.

Tuyển sinh ĐH: 8 điểm cần lưu ý

Thứ Sáu, 03/02/2017, 10:39 [GMT+7]

Năm 2017, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

 Học sinh Trường THPT Thành Nhân (Q.Tân Phú, TP.HCM) hào hứng tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Như Hùng
Học sinh Trường THPT Thành Nhân (Q.Tân Phú, TP.HCM) hào hứng tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Như Hùng

Như vậy tuyển sinh ĐH năm 2017 này “điểm sàn” vẫn được giữ nguyên như các năm trước. Những thông tin quan trọng về tuyển sinh ĐH cũng được Bộ GD-ĐT công bố.

1. Từ năm 2018: không còn “điểm sàn” chung

Từ năm 2018 trở đi, các trường phải công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng như về đội ngũ, giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, các công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.

Đặc biệt là thông tin về tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).

Khi các trường công khai đầy đủ, chuẩn xác các thông tin này thì mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

2. Không giới hạn số lượng ngành, trường đăng ký xét tuyển

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường.

Ví dụ thí sinh có thể đăng ký ngành A nào đó vào nhiều trường có ngành này, nhưng có mức điểm trúng tuyển khác nhau, để khi không trúng tuyển trường điểm cao thì có thể trúng tuyển trường có 
điểm thấp hơn.

3. Đăng ký xét tuyển cùng lúc nộp hồ sơ dự thi

Để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GD-ĐT kèm theo lệ phí ĐKXT.

Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường.

4. Được thay đổi nguyện vọng xét tuyển

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.

Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh đã được hệ thống cung cấp khi đăng ký dự thi.

Nhờ phương thức điều chỉnh trực tuyến nên thí sinh không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường.

5. Mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi/bài thi

Căn cứ ngưỡng này, các trường công bố cách xét tuyển vào các ngành của trường.

Trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì tổ hợp xét tuyển có thể kết hợp theo bài thi hoặc theo môn thi thành phần nằm trong bài.

Các tổ hợp này phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập toán, ngữ văn để xét tuyển (không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/bài thi để xét tuyển cho một ngành).

Riêng đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một bài thi toán hoặc ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.

Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

6. Xét tuyển theo kết 
quả thi, không phân biệt thứ tự nguyện vọng đăng ký

Ở đợt 1, đối với các trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Nhưng đối với từng thí sinh, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Khi hệ thống đã xác định được nguyện vọng trúng tuyển này rồi thì lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa.

Ví dụ ngành A lấy điểm chuẩn 20 điểm thì tất cả những thí sinh đã đăng ký vào ngành A có điểm thi từ 20 điểm trở lên dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào cũng được xếp vào danh sách trúng tuyển.

Tuy nhiên, khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường X, nguyện vọng 5 vào trường Y, nguyện vọng 6 vào trường Z thì thí sinh này chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X (có nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã trúng tuyển).

7. Xét tuyển bổ sung: điểm chuẩn 
không thấp hơn đợt 1

Xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần. Các trường thông báo điều kiện xét tuyển bổ sung, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1.

Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.

8. Phải xác nhận nhập học khi trúng tuyển

Thí sinh có trách nhiệm xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh hay nộp bằng phương thức khác do trường quy định.

Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin ĐKXT và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Đợt 1, sử dụng cổng thông tin tuyển sinh chung

Bộ GD-ĐT xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện động tác thống kê nguyện vọng của thí sinh, lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Các trường/nhóm trường khai thác thông tin của mình và của cả các trường/nhóm trường khác có liên quan trên cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển và hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.

Các trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc ảo so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển phù hợp.

“Những trường nào không công bố đầy đủ thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, sẽ không được thông báo tuyển sinh.

Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bộ sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Theo Ngọc Hà - Vĩnh Hà (Tuổi trẻ)