"Đầu tàu" nơi sóng cả-Bài 3: Vững vàng chi bộ vùng bãi ngang

  • 06:05 | Thứ Tư, 18/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm tháng chưa xa, nhắc đến vùng biển bãi ngang là nhắc đến các làng quê vất vả, điều kiện đi lại khó khăn, người dân mưu sinh lênh đênh trên chiếc thuyền nan với thu nhập chẳng là bao. Thế nhưng, về các xã vùng bãi ngang của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy hôm nay, ai cũng không khỏi xuýt xoa trước sự khởi sắc của diện mạo nông thôn mới (NTM). Sự đổi thay này có đóng góp quan trọng của các chi bộ miền biển, đã luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
 
 
 
Vì sự khởi sắc của quê hương
 
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (Quảng Ninh) Hoàng Minh Lễ, Đảng bộ xã hiện có 11 chi bộ với 210 đảng viên, trong đó có 5 chi bộ ở các thôn. Những năm qua, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
 
“Là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, 5 chi bộ làng biển của Hải Ninh thời gian qua thực sự phát huy được vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu đối với các nhiệm vụ, phong trào thi đua; đội ngũ đảng viên gương mẫu, có trách nhiệm. Nhờ việc lãnh đạo sâu sát, kịp thời của các chi bộ nên diện mạo NTM của vùng quê bãi ngang có nhiều đổi mới, khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao”, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh cho hay.
Thôn Tân Định, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) nổi tiếng với thương hiệu khoai deo, mỗi năm tiêu thụ từ 300-400 tấn sản phẩm.
Thôn Tân Định, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) nổi tiếng với thương hiệu khoai deo, mỗi năm tiêu thụ từ 300-400 tấn sản phẩm.
Tiếp phóng viên trong ngôi nhà văn hóa rộng rãi khang trang được đầu tư 3,7 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2023, Bí thư Chi bộ thôn Cừa Thôn Mai Đình Lừa phấn khởi: Thôn có 692 hộ với 2.582 nhân khẩu, được công nhận danh hiệu làng văn hóa 5 năm liên tục, giai đoạn 2018-2022. Những năm qua, chi bộ tập trung lãnh đạo cán bộ và nhân dân trong thôn tích cực bám biển, bám ngư trường sản xuất, chú trọng phát triển kinh doanh dịch vụ chế biến hải sản và đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 phấn đấu đạt 68 triệu đồng.
 
“Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thôn Cừa Thôn đã huy động sự đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch, đẹp. Toàn thôn có 10km đường bê tông, kinh phí do người dân đóng góp chiếm 30%. Để xây dựng đường giao thông, nhiều đảng viên trong chi bộ tự nguyện hiến từ 130-160m2 đất, người dân cũng hưởng ứng mạnh mẽ”, ông Mai Đình Lừa thông tin thêm.
 
Về với thôn Tân Định, nơi xây dựng nên thương hiệu khoai deo nức tiếng của xã Hải Ninh và cũng là của tỉnh Quảng Bình. Bí thư Chi bộ thôn Tân Định Nguyễn Thị Lướng cho biết, người dân trong thôn phát triển kinh tế bằng các ngành nghề chính là đi biển, chế biến hải sản, chế biến khoai deo và xuất khẩu lao động, với thu nhập đạt bình quân xấp xỉ 70 triệu đồng/người/năm. Nhờ sự chung tay xây dựng của cán bộ và nhân dân trong thôn, Tân Định đã đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu vào năm 2022.
 
Trong đợt lũ lụt lịch sử năm 2020, xã Ngư Thủy Bắc huy động 54 thuyền và hơn 325 ngư dân; xã Ngư Thủy 64 chiếc và trên 350 ngư dân; xã Hải Ninh 20 thuyền với hơn 100 lượt ngư dân trực tiếp vào vùng lũ để ứng cứu bà con bị ngập sâu trong nước và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Cán bộ và nhân dân của 3 xã đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
“Nổi bật nhất của Chi bộ thôn Tân Định cũng là của các thôn trong xã chính là tinh thần đoàn kết, thống nhất, vì việc chung. Để nâng cao sức chiến đấu của chi bộ, chúng tôi luôn duy trì nền nếp sinh hoạt, tỷ lệ đảng viên tham gia đầy đủ và trong sinh hoạt góp ý rất sôi nổi, có tinh thần xây dựng, vì tập thể. Có như vậy mới tạo được sự thống nhất trong chi bộ, là cơ sở để chi bộ ra các nghị quyết kịp thời, có chất lượng trong lãnh đạo các phong trào tại địa phương và được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình”, bà Nguyễn Thị Lướng chia sẻ.
 
Các xã bãi ngang của huyện Lệ Thủy những năm gần đây cũng có sự đổi thay vượt bậc. Với việc giữ gìn nghề truyền thống đánh bắt thủy sản trên biển, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lao động và nuôi trồng thủy sản trên cát, nền kinh tế của các xã Ngư Thủy phát triển khá, đời sống người dân được cải thiện, cơ sở vật chất, hạ tầng và các thiết chế văn hóa của địa phương từng bước được đầu tư để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.
 
Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) Trần Kim Trung cho biết: Với sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của đảng bộ và nhân dân trong xã, Ngư Thủy Bắc đang tăng tốc để có thể về đích NTM trong năm 2024. Có được thành quả này là cả một quá trình, trong đó vai trò, trách nhiệm của các chi bộ nông thôn, của đội ngũ đảng viên là hết sức quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế.
 
