Đại tướng Võ Nguyên Giáp
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Một nhân phẩm, cốt cách... hiếm gặp"!

  • 06:56 | Thứ Sáu, 27/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà báo, đại tá Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, người có hơn 20 năm chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ dòng trạng thái: “Kính cẩn vĩnh biệt bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”. Từ Thủ đô Hà Nội, đại tá Trần Hồng gửi cho tôi những tấm ảnh “để đời” ông chụp vợ chồng Đại tướng với lời nhắn nghẹn lòng: “Rứa là phu nhân được về bên Đại tướng, mãi giấc ngàn thu nơi Vũng Chùa, quê hương Quảng Bình rồi!”.
 
Chia sẻ cùng tôi, đại tá Trần Hồng bảo: Phu nhân Đặng Bích Hà thanh thản ra đi vì bà đã sống một cuộc đời tuyệt đẹp, trọn bổn phận hậu phương vững chắc cho gia đình và với riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhắc đến bà, đại tá Trần Hồng chỉ gói gọn trong mấy chữ: “Một nhân phẩm, cốt cách... hiếm gặp!”
 
Đại tá Trần Hồng kể: Trang phục bà Đặng Bích Hà ngày thường rất giản dị, khi có khách, bà mới mặc áo dài. Bà cũng là người rất mực khiêm tốn, chưa bao giờ làm khó bất kỳ một ai. Trong cách xưng hô, ở nơi đông người hay có khách quan trọng mang tính chất lễ nghi, Đại tướng gọi bà “Chị Hà”, bà gọi chồng “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Anh Văn”. Khi trong gia đình, giữa những người thân với nhau, Đại tướng gọi trìu mến là “Hà” hoặc “Em”.
Đại tá, nhà báo Trần Hồng với những ký ức không bao giờ quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân (ảnh Thanh Long).  Ảnh 2: Đại tá Trần Hồng và phu nhân Đặng Bích Hà (ảnh Trần Hồng).
Đại tá, nhà báo Trần Hồng với những ký ức không bao giờ quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. 
Đại tá Trần Hồng đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên vào một sáng tháng 10/1994. Lúc đó, vợ chồng Đại tướng chuẩn bị ăn sáng. Bữa ăn đơn giản khiến ông rất bất ngờ. Trên bàn ăn chỉ có bát cơm với hai quả trứng. Bà Hà cứ đẩy nhường cho chồng còn Đại tướng thì nhất quyết dành cho bà. Đại tướng nhẹ nhàng: “Em ăn đi”. Bà Hà dịu dàng “Thôi, nhường anh ăn, bảo đảm sức khỏe”. Đại tá Trần Hồng cố nén xúc động đang dâng trào đưa máy ảnh lên chụp nhanh. Những bức ảnh của buổi sáng mùa thu ấy trở thành kỷ vật quý giá trong hàng trăm bức ảnh đại tá Trần Hồng khắc họa vợ chồng Đại tướng.
 
Hai tính cách miền Trung, một đậm chất xứ Nghệ, thẳng thắn, trung thực, một Quảng Bình kiên trung, chính trực hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau. Kỳ lạ lắm thôi! Bà lo cho chồng trọn vẹn, chăm sóc con cái chu toàn. Bà đối xử với các con công bằng, xem con gái riêng Võ Hồng Anh của Đại tướng như chính con đẻ của mình. Ông Hồng xúc động: “Rất nhiều bức ảnh tôi chụp là sự góp mặt của “bộ ba”: Đại tướng, phu nhân và con gái Võ Hồng Anh”.
 
Bà Lay Borton, nhà văn Mỹ có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam. Trong cuộc đời của mình, bà Borton dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về hai nhân vật lịch sử mà tiếng tăm vượt tầm khỏi biên giới Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ảnh 2: Đại tá Trần Hồng và phu nhân Đặng Bích Hà (ảnh Trần Hồng).
Đại tá Trần Hồng và phu nhân Đại tướng.
Đến Việt Nam lần nào, bà Borton cũng vào thăm vợ chồng Đại tướng tại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Những lần như vậy, đại tá Trần Hồng luôn có mặt để chụp ảnh. Ông Hồng kể: “Một lần, bà Borton tham gia trong đoàn nhà báo đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sinh nhật. Từ sáng sớm đến chiều, Đại tướng tiếp rất nhiều khách đến chúc mừng. Đến 18 giờ tối, bà Borton thấm mệt, còn Đại tướng thì ai vào cũng nói chuyện thân tình, bắt tay. Khi khách đã hết, bà Borton nhẹ nhàng hỏi phu nhân Đặng Bích Hà: “Từ lúc Đại tướng thôi không còn tham gia việc nước về với gia đình, bà ước điều gì nhất ở ông ấy!”. Không chút do dự, phu nhân Đặng Bích Hà trả lời ngay: “Mong anh Văn nghỉ ngơi. Vì ở anh Văn, tôi chưa thấy điều đó bao giờ”. Đó là ước mơ của một người vợ, người phụ nữ Việt Nam bình thường đối với chồng. Nhưng với riêng Đại tướng, mơ ước giản dị của phu nhân Đặng Bích Hà thật khó khăn. Cùng song hành bên Đại tướng, bà Đặng Bích Hà quá hiểu!
 
