm tra đánh giá xếp loại", "nể nang, thiếu dân chủ trong bình chọn, xếp loại thi đua, khen thưởng", "cào bằng, dễ dãi trong suy tôn"; "che giấu hạn chế, yếu kém"; "áp đặt chỉ tiêu quá cao so với khả năng thực tế"; "tổ chức trao thưởng phô trương, hình thức, lãng phí".
 
Những biểu hiện này làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, uy tín của ngành và sự công bằng trong giáo dục, công văn nêu.
 
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở, trường thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
 
"Đây là việc làm thường xuyên, không phô trương, hình thức, đồng thời là giải pháp quan trọng để tăng cường nề nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo", công văn nêu.
 
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các sở và các nhà trường rà soát sửa đổi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy định, yêu cầu không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.
 
Các đơn vị cũng phải xây dựng và công bố công khai các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, có đầy đủ cơ sở khoa học, minh chứng rõ ràng, phù hợp với thực tế, đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Thành tích của đơn vị, cá nhân được đánh giá bằng sự tiến bộ của chính đơn vị, cá nhân đó.
 
Ngoài ra, phải thực hiện tốt kỷ cương, nề nếp, quy chế dân chủ ở cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi, biểu hiện tiêu cực trong dạy, học và bệnh thành tích trong giáo dục.
 
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT yêu cầu không tổ chức các hoạt động giáo dục trái quy định, gây áp lực cho người dạy, người học và cha mẹ học sinh.
 
Theo hướng dẫn của bộ, không lấy kết quả của các kỳ thi, các hoạt động giao lưu do địa phương tổ chức để đánh giá xếp loại thi đua, xét khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị.
 
Năm 2006, Chỉ thị số 33 của Thủ tướng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục đã chỉ ra tại thời điểm đó các biểu hiện tiêu cực (gian lận trong thi cử, trong cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ, tiêu cực trong tuyển sinh, chuyển trường ở các cấp học, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước...) và bệnh thành tích trong giáo dục "đã và đang xói mòn các nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội".
 
Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT mở cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" (thường gọi là cuộc vận động "Hai không").
 
Bộ GD-ĐT xác định đó là khâu đột phá trong năm học 2006-2007 để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
 
Theo đó, ngay tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2007 - năm đầu thực hiện cuộc vận động "Hai không", tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT nhiều tỉnh sụt giảm đột ngột, có tỉnh chưa đạt 15%. Thậm chí có nơi, cả trường bị trượt tốt nghiệp.
 
Tuy nhiên, sau vài năm thực hiện cuộc vận động này, đến những năm gần đây, tỉ lệ tốt nghiệp THPT lại "dâng" lên mức phổ biến trên 90% ở nhiều tỉnh, thành.
 
Theo Ngọc Hà (Tuổi trẻ)