Nghĩa tình làng biển
 
Không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, các chi bộ vùng biển bãi ngang còn rất chú trọng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc sống, tài sản của người dân trên địa bàn.
Lực lượng tình nguyện viên và thuyền bơ nan vùng bãi ngang Lệ Thủy tham gia cứu trợ, cứu nạn tại tỉnh Phú Thọ.
Lực lượng tình nguyện viên và thuyền bơ nan vùng bãi ngang Lệ Thủy tham gia cứu trợ, cứu nạn tại tỉnh Phú Thọ.
Bí thư Chi bộ thôn Tân Hòa (xã Ngư Thủy Bắc) Trần Viết Sung tâm sự: Ở vùng biển nên công tác phòng, chống thiên tai rất quan trọng, phải bền bỉ và lâu dài. Do vậy, chi ủy luôn cập nhật thông tin, chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của các cấp để thực hiện. Có bão, có mưa lớn là cả làng hỗ trợ nhau, thuyền phải lên bờ an toàn, trại chăn nuôi, nhà cửa phải được chằng chống cẩn thận, không ra ngoài khi bão lớn, tuyệt đối không chủ quan.
 
“Trận lũ lụt lịch sử năm 2020, người dân các xã bãi ngang Ngư Thủy không chỉ bảo vệ an toàn cho tài sản, nhà cửa của mình mà còn xung kích cứu hộ, cứu nạn ở các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy, đây là tiền lệ chưa từng có, khi thuyền nan của ngư dân vùng biển được đưa vào cứu hộ ở vùng trũng thấp của huyện. Có nhiều chủ thuyền là đảng viên và có hàng chục đảng viên đi theo những chiếc bơ nan này. Chỉ riêng thôn Tân Hòa đã đi 7 đò, mỗi đò có 3 ngư dân trực tiếp đi ứng cứu, đó là chưa kể lực lượng hỗ trợ và hàng trăm phụ nữ, trẻ em lo quyên góp thực phẩm cho người dân vùng lũ”, ông Trần Viết Sung trao đổi thêm với chúng tôi.
 
Đảng viên Hoàng Văn Đển là 1 trong 7 chủ thuyền tham gia cứu hộ suốt mấy ngày ở vùng giữa huyện Lệ Thủy trong trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2020 nhớ lại: “Tình huống lúc nớ khẩn cấp, chi ủy sau khi hội ý đã phổ biến nhanh trong chi bộ để hưởng ứng. Lúc này, người dân cũng nắm thông tin trên mạng và nghe thôn thông báo nên kêu nhau tìm phương tiện để chở thuyền nan đi cứu hộ. Bà con trong nớ nguy cấp lắm rồi, nhà ngập hết mà thuyền cứu hộ thì ít, rứa là anh em chúng tôi lên đường, không một ai chần chừ. Đặc biệt, số đảng viên trẻ xung phong rất nhiệt tình...”.
 
Vì nghĩa đồng bào, chiều 10/9/2024, nhóm ngư dân biển bãi ngang huyện Lệ Thủy đã huy động 4 chiếc bơ nan và 1.000 áo phao cùng 9 tình nguyện viên lên đường ra các tỉnh, thành phố phía Bắc để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn do bão, lũ gây ra. Những nơi nhóm chọn làm điểm đến là vùng dân cư đang bị nước lũ cô lập.

Tương tự, tại xã Hải Ninh, trước tình hình nguy nan của người dân các xã vùng giữa của huyện Quảng Ninh, ngay trong đêm khuya 18/10/2020, một số thuyền cá đã được chở vào tập kết ở khu vực Dinh Mười để sẵn sàng tham gia cứu hộ. Sáng 19/10, sau khi nghe thông báo của chính quyền địa phương, những chiếc bơ nan cùng ngư dân đã “xuất kích” lên đường.

Bí thư Chi bộ thôn Cừa Thôn Mai Đình Lừa chia sẻ: Sau khi nắm bắt chủ trương của huyện và xã, chi ủy đã hội ý khẩn và thống nhất thông báo trên hệ thống loa để cho nhân dân biết mà tham gia. Đích thân Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hiện nay là người đi tìm thuê xe để vận chuyển thuyền bơ nan của thôn đi cứu hộ và cũng tham gia với người dân.
 
Cơn “đại hồng thủy” trong tháng 10/2020 đã lập kỷ lục về sức tàn phá, đỉnh lũ cao trên 1m so với tất cả các đỉnh lũ từ xưa đến nay ở Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, ngư dân miệt biển rầm rộ đưa thuyền cá vào cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào vùng lũ hai huyện. Bên cạnh lực lượng chức năng, những ngư dân vùng biển bãi ngang như những “biệt đội” cứu hộ với nhân lực và phương tiện sẵn có, với nghĩa đồng bào sâu nặng ân tình.

Nhóm P.V Phòng Kinh tế

>>> Bài 4: Tâm tư chi bộ làng biển

 

tin liên quan

"Đầu tàu" nơi sóng cả-Bài 2: Mạnh giàu từ biển quê hương

(QBĐT) - Khi bình minh ló rạng nơi cửa biển, ấy là lúc những chuyến tàu tôm, cá đầy ắp trở về. Dù có trải qua bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy, ngư dân Quảng Bình vẫn kiên cường bám biển.

HĐND huyện Lệ Thủy: Thông qua các nghị quyết quan trọng

(QBĐT) - Chiều 16/9, HĐND huyện Lệ Thủy khóa XXI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số tờ trình, dự thảo nghị quyết quan trọng và tiến hành miễn nhiệm, bầu Ủy viên UBND huyện.

Lời hịch non sông

"Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Tròn 70 năm trước, nơi non thiêng Nghĩa Lĩnh, câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) đã trở thành lời hịch thiêng liêng của non sông, lắng đọng trong tâm hồn, soi sáng trái tim mỗi người con đất Việt...