.

Vào Rục "trồng người"

Thứ Năm, 12/12/2013, 10:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhấc máy điện thoại lên, thầy Trần Thanh Bun, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Hợp  cứ nhắc đi nhắc lại rằng: "Đường vào Rục bữa nay khó đi lắm! Các anh muốn vào thì phải liên hệ trước với UBND xã Thượng Hóa (Minh Hóa) để nhờ họ chở qua hung Trâu. Khi qua được "biển nước" đó, các thầy trong trường sẽ ra đón. Biết là vất vả, nhưng thật lòng tôi cũng muốn các anh lên đây để hiểu hơn cuộc sống của thầy và trò chúng tôi". 

 

Gian nan đường vào Rục.
Gian nan đường vào Rục.

Gian nan đường vào Rục

Câu nói của thầy Trần Thanh Bun hôm trước như làm cho chúng tôi thêm tò mò muốn vào với đồng bào Rục hơn bao giờ hết. Ngày hôm sau, tôi cùng một số đồng nghiệp lên đường vào Rục. Dù trời mưa tầm tã nhưng anh em trong đoàn đều cố gắng mang theo chút hàng cứu trợ và đồ dùng học tập lên tặng cho thầy và trò nơi đây.

Từ đường Hồ Chí Minh vào bản Ón chừng 10 km nhưng là cuộc hành trình hết sức gian nan. Đoàn chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường cao dựng đứng bị sạt lở sau những trận bão lũ vừa qua. Khi tới hung Trâu thì con đường bị một “biển nước” lớn chặn lại và nhấn chìm sâu có chỗ lên tới 4m, dài khoảng 2km. Nhờ lời dặn của thầy Bun, chúng tôi đã liên hệ với xã bố trí thuyền vượt qua con nước này.

Qua hung Trâu, phía trước là con đường đất đá lởm chởm và những con dốc ngoằn ngoèo thẳng đứng, đá tai mèo nhọn hoắt nhô ra hai bên lẫn trên mặt đường. Những chiếc xe máy đã cũ cứ hộc lên từng tiếng, xả ra từng đụn khói đen khét lẹt. Cả đoàn xe vật lộn với con đường “đau khổ” trong tiếng xe rồ ngằn ngặt. Thầy Đinh Thanh Duẩn chở tôi rướn người, cầm chặt tay lái nói trong hơi thở gấp: “Đoạn đường này đang được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng  tỉnh thi công. Ở đây, chuyện hư xe ở dọc đường phải dắt bộ mấy giờ đồng hồ hay chuyện thầy cô té xe, lao xuống vực xảy ra như cơm bữa...”. Lên tới đỉnh một con dốc thì có một chiếc xe chở hàng bị chết máy khiến cả đoàn phải dừng lại chờ.

Trong lúc đợi các thầy sửa xe, tôi tranh thủ trò chuyện với thầy Đinh Thanh Bình, người đã có thâm niên gần 30 năm gieo chữ trên đất Rục. Thầy Bình kể: “Tôi bắt đầu gắn bó với Rục từ năm 1980. Thời đó, đường vào Rục khó khăn gấp nhiều lần so với bây giờ. Trước tiên, phải vượt qua một khe nước ở thôn Quyền, xã Thượng Hóa rồi qua đập và eo Cu Nhăng, đến eo và núi Phôốc Sạc và leo qua nhiều ngọn núi khác. Ai muốn vào Rục chỉ có cách men theo con đường mòn, trèo qua ba ngọn núi và hai cái eo, 2 con suối. Đường đi có lúc cắt qua rừng già, có khi phải leo lên tận ngọn núi cao. Nhưng sợ nhất là qua hai cái cầu gỗ dài hàng chục mét được người dân chặt cây cổ thụ bắc qua. Phía dưới là vực sâu, đá tai mèo lởm chởm như cái bẫy đang chờ sẵn. Năm 1997, dự án ICO mới đầu tư làm hai cái cầu treo và Hội Việt kiều bên Pháp hỗ trợ kinh phí cho làm lại con đường mòn. Con đường đã được đặt tên là đường Huynh Đệ. Mãi đến năm 2003, mới có con đường vào Rục như thế này. Khi đó, chúng tôi mới đỡ vất vả hơn chút ít, nhưng đến mùa mưa lũ vẫn thường bị cô lập ở hung Trâu và một số nơi khác".

