"Đầu tàu" nơi sóng cả-Bài 2: Mạnh giàu từ biển quê hương
(QBĐT) - Khi bình minh ló rạng nơi cửa biển, ấy là lúc những chuyến tàu tôm, cá đầy ắp trở về. Dù có trải qua bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy, ngư dân Quảng Bình vẫn kiên cường bám biển. Bởi với họ, vươn khơi bám biển không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Đảng viên đi trước...”
Không biết nghề đánh cá có tự bao giờ, chỉ biết từ bao đời nay đời sống người dân phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) đã gắn liền với biển. “Cha truyền con nối”, nghề biển đã đưa Quảng Phúc trở thành một trong những địa phương có nghề khai thác thủy sản xa bờ vững mạnh trên địa bàn tỉnh. Từ một làng biển nghèo khó, Quảng Phúc nay đã “thay da đổi thịt”, nhà cao tầng, mái ngói đỏ tươi mọc san sát, đường giao thông nối về tận ngõ, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Và để có được thành quả như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò “đầu tàu” của những chi bộ làng biển.
Bí thư Chi bộ tổ dân phố (TDP) Xuân Lộc, phường Quảng Phúc Nguyễn Ngọc Gản cho biết, chi bộ có 20 đảng viên (ĐV), trong đó có 4 ĐV trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển. Việc vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở chi bộ rất thuận lợi vì ĐV trong chi bộ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. TDP hiện có 32 tổ đoàn kết và 5 tổ sản xuất trên biển hoạt động rất hiệu quả.
Các tổ viên cùng chia sẻ cho nhau thông tin về ngư trường, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, nhiều năm qua, nhân dân trong TDP luôn tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động do địa phương phát động. Người dân tự nguyện đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường làng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Theo Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phúc Nguyễn Quang Dương, các chi bộ làng biển đã bám sát chủ trương, nghị quyết của đảng ủy, đặc biệt là chỉ tiêu sản xuất đầu năm để tuyên truyền, vận động bà con ngư dân bám biển, khai thác đánh bắt hiệu quả; chủ động phương án phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; thực hiện nghiêm túc việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)...
Các chi bộ đã và đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-anh ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhờ đó, giúp cho bộ mặt nông thôn ở các làng biển có nhiều khởi sắc, KT-XH phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.
Đức Trạch (Bố Trạch) là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất trên địa bàn tỉnh. Toàn xã hiện có trên 240 tàu tham gia đánh bắt xa bờ với 18 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã nghề cá.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Trạch Phan Văn Trường cho biết, Đảng bộ xã hiện có 12 chi bộ, trong đó có 6 chi bộ thôn có ngư dân tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển. Trong 6 chi bộ này có đến 5 đồng chí bí thư đồng thời là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Với vai trò “đầu tàu” các chi bộ đã động viên ĐV, ngư dân bám biển, bám ngư trường, chuyển đổi phương tiện vươn khơi khai thác thủy hải sản; tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Hiện, toàn xã có trên 430 tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển. Sản lượng khai thác trong năm 2023 đạt 10.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng.
“Bám sát nghị quyết của đảng ủy, nhiều nội dung được lồng ghép triển khai tạo dấu ấn riêng trong hoạt động của các chi bộ làng biển, như: Vận động người dân góp sức xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, phát triển các mô hình kinh tế, bám biển làm giàu… được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đức Trạch chỉ còn gần 2%”, ông Phan Văn Trường chia sẻ.
Bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền
Những năm qua, tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, ngư dân Quảng Bình tích cực bám biển để khai thác, đánh bắt thủy hải sản, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Với ngư dân Nguyễn Thế Giảng, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) những chuyến biển trở về mang theo đầy ắp tôm, cá chính là nguồn động lực để anh kiên cường bám biển.
Anh Giảng chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở làng biển nên từ nhỏ tôi đã quyết tâm phải làm giàu từ biển. Từ số vốn tích cóp được sau nhiều năm làm thuê cho các tàu cá ở địa phương, tôi mạnh dạn vay vốn đóng tàu để vươn khơi đánh bắt. Với mong muốn có thể vươn tới những ngư trường rộng lớn hơn, năm 2016, tôi tiếp tục vay vốn đóng tàu mới có công suất 713CV”.
Nhờ kinh nghiệm trong tìm kiếm ngư trường cũng như sự hỗ trợ của trang thiết bị, phương tiện đánh bắt hiện đại, tàu của anh luôn đạt sản lượng cao. Có những thời điểm được mùa biển, tàu của anh Giảng đánh bắt được 50-70 tấn/chuyến, doanh thu đạt 5-6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn 1-1,5 tỷ đồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho 20-25 thuyền viên.
Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong đánh bắt thủy hải sản, giá nhiên liệu tăng nhưng người dân phường Quảng Phúc vẫn quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển. Toàn phường hiện có 240 tàu xa bờ, gần 100 chiếc gần bờ, mỗi năm sản lượng đạt từ 3.500-4.000 tấn.
Ngư dân Nguyễn Văn Trung, TDP Xuân Lộc là một trong những chủ tàu có tiếng ở phường Quảng Phúc. Vượt qua những gian khổ, khó khăn của nghề biển, anh hiện là chủ của hai con tàu có công suất 780CV. Anh Trung cho hay: “Để chuyến biển thuận lợi, hiệu quả, ngoài kinh nghiệm đánh bắt, theo dõi luồng cá thì tôi luôn ưu tiên trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại để dò tìm. Mỗi năm tôi đi 8 chuyến biển, dù ít dù nhiều chuyến nào cũng có cá, có tôm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu về hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương”.
Toàn tỉnh hiện có 3.975 tàu cá (chiều dài từ 6m trở lên), trong đó có 1.631 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đang tham gia đánh bắt tại các ngư trường xa. |
Giữa biển khơi rộng lớn, cuộc sống của ngư dân dù còn nhiều thiếu thốn, đối mặt với hiểm nguy nhưng họ vẫn ngày đêm kiên cường bám biển. Những chuyến tàu cập bến đầy ắp cá, tôm đã tạo thêm động lực, khí thế để ngư dân không chỉ tiếp tục vươn khơi khai thác hải sản, mà còn tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh Nguyễn Thanh Điệu, nghiệp đoàn hiện có 250 đoàn viên với 180 tàu, thuyền. Các đoàn viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, giúp đỡ lẫn nhau, quyết tâm bám nghề, bám biển, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực hiện nghiêm túc việc chống khai thác IUU.
“Những lúc thuận lợi, đánh bắt được mùa chúng tôi rất phấn khởi nhưng nghề biển không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những thời điểm ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chuyến đi biển chỉ đủ chi phí nhưng tôi chưa bao giờ có ý định “bỏ” biển, bởi với chúng tôi, đó là một phần máu thịt, là nghề truyền thống từ bao đời ông cha ta gìn giữ và phát triển. Dù có khó khăn thế nào, chúng tôi đều sẽ vượt qua, kiên trì bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của quê hương”, ngư dân Nguyễn Thế Giảng chia sẻ.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Ngọc Linh, ngư dân Quảng Bình không chỉ tham gia khai thác hải sản hiệu quả, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển KT-XH, mà còn là lực lượng quan trọng tham gia giữ gìn chủ quyền biển, đảo. Để ngư dân yên tâm bám biển, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả khai thác, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhóm P.V Phòng Kinh tế
>>> Bài 3: Vững vàng chi bộ vùng bãi ngang