Nghị quyết... từ lòng dân-Bài cuối: Đến ấm no luôn có con đường hướng sáng để đi!

  • 06:39 | Thứ Năm, 26/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phát triển kinh tế bền vững; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa-xã hội; quản lý, sử dụng tốt đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu... là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 08-NQ/TU giúp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) một cách bền vững. Qua 38 năm đổi mới đất nước, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ĐBDTTS Quảng Bình không còn đói. Cái bụng đồng bào hết đói... để tiếp tục một hành trình mới-thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến ấm no còn muôn vàn khó... và Nghị quyết số 08-NQ/TU chính là xuất phát điểm vững chắc trên “con đường sáng” để đi.
Chị Hồ Thị Thoi, một người con tiêu biểu của đồng bào Khùa, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa (Minh Hóa) chia sẻ: Để phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS cần phải bám sát bốn khâu đột phá đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn đồng bào thoát nghèo nhanh, hướng mới là đầu tư cho con em xuất khẩu lao động (XKLĐ).
 
Cùng quan điểm với Hồ Thị Thoi, Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (Bố Trạch); Hồ Văn Trình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn (Quảng Ninh); Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy; Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy (Lệ Thủy)... đều khẳng định: Phát triển nông-lâm-ngư nghiệp chỉ có thể bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bền vững... Còn muốn tiến dần ngang bằng với miền xuôi thì chỉ có làm du lịch và định hướng con em đi XKLĐ.
Bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) từng ngày thay da đổi thịt.
Bản Dộ-Tà Vờng, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) từng ngày thay da đổi thịt.

Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin, một trong những người tiên phong tạo ra những sản phẩm du lịch “khác biệt” hướng đến cộng đồng, gắn liền với cuộc sống ĐBDTTS nhận xét: Vùng ĐBDTTS Quảng Bình sinh sống có Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh tại các “địa chỉ đỏ” đường 20 Quyết thắng, đường Hồ Chí Minh, đường 12A; hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch và lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều... Đây là những “mỏ vàng” du lịch nếu biết cách khai thác hiệu quả và bền vững.

Với phương châm “đi trước, đón đầu”, đến nay đã có hơn 40 sản phẩm du lịch “thành hình hài” ở địa bàn ĐBDTTS sinh sống, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Điển hình là một số sản phẩm: Khám phá hang động và tìm hiểu văn hóa cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh), Ngân Thủy (Lệ Thủy); trải nghiệm thiên nhiên, khám phá khe Nước Trong, hang Chà Lòi, hang Vân, hang Kiều, suối Tiên, chinh phục thác Cổng Trời, du lịch cộng đồng tại bản Ho Rum, xã Kim Thủy (Lệ Thủy); khám phá thiên nhiên Hóa Sơn, hang Rục Mòn (Minh Hóa); “Hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại” trên đường 20 Quyết thắng kết hợp du lịch cộng đồng, tìm hiểu nét văn hóa người A Rem xã Tân Trạch, người Ma Coong xã Thượng Trạch (Bố Trạch)...

“Đi trước, đón đầu”, Đảng bộ xã Trường Sơn sớm thông qua đề án “Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”. Năm 2023, UBND tỉnh cho phép Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh phối hợp cùng UBND xã Trường Sơn, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Trường Tuấn khai thác tạm thời điểm du lịch sinh thái Chà Rào, Chà Cùng. Trong thời gian thử nghiệm thu hút trên 1.000 lượt khách tham quan.
 
Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn có 35 thành viên nòng cốt, 6 đội văn nghệ truyền thống gồm 150 người đang từng bước sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều phục vụ trong các dịp lễ trọng của đồng bào, quê hương, đất nước gắn với phát triển du lịch.
 
Luôn có con đường hướng sáng để đi!
 
Trở lại câu chuyện tìm hướng thoát nghèo cho ĐBDTTS khởi đầu theo hướng động viên con em tham gia XKLĐ cùng Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi, nữ Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Tâm lý đồng bào không muốn con cái mình đi xa, nhất là ra nước ngoài. Bằng sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, đến nay xã Trọng Hóa đã có 20 con em DTTS xuất ngoại. Một kết quả rất khả quan!
Những hoạt động trải nghiệm tại “Son Homestay”.
Những hoạt động trải nghiệm tại “Son Homestay”.
Con gái Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thoi, cháu Hồ Thị Đông (SN 2023) được sự động viên của mẹ tham gia XKLĐ sang Nhật Bản. “Mỗi tháng trừ chi phí, cháu vẫn tích trữ được 20 triệu đồng. Dù thu nhập chưa phải cao nhưng ổn định, gấp nhiều lần lao động chân tay ở Việt Nam”, Hồ Thị Thoi khẳng định.
 
