Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về các dự án luật
(QBĐT) - Chiều 29/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tham gia thảo luận, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường tán thành việc Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật liên quan đến tài chính ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thống nhất hệ thống luật, tạo sự đồng bộ, tránh vướng mắc trong thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường đã góp ý đối với các nội dung liên quan đến Luật Quản lý thuế. Cụ thể, đối với khoản 4, Điều 42 về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số thông qua sàn giao dịch điện tử (GDĐT), qua phân tích, ý kiến đề nghị cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi của các sàn GDĐT. Theo đồng chí, một số nội dung sửa đổi chưa hẳn cấp thiết để đáp ứng việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Phân tích về quy định nộp thuế, ý kiến đề nghị đánh giá lại, cân nhắc các tác động để xem xét có nên sửa đổi ngay trong lần sửa đổi này hay không. Đồng chí cũng nêu các câu hỏi về tính đồng bộ, biện pháp kỹ thuật, cơ chế cho sàn TMĐT; cơ chế giảm trừ trách nhiệm khi họ khai thuế thay cho chủ thể khác…
Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện về các nội dung sửa đổi, để dự án luật bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện. Theo đồng chí, các quy định có tính linh hoạt, dễ bị thay đổi và thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì giao lại cho cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.
Về thời gian thông qua dự án luật, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị nên có thời gian và sửa tổng thể hơn, đánh giá tác động kỹ hơn. Ý kiến cũng phân tích và có các đề nghị về các nội dung cụ thể, như: Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia (Điều 8); về chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công (Chương II); về chính sách phân cấp, phân quyền; về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ (khoản 3, Điều 74); về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp (Điều 18)…
Ngọc Mai