Một câu chuyện khác, đại tá Trần Hồng ít kể với ai về tình cảm thiêng liêng của vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ấy là trong suốt 1.559 ngày đêm Đại tướng ở Bệnh viện Quân đội 108, thời gian đó ngoài thư ký Đại tướng, đại tá Nguyễn Huyên thì luôn có mặt bà Hà. Trong căn phòng đặc biệt nơi Đại tướng nằm, phu nhân Đặng Bích Hà cho treo một bức ảnh chụp chân dung hai vợ chồng. Bức ảnh treo đúng khoảng cách, vị trí, góc ánh sáng... phù hợp để Đại tướng luôn luôn được thấy.
 
Một lần, các y, bác sĩ tổ chức sắp xếp lại căn phòng, bức ảnh vợ chồng Đại tướng bị xê dịch, không còn treo ở nơi cũ. Sau ngày ấy, tự nhiên thái độ Đại tướng thay đổi hẳn. Không ai hiểu nguyên nhân vì sao. Đến khi phu nhân Đặng Bích Hà đến, ngạc nhiên vì bức ảnh treo sai vị trí. Bà cho trả lại đúng nơi cũ, mọi người lại thấy Đại tướng thanh thản, tươi vui trở lại. Một chi tiết rất nhỏ, rất đời thường thôi, nhưng gói trọn cả một ân tình, sự thấu hiểu. Không ai hiểu Đại tướng bằng phu nhân Đặng Bích Hà và ngược lại, không ai yêu thương, quý trọng phu nhân Đặng Bích Hà bằng Đại tướng.
 
Đại tá, nhà báo Trần Hồng từng xuất bản 4 cuốn sách ảnh, đồng thời tổ chức nhiều triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông trao tặng 111 bức ảnh quý về Đại tướng cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước làm phong phú thêm tư liệu quý về vị tướng huyền thoại. Trong nhiều tác phẩm của mình giai đoạn sau này, đại tá Trần Hồng ưu tiên chụp những bức ảnh đặc tả cuộc sống đời thường của Đại tướng với phu nhân Đặng Bích Hà. Ông chia sẻ: “May mắn nhất cuộc đời tôi là được gần gũi với gia đình Đại tướng và chụp ảnh về Đại tướng”.

Với cá nhân đại tá Trần Hồng, bà Đặng Bích Hà cũng luôn dành cho ông những tình cảm thân thiết giống như người trong gia đình. Ông Hồng gọi phu nhân bằng “Bà”, xưng “Con”. Lần tổ chức triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng tròn 95 tuổi tại Quảng Bình, vợ chồng Đại tướng không vào dự được. Trở lại Hà Nội, đại tá Trần Hồng nhận mảnh giấy ghi lời nhắn của bà Đặng Bích Hà “Anh Trần Hồng ơi, khi nào anh về Hà Nội, anh báo cho vợ chồng tôi biết để chúng tôi được xem ảnh của anh”.

Đến thăm nhà đại tá Trần Hồng, bà Đặng Bích Hà đứng rất lâu trước bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc trên phiến đá, tác phẩm do một người bạn tặng đại tá Trần Hồng. Thấy vậy, ông Hồng ngỏ ý: “Bà ơi, bà thích tác phẩm này, con xin tặng lại cho bà!”. Bà Hà nhất quyết từ chối: “Anh nói chi lạ rứa? Bức ảnh rất quý giá với anh, sao tôi lại nhận?”.
 
Hay tin bà Đặng Bích Hà qua đời, những ngày này, trong căn phòng nhỏ chất đầy tư liệu, hình ảnh quý giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đại tá Trần Hồng tiếp rất nhiều nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí đến tìm hiểu về Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà.
 
Ông bảo: “Mình biết đến đâu, cung cấp cho đồng nghiệp đến đó, kể cả những bức ảnh quý chụp riêng vợ chồng Đại tướng. Để thêm một lần nữa cùng các cơ quan báo chí trong cả nước có nhiều trang viết hay, xúc động về bà Đặng Bích Hà, thay lời tiễn biệt bà về nơi an nghỉ cuối cùng”.
Ngô Thanh Long
(Ghi theo lời kể của đại tá, nhà báo Trần Hồng)

tin liên quan

Vị tướng của lòng dân

(QBĐT) - Với tình cảm sâu nặng của mình, nhân kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2024), Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải (SN 1957), quê xã Mai Thủy (Lệ Thủy) thể hiện tấm lòng và những cảm nhận về người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam-Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua bài viết "Vị tướng của lòng dân". 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp-mẫu mực về nhân văn quân sự Việt Nam

Xin phép được soi chiếu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy)-tìm hiểu những hiện tượng được giao lưu, tiếp biến từ nhiều nguồn văn hóa nên tạo được những nét độc sáng, để khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mô hình (paradigm) mẫu mực về nhân văn quân sự Việt Nam.

Ghi ở Triển lãm "Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ"

(QBĐT) - Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử, tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đang diễn ra triển lãm ảnh "Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ" thu hút đông đảo người dân đến tham quan.