Trên hành trình dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ngược vào Nam, chúng tôi dừng chân tại bản Ho Rum. Nhắc đến địa danh Làng Ho (còn có tên khác là bản Trung Đoàn) là nhớ đến những giá trị lịch sử vô cùng to lớn của vùng đất này trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạc ghi tại Bia di tích lịch sử đặt ở trung tâm bản: “Làng Ho, tháng 10/1959 được chọn đặt sở chỉ huy tiền phương Đoàn 559; là điểm xuất phát đường gùi thồ chi viện cho chiến trường Trị Thiên và khu 5 từ 1959-1962. Năm 1966, 1967, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn mở đường cơ giới Thạch Bàn-Làng Ho; Làng Ho-Khe Sanh; Làng Ho-Bản Đông (Lào) chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân 1968. Làng Ho là nơi tập kết lực lượng chuẩn bị đánh đường 9 Nam Lào 1971”.
 
Bí thư Chi bộ bản Ho Rum Hồ Văn Vàng gặp lại chúng tôi với nụ cười hồn hậu, bảo: “Ho Rum bây giờ khác trước lắm rồi”. Hỏi: “Khác gì?”. Trả lời: “Ơ... thì nói tiếng Tây, làm du lịch!”. Hồ Văn Vàng chỉ chiếc cổng gỗ nằm sát cạnh đường Hồ Chí Minh: “Đó! Hôm-sờ-tay đó!”. Thì ra là cơ ngơi của “Son Homestay”.
 
Chủ “Son Homestay” là Hồ Văn Huynh, một thanh niên Bru-Vân Kiều chất phác, dung dị. Anh bảo: “Son... tên vợ mình!”. Trước khi mở homestay, hai vợ chồng chỉ biết trồng sắn và làm rẫy. Mọi sự đổi thay bắt đầu từ năm 2021, khi Công ty TNHH Netin được tỉnh Quảng Bình cho thí điểm đưa khách du lịch đến Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong, Giám đốc Trần Xuân Cương động viên vợ chồng Hồ Văn Huynh theo học nghiệp vụ về du lịch... Và thế là “Son Homestay” ra đời.
 
Từ khi thành lập đến nay, “Son Homestay” đón hơn 300 khách đến lưu trú, có cả khách nước ngoài. “Làm du lịch... khó gì đâu. Nhà sàn mình đã có, được Giám đốc Trần Xuân Cương “bắt tay chỉ việc” sắp xếp lại các phòng thật sạch sẽ, mua thêm chăn màn mới. Sản vật địa phương thì sẵn nếp rẫy, gà thả trong vườn, con cá dưới suối. Cũng là sản vật quen thuộc với đồng bào, nhưng lạ với khách du lịch. Càng lạ, khách càng quý. Khách đến lưu trú, mình thu 150.000 đồng mỗi người. Khách ăn một bữa mình xin 100.000 đồng/suất. Thu nhập không cao, nhưng gấp nhiều lần trồng sắn, làm rẫy”, Hồ Văn Huynh chân tình.
 
Bí thư Chi bộ Hồ Văn Vàng vui chuyện: “Mới được một “Son Homestay” ra đời mà Ho Rum thay đổi, khách đến khách đi nhiều hơn. Sẽ có thêm nhiều Hôm-sờ-tay khác nữa. Đó là tương lai của bản Ho Rum”.
 
Vĩ thanh!
 
Ai đã một xem già làng Hồ Ai ở bản Khe Cát (xã Trường Sơn)-người giữ mạch nguồn văn hóa Bru-Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn biểu diễn đánh trống, đánh chiêng; thổi sáo Khơ-lui, sáo Sui, sáo Pi; đánh đàn Pơ-lựa, đàn Tín-tùng; hát điệu Si-nớt, hát Tà-oải, hát mừng lễ hội cơm mới, lễ hội trỉa lúa... đắm mình giữa mạch nguồn sức sống của ĐBDTTS khắp một dãy núi rừng Trường Sơn để thấy một hành trình hướng Đông tươi sáng đang mở ra. Tựa lời già Hồ Ai chắc như lưỡi dao chém cột: “Dù còn muôn vàn khó... luôn có con đường hướng sáng để đồng bào đi!”.
 
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS, miền núi và Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong 2 năm 2022-2023 có 1.943 con em ĐBDTTS được đào tạo nghề; 122 người đã đi XKLĐ.
Nhóm P.V Phòng Bạn đọc

tin liên quan

Lãnh đạo tỉnh tiếp xã giao Tổng Lãnh sự Hung-ga-ri tại TP. Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Sáng 25/9, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp xã giao ông Lehocz Gabor, Tổng Lãnh sự Hung-ga-ri tại TP. Hồ Chí Minh và đoàn công tác. 

Nghị quyết... từ lòng dân-Bài 4: Cái bụng hết đói... cái đầu phải thông!

(QBĐT) - Một trong những ưu tiên hàng đầu đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng bộ, chính quyền các cấp chú trọng là phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, quan tâm đến giáo dục-đào tạo, nâng cao dân trí, nguồn nhân lực tại chỗ.

Nghị quyết... từ lòng dân-Bài 3: Cây lúa lên non... thắm nghĩa, thắm tình!

(QBĐT) - Gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số hơn 20 năm, những người làm báo Đảng chúng tôi đôi lúc tự hỏi: Cây lúa nước "bén duyên" cùng người Bru-Vân Kiều, người Mã Liềng, người Khùa, Mày, Ma Coong từ bao giờ?