.

Mô hình trường học mới: Có nên mở rộng?

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có 14 trường trong tổng số 1.447 trường tiểu học trong cả nước được chọn thực hiện thí điểm dự án Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đối với cấp tiểu học. Đến năm học 2015-2016, Sở tiếp tục chỉ đạo thí điểm mô hình trường học mới (THM) đối với cấp THCS. Qua 5 năm triển khai thực hiện, mô hình THM có những ưu điểm nhất định, nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập...

Tiểu học với mô hình VNEN

Bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết, bắt đầu từ năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 14 trường tiểu học thực hiện thí điểm dự án Mô hình trường học mới (THM), với 80 lớp và 1.924 học sinh. Trong quá trình thực hiện, nhận thấy mô hình VNEN có nhiều ưu điểm, qua hàng năm, Sở đã chỉ đạo các trường tiểu học nhân rộng toàn phần và nhân rộng mức độ 1. Đến năm học 2016-2017, dự án kết thúc, trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, có 114 trường thực hiện nhân rộng toàn phần, với 994 lớp, 24.622 học sinh. Các trường còn lại triển khai nhân ở rộng mức độ 1.

Trong quá trình triển khai thực hiện, mô hình THM có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Trước hết, mô hình đổi mới tổ chức lớp học, học sinh được chủ động tự quản, phát huy hết khả năng, vai trò, tính chủ động sáng tạo trong tất cả các hoạt động của lớp, của trường. Không gian lớp học được trang trí sinh động, đẹp mắt, dễ sử dụng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh.

Đồng thời, mô hình VNEN đã thay đổi cách nhìn nhận về quá trình dạy học của giáo viên, định hướng cho giáo viên một cách rõ ràng hơn về đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên biết vận dụng thích hợp các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tối đa khả năng tự học, sáng tạo của mỗi học sinh; giảm thiểu hoạt động dùng lời để thuyết trình, tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tổ chức để học sinh được thực hành nhiều hơn trong mỗi giờ học, tạo cho học sinh có cơ hội làm việc, tự lập và tự chủ.

Bên cạnh đó, áp dụng mô hình VNEN góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, các em biết độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng của bản thân và phát huy năng lực hợp tác khi học theo nhóm.

Một tiết học theo mô hình VNEN.
Một tiết học theo mô hình VNEN.

Đặc biệt, từ khi triển khai mô hình VNEN, tất cả các trường tiểu học (cả trong và ngoài dự án) đã chú trọng đổi mới cách thức nội dung các hoạt động giáo dục để phát triển năng lực cho học sinh. Nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức, như: ngày hội học sinh tiểu học, ngày hội đọc sách, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống...

Qua một thời gian thực hiện, giáo viên đã dần quen với việc đánh giá học sinh bằng nhận xét cụ thể. Thông qua thay đổi về cách đánh giá, các hoạt động sư phạm của giáo viên trong quá trình lên lớp tiếp tục được thay đổi, giáo viên là người giao việc, tổ chức các hoạt động học tập, tư vấn, giám sát và chia sẻ với học sinh. Hoạt động học của học sinh được chú trọng, các em có cơ hội khám phá, bộc lộ khả năng tự chiếm lĩnh kiến thức; biết tự đánh giá mình, đánh giá bạn.

Khi thực hiện mô hình VNEN, về mặt kiến thức, qua khảo sát 2 môn Toán, Tiếng Việt cơ bản ổn định so với sách giáo khoa hiện hành. Về mặt kỹ năng và nhận thức, học sinh được giáo dục toàn diện hơn, đặc biệt phát huy tính tự tin, chủ động, tự quản, linh hoạt, sáng tạo, khả năng tự học.

Đến mô hình trường học mới ở cấp THCS

Năm học 2015- 2016, Sở đã chỉ đạo các phòng GD - ĐT căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình và số lượng học sinh tiểu học đã học theo mô hình VNEN để đăng ký số lượng trường cụ thể tham gia mô hình THM. Có 22 trường của 8 phòng GD - ĐT các huyện, thị xã, thành phố tham gia với 59 lớp, 1.914 học sinh.

Năm học 2016-2017 có thêm 6 trường đăng ký tổ chức dạy học theo mô hình THM, nhưng cũng có 6 trường không tham gia, nên toàn tỉnh vẫn giữ con số 22 trường, với 96 lớp, 3.215 học sinh lớp 6 và lớp 7 thực hiện mô hình THM.

Theo đánh giá của các trường thực hiện mô hình THM, các em học sinh đã từng bước thích nghi với phương pháp học mới, nhiều em tỏ ra rất hào hứng trong học tập, tự tin khi trao đổi nội dung bài học với bạn bè và thầy cô giáo. Bước đầu, các em đã chủ động trong việc phối hợp với bạn trong việc phát hiện và tìm kiếm tri thức, mạnh dạn trình bày chính kiến của mình về vấn đề mà giáo viên đặt ra, đặc biệt một số em đã biết vận dụng kiến thức vào thực tế sinh động phục vụ bản thân.

