Đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
(QBĐT) - Tròn 10 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị ra đời đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của TDCS xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển KT-XH của địa phương, những năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Để có được thành quả đó, những năm qua, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình, các tổ chức chính trị-xã hội (CT-XH) và các địa phương đã thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình, các tổ chức CT-XH và các địa phương đã làm tốt công tác bình xét cho vay. Định kỳ hàng năm, tổ chức thực hiện điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, các đơn vị cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi đồng thời hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả.
Đến ngày 30/6/2024, các tổ chức CT-XH tỉnh phối hợp với NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình tham gia quản lý 5.369,3 tỷ đồng, tăng 3.212,5 tỷ đồng (tăng 149%) so với cuối năm 2014, với 2.219 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV); 86.376 hộ vay vốn đang còn dư nợ; bình quân mỗi tổ có 39 thành viên, dư nợ bình quân mỗi tổ đạt 2,42 tỷ đồng; nợ quá hạn 2,8 tỷ đồng, chiếm 0,05% tổng dư nợ ủy thác, giảm 3,81 tỷ đồng so với năm 2014.
Có thể khẳng định phương thức ủy thác cho vay các tổ chức CT-XH là sáng tạo, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của các tổ chức CT-XH, phù hợp với tính chất của TDCS, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình ủy thác qua các tổ chức CT-XH đã phát huy được những điểm mạnh của đoàn thể có mạng lưới, cán bộ ở tất cả các xã, đặc biệt có chi hội hoạt động ở thôn, làng gần dân nhất cùng tham gia góp sức trong việc tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát sử dụng vốn vay.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng TDCS ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,09%/tổng dư nợ, giảm 0,75% so với năm 2014. Toàn tỉnh có 99/151 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 65,6%); có 457/515 tổ chức CT-XH nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 88,74%); có 2.145/2.218 tổ TK-VV không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 96,7%).
Nhờ vậy, quy mô các chương trình TDCS ngày càng được mở rộng, chất lượng tín dụng được bảo đảm. Nguồn vốn TDCS đã được đầu tư đến 151/151 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn TDCS một cách thuận lợi và kịp thời.
Trong những năm qua, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện TDCS xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường và từ các thành viên tổ TK-VV.
Đồng thời, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình TDCS trên địa bàn, qua đó bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn đạt 5.390,4 tỷ đồng, tăng 3.213,2 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,7%/năm.
Một số địa phương có nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH cao so với bình quân toàn tỉnh, như: TP. Đồng Hới 15,6 tỷ đồng, TX. Ba Đồn 14,6 tỷ đồng, Quảng Trạch 14,9 tỷ đồng, Lệ Thủy 14,6 tỷ đồng, Bố Trạch 13,9 tỷ đồng… NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã phân giao và tổ chức giải ngân kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thông qua việc tổ chức thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tuợng chính sách, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện, nguồn vốn TDCS đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn; trong đó ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoạt động TDCS xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo: Giai đoạn 2011-2015 giảm từ 25,17% xuống 7,23%; giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 14,42% xuống 3,24%; giai đoạn 2021-2025 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 6,52% xuống 4,05% so với đầu giai đoạn.
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, hơn 314,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp 45,6 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh; gần 4,7 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho gần 42,8 nghìn lao động; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trên 199 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 6,3 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…
Ngoài ra, vốn TDCS đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tăng trưởng KT đồng đều giữa các vùng, ổn định CT-XH. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 94/128 xã (chiếm 73% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tổng nợ khoanh và nợ quá hạn của NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình là 4,8 tỷ đồng, giảm 13,4 tỷ đồng so với năm 2014.
|
Hành trình giảm nghèo, phát triển KT không thể không kể đến vai trò của TDCS xã hội. Qua 10 năm thực hiện, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường. Nguồn vốn tín dụng còn giúp thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn.
Việc nâng cao chất lượng hoạt động TDCS đã góp phần xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với tạo dựng thương hiệu sản phẩm của từng địa phương, như: Chế biến nước mắm xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), sản xuất bánh tráng xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), nuôi cá trắm sông Son (Bố Trạch), các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Anh Hồ Thanh Ngọc, xã Lý Trạch (Bố Trạch) vui mừng chia sẻ: “Được sự tiếp sức của chương trình vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH, ấp ủ về mô hình trồng ổi của tôi đã trở thành hiện thực. Mô hình trồng ổi Đài Loan ban đầu với diện tích 2ha giờ đã mở rộng lên gần 10ha. Hiện tại, tôi đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp sạch để cùng một số bà con trồng ổi xây dựng thương hiệu ổi Lý Trạch của địa phương. Nguồn vốn TDCS là chủ trương đúng đắn, kịp thời giúp nhiều nông dân có điều kiện KT ban đầu khó khăn như tôi có cơ hội để vươn lên”.
Quảng Bình đang được kỳ vọng sẽ thu hút các làn sóng đầu tư phát triển từ khu vực KT tư nhân và cả vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nhất là sau các hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh tổ chức trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho tăng trưởng KT-XH của địa phương là quy mô nền KT của tỉnh còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh chưa cao. Chính vì vậy, trong thời gian tới, TDCS xã hội sẽ tiếp tục là công cụ hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh.
Việc thực hiện TDCS xã hội trong thời gian tới cần sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, trong đó quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH, từ đó giúp nhiều người nghèo, đối tượng chính sách xã hội khác có cơ hội để vươn lên trong cuộc sống.
Đoàn Nguyệt