.

Người Quảng Bình hiếu học

Thứ Sáu, 05/05/2017, 09:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2016, anh Phan Ngọc Minh, sinh năm 1969, quê quán xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng Giáo sư ngành Vật lý và được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Anh có 2 bằng tiến sĩ (1 bằng tiến sĩ trong nước, 1 bằng tiến sĩ nước ngoài).

Khi anh Minh vừa cất tiếng khóc chào đời, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt trên quê hương Quảng Bình. Và từ thời niên thiếu đến tuổi thanh niên, anh đã sống trong hoàn cảnh “cơ chế bao cấp”, kinh tế đất nước và kinh tế gia đình gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Sống trong bối cảnh ấy, anh Minh vẫn luôn xác định: “Dù nay cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm và còn nhiều khó khăn vất vả khác, nhung phải luôn cố gắng học cho đến nơi đến chốn, học cho tốt, rèn luyện cho tốt”...

Và thực tế, anh đã làm được điều mình tâm nguyện. Thời kỳ theo học cấp 1, cấp 2 ở trường làng, anh rất chăm chỉ học tập và luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, được dự thi học sinh giỏi môn Toán và cả môn Vật lý, được chuyển thẳng vào Trường cấp 3 Tuyên Hóa. Đến năm lớp 12, anh chuyển về học ở Trường cấp 3 Bắc Quảng Bình (Ba Đồn). Ở lớp học này, anh được xếp loại học sinh xuất sắc.

Năm 1986, anh Minh thi đậu Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học tại đây, anh đều đạt danh hiệu “Sinh viên ưu tú”. Trong kỳ thi sinh viên khoa học toàn quốc, anh đoạt giải nhì và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Viện Vật lý. Sau 3 năm học tập, nghiên cứu trong nước và 1 năm tu nghiệp tại Cộng hòa liên bang Đức, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa Vật lý tại Việt Nam và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1996, anh Minh được cơ quan cử đi du học tại Nhật Bản với chuyên ngành công nghệ cao tại Trường đại học Tohoku. Sau 4 năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, anh đã tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Công nghệ cao. Vừa mới nhận bằng tiến sĩ, anh Minh được nước bạn mời làm công tác giảng dạy và làm trợ lý cho giáo sư viện sĩ Trường đại học Tohoku. Thấy được khả năng, trình độ và triển vọng của anh, phía Nhật Bản mời anh ở lại làm việc lâu dài. Tuy vậy, anh Minh đã từ chối và mong muốn trở về quê hương để được phụng sự Tổ quốc. Cuối năm 2004, anh về nước và vào làm việc tại Viện Khoa học vật liệu, sau đó công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho đến nay. Vào làm việc tại 2 cơ quan này, anh đã đảm nhận các trọng trách: Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia, Trưởng ban Kế hoạch tài chính Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 2007, anh được phong tặng danh hiệu Phó giáo sư. Anh đã xuất bản một số tập sách về công nghệ cao, nhất là công nghệ Nano để làm tài liệu giảng dạy tại các trường đại học trong nước.

Anh rất say mê học ngoại ngữ, anh tâm niệm: “Phải học ngoại ngữ cho tốt, phải tham khảo đọc nhiều sách báo để không ngừng bổ sung kiến thức cho mình”. Đến nay, anh thông thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nhật, Đức và là Phó Tổng biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology, tạp chí đầu tiên của Việt Nam nằm trong danh mục ISI quốc tế.

Với sự đóng góp, cống hiến của anh Minh, trong năm 2016, anh được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng giáo sư ngành Vật lý. Tháng 9-2016, anh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Khi được hỏi về bí quyết kinh nghiệm để có được thành công trong học tập và công tác, anh khiêm tốn chia sẻ: “Đó là nhờ sự quan tâm nuôi dưỡng, dạy bảo của bố mẹ, sự quan tâm giúp đỡ tận tình của nhà trường, cơ quan, bạn bè, đồng chí. Về phần mình, trong học tập phải đam mê, say sưa, hứng thú, có say mê hứng thú thì việc lưu trữ kiến thức mới bền vững”...

Sự tiến bộ không ngừng của anh Minh không thể không kể đến truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học của gia đình, sự nuôi dưỡng của bố mẹ. Anh có 4 anh em đều tốt nghiệp đại học trở lên (trong đó, 1 em tiến sĩ – du học ở Pháp, 1 em là thạc sĩ...).

Phạm Quang Lịch