Năm học 2015-2016 và học kỳ I năm học 2016-2017, kết quả về phẩm chất và năng lực của học sinh có tiến bộ; nhưng về kết quả làm bài kiểm tra kiến thức chưa có sự ổn định (học kỳ II năm học 2015-2016 có sự tiến bộ, nhưng học kỳ I năm học 2016-2017 có giảm sút).

Những hạn chế, bất cập...

Thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện mô hình THM trên địa bàn toàn tỉnh không mấy thuận lợi, có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân, trong đó có cả những người trong ngành Giáo dục. Lý giải cho vấn đề này nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy - học của các trường trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng với yêu cầu, như: không gian lớp học chật hẹp, sĩ số học sinh trên lớp đông, việc trang trí lớp học, bố trí bàn ghế từng nhóm theo mô hình THM rất khó khăn, do đó làm giảm hiệu quả mô hình này.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã kết thúc dự án thí điểm, vì vậy ngành GD - ĐT Quảng Bình cần đánh giá một cách khách quan, thận trọng khi tiếp tục thực hiện mô hình này ở cả hai cấp học để phù hợp với điều kiện kinh tế  - xã hội của tỉnh nhà.

Hơn nữa tài liệu hướng dẫn học tập phân bố thời lượng và kiến thức các tiết học chưa hợp lý. Một số chỗ còn lỗi, không có phân phối chương trình cụ thể cho từng môn, nên giáo viên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Mặt khác, lượng thông tin, kiến thức, hướng dẫn cách thức hoạt động đưa vào tài liệu còn ít, thậm chí chỉ mang tính gợi ý hoặc ví dụ minh họa. Vì vậy, khi giáo viên lệ thuộc nhiều vào nội dung sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn, sẽ hạn chế sự sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức dạy học, kiến thức ít khắc sâu, ít mở rộng.

Đối với giáo viên, cường độ làm việc ở các lớp VNEN cao hơn so với các lớp bình thường. Mô hình VNEN đòi hỏi giáo viên có kiến thức sâu rộng, vững chắc không chỉ về môn học, chương trình lớp học mà còn hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đòi hỏi khả năng tích hợp, lồng ghép và khả năng ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống học tập của học sinh... nên bước đầu gây những áp lực nhất định đối với giáo viên.

Nhiều giáo viên còn quá lệ thuộc vào tài liệu hướng dẫn học tập, chưa chú ý dạy theo đối tượng học sinh, dạy học còn hời hợt, thiếu sự hỗ trợ tích cực để khắc sâu kiến thức, nâng cao năng lực cho học sinh, chưa chú trọng các nhiệm vụ học tập ở mức cao để phát triển tư duy học sinh, chất lượng dạy học đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu, gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh.

Việc quản lý, tổ chức lớp học theo mô hình VNEN ở một số trường, một số lớp còn mang tính hình thức, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng vào quá trình giáo dục học sinh theo tinh thần đổi mới. Hơn nữa, tài liệu của mô hình THM có giá thành cao hơn nhiều so với sách giáo khoa hiện hành, nên nhiều phụ huynh không đủ điều kiện mua sách cho con em học.     

Riêng với mô hình THM ở cấp THCS, do thiếu kiến thức và ít trải nghiệm thực tiễn về mô hình này nên khi triển khai còn máy móc, thiếu sự linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt đối với các đơn vị học sinh chưa học theo mô hình THM ở cấp tiểu học.

Đội ngũ giáo viên thiếu năng lực cả về kiến thức lý luận và kỹ năng hoạt động đối với mô hình THM, hầu hết đều được đào tạo trong các trường sư phạm trước đây, nên còn bỡ ngỡ với cách làm này, vẫn còn băn khoăn, chờ đợi, chưa thực sự quyết tâm đổi mới.  

Và quan điểm chỉ đạo trong năm học mới 2017-2018

Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện mô hình THM, do Sở GD - ĐT tổ chức vừa qua, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: ”Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, chúng ta cần phải cân nhắc, không nên mở rộng mô hình THM. Đối với cấp tiểu học tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình VNEN ở những trường có điều kiện thực hiện toàn phần, những trường chưa chuẩn bị đủ các điều kiện tiếp tục thực hiện mô hình THM ở mức độ 1”.

Đối với cấp THCS, tiếp tục thực hiện mô hình THM đối với các trường đã triển khai. Các trường THCS khác áp dụng các thành tố tích cực của mô hình THM để bổ sung và đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền đến cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể các cấp, đặc biệt là cha mẹ học sinh, làm cho mọi người hiểu rõ đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay là một tất yếu, trong đó mô hình THM là một con đường hiệu quả, thiết thực giúp thay đổi cách thức hoạt động giáo dục hiện nay trong các nhà trường phổ thông, đồng thời có cách nhìn mới, yêu cầu mới về sản phẩm đầu ra của giáo dục hiện nay. Từ đó, xây dựng các thang đánh giá mới đối với học sinh, giáo viên, nhà trường, xây dựng các chế độ chính sách mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tạo động lực để họ hết lòng làm việc, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Nội Hà