.

Xứng danh lá cờ đầu

Thứ Sáu, 20/10/2017, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy là trường chuyên biệt đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia, được UBND tỉnh công nhận là tập thể lao động xuất sắc và tặng cờ thi đua dẫn đầu các cấp học.

Toạ lạc trên một khu đất bằng phẳng, rộng hơn 10.000m2 thuộc xã Mai Thủy, Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) Lệ Thủy - tiền thân là trường “Thanh niên dân tộc huyện Lệ Thủy” với sứ mệnh lịch sử là đào tạo nguồn cán bộ cho đồng bào dân tộc kết hợp với mục tiêu chính trị địa phương, góp phần phổ cập THCS cho các xã vùng cao Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy.

Trong 25 năm xây dựng và phát triển (thành lập ngày 26-7-1992), Trường đã được đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: Tập thể lao động xuất sắc, trường đạt chuẩn quốc gia, đơn vị lá cờ đầu toàn tỉnh (khối trường chuyên biệt), được Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen...

Từ chỗ chỉ có vài phòng học tạm kê mấy bộ bàn ghế, cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh chưa đến 20 em, đến nay, nhà trường đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang với đầy đủ hệ thống các phòng học (5 lớp THCS với 142 học sinh), phòng thực hành, phòng làm việc, phòng ở và bếp ăn, hệ thống giếng nước, bể tắm, sân chơi, sân thể dục thể thao, nhà vệ sinh đạt chuẩn (sắp tới sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng 20 phòng ở nội trú mới cho học sinh).

Lãnh đạo Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy đón nhận cờ “Đơn vị dẫn đầu các cấp học” của UBND tỉnh.
Lãnh đạo Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy đón nhận cờ “Đơn vị dẫn đầu các cấp học” của UBND tỉnh.

Với mong muốn của nhà trường là sớm giúp các em học sinh người Bru-Vân kiều hòa nhập nhanh với mọi người, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, giao tiếp và sinh hoạt, để từng bước tiếp cận và làm chủ kiến thức văn hóa, khoa học, tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát mục tiêu chính trị, vận dụng linh hoạt chương trình, kế hoạch của ngành, từng bước xây dựng trường đạt chuẩn theo hướng hiện đại. Bên cạnh lấy đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng đại trà làm then chốt, ứng dụng CNTT và chất lượng mũi nhọn văn hóa làm khâu đột phá, tiến tới một văn phòng không giấy tờ, nhà trường đã mạnh dạn áp dụng những cách làm sáng tạo sát với điều kiện thực tế. Mỗi phòng nội trú học sinh đều được bố trí một thầy, cô giáo đỡ đầu, hướng dẫn kỹ năng sống và trực tiếp quản lý các em. Thầy cô trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nơi để các em tâm sự, chia sẻ những vấn đề khó khăn xảy ra trong cuộc sống.

Nhiều mô hình gắn với cuộc sống thực tế tại thôn bản đã được nhà trường áp dụng vào quá trình dạy học, như: mô hình trồng rau xanh, chăn nuôi cá, trồng lúa nước trên ruộng thí nghiệm, “phổ cập bơi an toàn”, thu gom phế liệu gây quỹ... Trong đó, việc thực hiện thành công dự án xã hội hóa hoạt động bơi lội đối với việc phòng, chống đuối nước cho học sinh đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn trường có 85% học sinh biết bơi, nhiều em tham gia đội tuyển TDTT của huyện, đạt 11 giải cấp huyện và tỉnh. Các hoạt động ngoại khóa văn hóa văn nghệ, TDTT, trò chơi dân gian, giáo dục kỹ năng sống, hành trình về nguồn, thăm địa chỉ đỏ... được nhà trường quan tâm tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, giúp các em thêm yêu trường, mến lớp và biết trân trọng, gìn giữ truyền thống văn hoá dân tộc.

Với sự nỗ lực không ngừng, năm học 2016-2017 nhà trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi đạt 7,8%, khá 42,3%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%; tốt nghiệp nghề đạt 100%. Tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhà trường đã có 4 giải; 11 giải TDTT; xóa được điểm trắng về học sinh giỏi ở các môn văn hóa kéo dài trong nhiều năm học qua của nhà trường nói riêng và của khối trường có học sinh dân tộc nói chung (môn Ngữ văn và Địa lý). Trên 40% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển về học tại Trường PTDTNT tỉnh, số còn lại đều có những đóng góp nhất định cho quê hương, bản làng trong xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới, không ít người trở thành lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các xã. Nhiều học sinh đã đỗ vào các trường đại học lớn.

Toàn trường hiện có 34 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 14 giáo viên trực tiếp đứng lớp; 100% cán bộ, giáo viên của trường có trình độ đạt chuẩn (70% trên chuẩn), 2 đồng chí đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 8 đồng chí đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 4 giáo viên đạt giải cuộc thi soạn giáo án E-Learning và giáo án tích hợp cấp tỉnh (trong đó có 2 giáo án được chọn tham gia dự thi toàn quốc).

Từ trong các phong trào thi đua, cuộc vận động, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng VĐV TDTT, như: thầy giáo Võ Quốc Huy, cô giáo Võ Thị Thanh, Huỳnh Thị Thanh Thủy...

Chia sẻ về những dự định xây dựng đơn vị trong thời gian tới, thầy giáo Võ Chương Đài, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường gửi gắm: “Mong muốn lớn nhất của nhà trường cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương, phụ huynh, học sinh và nhân dân là đề nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Lệ Thủy quan tâm, tạo điều kiện để thành lập Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú Lệ Thủy trên cơ sở trường cũ từ năm học 2018-2019”.

Với những thành tích đáng ghi nhận đó, vừa qua, Trường PTDTNT đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là tập thể lao động xuất sắc và tặng cờ thi đua dẫn đầu các cấp học.

Văn Hải
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy)