.

Bác sỹ già tận tụy với nghề dạy học

Thứ Sáu, 13/12/2013, 14:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, cái tên Trần Hữu Quý đã trở nên thân thuộc với người dân làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Người lớn trong làng kính trọng gọi ông là bác sỹ Trần Hữu Qúy, còn trẻ con thì thương mến chào ông là thầy. Câu chuyện về người bác sỹ tận tụy với nghề dạy học và lớp ươm mầm tiếng Anh cho học trò nghèo là nốt nhạc giản dị mà trong trẻo, tươi sáng trong nhịp điệu cuộc sống thường nhật nhiều lo toan, vất vả của người dân Lệ Kỳ.

 

Chân dung thầy giáo Trần Hữu Quý.
Chân dung thầy giáo Trần Hữu Quý.

Căn nhà gỗ rợp bóng cây xanh của bác sỹ Trần Hữu Quý vang vang tiếng trẻ học bài. Đã xế trưa nhưng vợ ông bảo lớp còn ba mươi phút nữa mới hết giờ, chúng tôi nhìn giá sách đồ sộ, lịch làm việc kín đặc của ông trên tường. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông nhỏ bé, điềm tĩnh và giản dị. Sự thông tuệ, hiểu biết và từng trải sâu sắc toát lên trong từng cử chỉ, câu nói của ông. Bên ly trà nóng, câu chuyện về ông, bác sỹ - thầy giáo Trần Hữu Quý cứ thế đầy lên...

Sinh năm 1943 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, 18 tuổi Trần Hữu Quý thi đỗ Trường đại học Y Hà Nội. Ngày đó, giữa lúc đạn bom còn ác liệt, để ra đến Thủ đô, cậu học trò nghèo Trần Hữu Quý đã phải đi bộ mất gần cả tháng trời. Khổ cực là thế nhưng trong ông không mòn nổi quyết tâm trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người.

Năm 1967, Trần Hữu Quý trở thành người lính Cụ Hồ trong lớp lớp sinh viên Hà Nội lên đường bảo vệ Tổ quốc. Song như là duyên nghiệp, trong hàng ngũ quân đội, ông đã được tuyển chọn tiếp tục đào tạo tại Học viện Quân y. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Trần Hữu Quý được giữ lại trường đào tạo chuyên khoa và được phân công công tác tại Khoa tim mạch - Viện Quân y 103.

Năm 1979, ông chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm bộ môn và tham gia giảng dạy tại Học viện Quân y cơ sở 2. Sau đó, ông giữ chức Truởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội tim mạch thành phố Hồ Chí Minh. 46 năm gắn bó với nghề thầy thuốc được ông gói gọn trong từng ấy câu tưởng như có thể tìm thấy trong bất cứ bản sơ yếu lý lịch nào nhưng nhìn những tấm bằng chứng nhận công trình khoa học của ông được đặt trang trọng trong tủ lưu niệm, chúng tôi biết sự nghiệp chữa bệnh cứu người của ông đáng để nói nhiều hơn thế.

Và hơn thế nữa, những tấm hình kỷ niệm, những bức thư người bệnh gửi cho ông mà chúng tôi được xem đã phần nào vẽ nên chân dung một người bác sỹ cả đời tận tâm với người bệnh. Ông giữ chúng như là những kỷ vật quý giá nhất trong hơn nửa cuộc đời vất vả với nghề y.

Xa quê, những năm chớm 50 tuổi, trong lòng Trần Hữu Quý luôn thôi thúc, giục giã tiếng gọi của quê hương. Ông đã trở về căn nhà thời thơ ấu khi tóc trên đầu đã bạc. Nhưng với ông, cuộc sống dường như chỉ vừa mới bắt đầu. Không cho phép mình một phút nghỉ ngơi, ông dồn những ấp ủ, dự định cho quê hương trong 46 năm xa cách vào từng ngày tháng còn lại của cuộc đời. Người ta phỏng đoán ông sửa lại nhà to hơn, rộng hơn để mở phòng mạch kiếm tiền.