Chuyện cắm bản

Tiếp tục cuộc hành trình gian khổ, cuối cùng đoàn chúng tôi cũng đã có mặt tại Trường tiểu học Yên Hợp. Sau những cái bắt tay thật chặt, thầy Trần Thanh Bun, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Hợp cho biết: Trường có tất cả 139 học sinh, trong đó có 37 học sinh cấp 2 đang học ghép. Dù trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy và trò luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong dạy và học. Nhờ đó mà chất lượng cũng từng bước được nâng lên, số học sinh bỏ học hàng năm giảm rõ rệt.

Một lớp học của học sinh người Rục.
Một lớp học của học sinh người Rục.

Để dạy chữ trên đất Rục, 32 giáo viên phải thường xuyên cắm bản lại đây. Có những người cắm bản hàng chục năm trời như thầy Bình, thầy Tiềm... Cuộc sống của những giáo viên nơi đây vô cùng vất vả, thiếu thốn... Nhưng vì sự nghiệp “trồng người” trên vùng cao, các thầy cô giáo đã đùm bọc lẫn nhau, một lòng bám lớp, bám dân để dạy con chữ học trò.

Thầy Đinh Thanh Bình nhớ lại: “Năm 2010, trận lũ lịch sử đã vây đồng bào Rục hàng chục ngày liền nhưng chúng tôi cũng phải chèo thuyền vào Rục dạy học. Có hôm, một đồng nghiệp bị ốm nặng nên phải thay nhau cõng ra tới hung Trâu rồi bơi đẩy thuyền trong đêm qua dòng nước lạnh buốt mới cấp cứu kịp thời”.

Mỗi lần vào Rục cắm bản, thầy cô giáo không những mang theo lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu học trò mà còn mang theo cả lương thực, thực phẩm.Cô Cao Thị Kim Hằng tâm sự: “Để cắm bản gieo chữ cho học sinh, chúng tôi đã dự trữ thức ăn khoảng 20 ngày rồi mà vẫn cứ hết. Không thể quay về lấy được đành đến các nhà dân để vay mượn. Còn thực phẩm thì theo đồng bào đi hái rau rừng, hoa chuối, một số thầy đi câu cá hoặc đi thả lưới để có cái ăn”.

Thầy Trần Thanh Bun cho biết: Hiện trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phòng ở cho giáo viên. Mấy ngày mưa lũ, nhiều phòng ở bị dột nên nhà trường phải bố trí 2 đến 3 giáo viên nữ ở chung một phòng, còn các thầy thì kết bàn lại với nhau làm giường ngủ.

Em Cao Thị Hằng, học sinh lớp 4C nói: “Thầy cô yêu thương các cháu lắm. Để đáp lại công ơn của thầy cô giáo, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sỹ, chữa bệnh cho người dân nghèo nơi đây”.

Trưởng bản Mò o ồ ồ Cao Văn Đàn thật thà: “Cảm ơn các thầy cô giáo đã dạy bảo con cháu miềng hết lòng. Dù có vất vả khó khăn đến đâu miềng cũng bảo chúng nó theo học cho bằng được con chữ Bác Hồ". Tạm biệt các thầy cô giáo và các em học sinh Trường tiểu học Yên Hợp, ngôi trường trên đỉnh Trường Sơn dần khuất sau rặng núi. Tôi nhớ mãi cái vẫy tay của thầy và trò nơi đây, nhớ lắm câu nói của trưởng bản Cao Văn Đàn rằng: phải học cho bằng được con chữ Bác Hồ để thoát nghèo.

Xuân Vương