.

Khi sáng tạo không phải là việc của riêng ai...

Thứ Ba, 17/12/2013, 11:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Tổng kết Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2012-2013) mang lại nhiều bất ngờ thú vị. Những giải pháp tham gia đạt giải không chỉ thuộc về đội ngũ các kỹ sư, bác sĩ, công chức nhà nước, giảng viên... mà còn là những nhà nông quanh năm chỉ quẩn quanh với đồng ruộng, những sinh  viên còn ngồi trên ghế nhà trường và cả những giáo viên cấp 1, cấp 2 trường làng... Tất cả họ đều gặp nhau ở một điểm chung, đó là sự say mê sáng tạo khoa học kỹ thuật và niềm mong ước sự đóng góp nhỏ nhoi đó sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển chung của xã hội.

Anh Đặng Thanh Lâm (Mỹ Thủy, Lệ Thủy) lần đầu tiên đến với hội thi qua giải pháp “Xe xúc lật 180 độ và máy trộn tự hành”. Xe xúc lật được sử dụng các vật liệu phế thải sẵn có trên thị trường và được cải tiến bộ phận nâng hạ bằng thủy lực.

Nhờ đó, bộ phận xúc có thể được nâng lên 180 độ, đổ vật liệu vào thùng đựng hàng phía trên xe, góp phần giảm bớt sức người. Xe xúc lật 180 độ và máy tự trộn vận hành được sử dụng để thi công các công đoạn trong xây dựng đường bê tông nông thôn, như: xúc các loại vật liệu, trộn, vận chuyển và đổ bê tông mặt đường. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ưu điểm nổi bật của xe là có thể làm việc trong điều kiện chật hẹp, khó quay trở phương tiện thi công, hạn chế được việc di chuyển khi làm việc.

Điều đáng ngạc nhiên, đây chưa phải là giải pháp sáng tạo kỹ thuật duy nhất của người nông dân này. Anh cho biết, trong vòng hơn chục năm nay, anh đã cho ra đời gần 10 giải pháp sáng tạo và hầu hết các giải pháp này đều được vào áp dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.

Anh Đặng Thanh Lâm còn nhớ sản phẩm đầu tiên của mình: chiếc cối giã bằng điện. Trong vòng 1 tháng, anh mày mò, tự học tự làm để cho ra đời sản phẩm này và bán được 7-8 chiếc, giá thành hơn 2,5 triệu đồng. Và còn ngạc nhiên hơn khi anh Đặng Thanh Lâm chỉ mới học hết lớp 12, chưa từng học một khóa học về kỹ thuật nào, mọi kiến thức anh có được là qua quá trình tự học, tự làm là chính. Riêng với chiếc máy xúc lật 180 độ anh đã phải mất hơn 2 năm trời tìm hiểu, thử nghiệm và đầu tư nhiều tiền của, công sức để có thể ra đời một sản phẩm hoàn thiện. Giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V chính là động lực thúc đẩy anh không ngừng sáng tạo và nỗ lực hơn nữa.

Giải pháp “Xe xúc lật 180 độ và máy trộn tự hành” của anh Đặng Thanh Lâm (Mỹ Thủy, Lệ Thủy) đã được áp dụng hiệu quả \vào thực tiễn.
Giải pháp “Xe xúc lật 180 độ và máy trộn tự hành” của anh Đặng Thanh Lâm (Mỹ Thủy, Lệ Thủy) đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Hiện tại, người nông dân tài năng này đang ấp ủ và triển khai nhiều ý tưởng khả thi mới, như: máy sàng và đảo đá trên đường sắt, gác chắn đường sắt, hạn chế khói thải của tàu hỏa... Anh kỳ vọng trong hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần tới, các giải pháp dự thi của mình sẽ hoàn thiện và đạt giải cao hơn. Và đặc biệt, từ hội thi, những giải pháp của anh sẽ có cơ hội áp dụng vào thực tiễn sâu rộng và mang lại hiệu quả thực sự.

Thầy giáo trường làng Cao Trung Kiên, THCS Hòa Trạch (Bố Trạch) tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V với giải pháp “Bộ đồ dùng dạy công nghệ cấp THCS (hệ thống mạng điện trong nhà)” và đạt giải khuyến khích. Không giấu nỗi niềm hạnh phúc, thầy giáo Cao Trung Kiên chia sẻ, giải pháp xuất phát từ trăn trở về thiết bị dạy học dành cho môn học công nghệ ở nhà trường phổ thông rất thiếu thốn, hoặc cồng kềnh, khó sử dụng, dễ hư hỏng trong điều kiện thiên tai, lũ lụt thường xuyên ở tỉnh ta.

Chính vì vậy, thầy luôn đau đáu phải làm bằng cách nào để có được những thiết bị dạy học vừa gọn nhẹ, vừa bền và sử dụng được cho nhiều bài học... Bộ đồ dùng dạy công nghệ cấp THCS bằng những thiết bị và vật liệu sẵn có, đơn giản, giá thành rẻ và dễ kiếm. Với đồ dùng dạy học này, giáo viên có thể sử dụng để dạy cho nhiều bài, các tiết thực hành và lý thuyết khác nhau. Đặc biệt, giải pháp đã khắc phục được các tồn tại của đồ dùng dạy học hiện nay là độ bền cao, giáo viên không phải chuẩn bị nhiều khi dạy, dễ dàng sử dụng và tiết kiệm được thời gian cho giáo viên. Học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, dễ hiểu hơn, gây được hứng thú cho học sinh và từ đó phát huy được tính tích cực và sáng tạo, chủ động của các em.

Ngoài ra, còn nhiều giải pháp dự thi khác đến từ những nhà nghiên cứu không chuyên, như: thầy giáo Hà Quang Cường, Trường THCS Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) với giải pháp “Quản lý điểm trong trường học”; Trần Thị Liệu, Trường THCS Cảnh Dương, (Quảng Trạch) cùng một số giáo viên khác với giải pháp “Ebook Địa lý Quảng Bình dùng cho dạy, học địa lý địa phương”...

Có thể nói Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V là sân chơi vô cùng hữu ích cho cả các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và những nhà nghiên cứu “nghiệp dư”. Bởi, khao khát chinh phục kho tàng tri thức sáng tạo của con người luôn là động lực thúc đẩy họ cho ra đời những giải pháp hữu ích và thiết thực nhất. Hy vọng rằng sau mỗi hội thi sáng tạo kỹ thuật, ban tổ chức sẽ có những động thái tích cực, hỗ trợ các giải pháp được đưa vào triển khai trong thực tiễn hiệu quả.

Mai Nhân