Với kinh nghiệm dày dặn của một bác sỹ chuyên khoa gần 50 năm trong nghề, Trần Hữu Quý hoàn toàn có đầy đủ điều kiện để làm điều đó. Và hẳn đó sẽ là lựa chọn của nhiều bác sỹ khi cầm trên tay sổ hưu. Nhưng với Trần Hữu Quý thì không. Ông mở rộng cửa để ngày hai buổi đón bạn bè, hàng xóm đến chơi, để lúc sáng sớm, khi khuya khoắt có người nào đau ốm cần ông giúp đỡ. Ông treo biển khám bệnh miễn phí cho bà con ngoài cửa.

Và cứ thế, ngày ngày, người làng cứ đến nhờ ông thăm bệnh, kê đơn thuốc rồi chuyện trò. Nhiều người ở xa nghe tiếng ông cũng tìm đến. Họ tin tưởng vào tay nghề của ông bởi nhiều ca được ông đoán bệnh kê đơn đã thuyên giảm rõ rệt và hơn nữa là sự tận tình của ông với từng người bệnh. Có những ca bệnh khó, không đủ phương tiện cứu chữa, ông tận tình đưa họ lên bệnh viện tỉnh nhờ các đồng nghiệp giúp đỡ.

Ông còn dành tặng số tiền tích lũy được những năm làm nghề cho làng góp thêm để xây đình, xây sân bóng chuyền, nhà văn hóa cho bà con có chỗ vui chơi, lễ hội. Vậy nên, dù mới chỉ về quê trong một thời gian ngắn nhưng với người dân Lệ Kỳ, bác sỹ Trần Hữu Quý lúc nào cũng gần gũi, thân thuộc như chưa từng có hơn nửa đời người xa quê.

Song dự định ông ấp ủ cho quê hương không chỉ dừng lại có thế. Điều khiến ông trăn trở đó là học trò trong làng chưa nhiều em biết ngoại ngữ. Kiến thức ngoại ngữ vẫn chỉ đang dừng lại trên sách vở trong nhà trường, học để thi chứ không phải học để biết. Mấy mươi năm gắn bó với nghề y là từng ấy năm ông tôi rèn ngoại ngữ.

Thầy và trò lớp ươm mầm tiếng Anh trong lễ tổng kết khóa 1.
Thầy và trò lớp ươm mầm tiếng Anh trong lễ tổng kết khóa 1.

Từ việc tiếp cận tiếng Anh trên phương diện thuật ngữ chuyên ngành y khoa, ông miệt mài học tập để có thể giao tiếp được và hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học nước ngoài. Vốn Anh ngữ đã được ông dùng kèm cặp hai cô con gái của mình để họ tiếp tục hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Về quê, từ ngày kèm giúp đứa cháu họ học tiếng Anh để thi, điều trăn trở ấy càng lớn lên trong ông. Ông muốn cháu mình và những đứa trẻ trong làng có một môi trường học tập ngoại ngữ tốt hơn. Và ông quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò trong làng.

“Hơn chục năm trời đứng trên bục giảng, tôi cũng có chút ít kinh nghiệm sư phạm, có ít vốn liếng ngoại ngữ. Tôi muốn giúp một tay để học trò trong làng tôi được học tiếng Anh, được giao tiếp tiếng Anh hằng ngày”, ông tâm sự.

Quyết định như thế, Trần Hữu Quý đến nói chuyện với các thầy cô giáo ở trường tiểu học, trường THCS trong xã, tìm hiểu sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường và tự mình lên kế hoạch, chương trình giảng dạy. Lúc đầu là một nhóm con cháu trong nhà đến nhờ ông chỉ giúp, sau là lũ trẻ hàng xóm rồi đến các học trò ở xa được phụ huynh đưa đến nhờ thầy kèm dạy.

Sau một tháng thử nghiệm, cuối năm 2012, lễ khai giảng khóa học tiếng Anh đầu tiên tại nhà thầy giáo Trần Hữu Quý đã được tổ chức trang trọng và ấm cúng trước sự chứng kiến của đại diện các thầy cô giáo hai trường tiểu học và THCS Vĩnh Ninh, lãnh đạo địa phương và bà con làng xóm.

Lớp học có cái tên thật dễ thương “Lớp ươm mầm tiếng Anh” với 30 em học sinh. Và thế là, cứ mỗi tuần bốn buổi, trẻ con trong làng lại rủ nhau đến lớp học tiếng Anh của thầy Quý. Lớp học là căn phòng rộng rãi, thoáng mát ngày trước ông dùng để đọc sách, nay thêm hai dãy bàn ghế, một tấm bảng lớn, một giá sách để ngày ngày thầy trò cùng luyện ngoại ngữ.

Lớp học được tổ chức bài bản, quy củ, có nội quy lớp học, có ban cán sự lớp và chương trình học tập toàn khóa. Các em được làm quen với sách tiếng Anh có song ngữ như: Family and Friends, Let’s Learn, làm quen với một phương pháp học tập mới, trong đó thầy và trò cùng đàm thoại. Mỗi ngày đến lớp, các em phải hoạt động tích cực: thực hành các đoạn hội thoại tiếng Anh, tìm hiểu từ mới, sau đó là phân tích hành văn, phân tích ngữ pháp và rút ra bài học. Các em được luyện nói, luyện nghe, luyện viết cùng radio, các đoạn video giao tiếp Anh ngữ, được học các bài hát thiếu nhi, tham gia các trò chơi và nghe thầy kể chuyện về văn hóa của người Anh.

Tại lớp, thầy và trò sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh nhằm phát huy tối đa năng lực đàm thoại của các em. Phương pháp học tập theo nhóm được phát huy.  Sau giờ lên lớp, ông Quý lại làm công việc của một nhà giáo: soạn bài, chấm bài, nghiên cứu sách giáo khoa trong nhà trường, tìm tài liệu để lựa chọn những nội dung phù hợp đưa vào bài giảng của mình.  

Ông không thu học phí của các em, cũng không bắt buộc bất kỳ một khoản đóng góp nào cho lớp học, thậm chí, sách học của các em ông còn tự mình mua sắm và phát miễn phí cho các em. Nhiều phụ huynh lúc đầu hết sức ái ngại khi đưa con đến xin học. Họ chủ động đề xuất mức học phí nhưng tấm lòng trong sáng của ông khiến họ cảm phục. Thỉnh thoảng, trò lại biếu thầy quả cam, lon gạo, những món quà quê  thấm đẫm tình cảm mà với ông là vô giá. Ông bảo, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là mỗi ngày thấy trò đến lớp chăm chỉ và tiến bộ hơn, mỗi ngày ra đường có học trò cúi chào thầy Quý. Như thế là ông biết tâm nguyện của mình đã đi đúng hướng và được đồng cảm.

Năm nay, ông Trần Hữu Quý tròn 70 tuổi. Tuổi xế chiều nhưng tâm hồn ông vẫn còn tươi tắn lắm. Hằng ngày, ông đọc sách, uống trà, chăm cây buổi sớm, tíu tít với lũ trẻ và chiều về thì dành thời gian đi chơi cầu với bạn già, thăm bà con hàng xóm.

Chúng tôi có dịp được đọc những vần thơ ông viết. Đó là những giãi bày chân tình của một con người nặng lòng với quê hương: “Đất khách muôn trùng sao chật hẹp. Quê nhà một góc rộng mênh mông”. Quê hương đã đón ông trở về trong ấm áp tình làng nghĩa xóm. Còn ông đã và đang ngày ngày vun vén để tình cảm ấy trọn vẹn và nồng ấm hơn.

Lê Tâm