"Từ độ mang gươm đi mở cõi"-Bài 4: Thiên di theo chân người mở cõi
(QBĐT) - Theo chân người mở cõi, bao thế hệ con cháu vùng đất quê hương Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện những cuộc thiên di tiến vào phương Nam xa xôi. Noi gương Lễ Thành hầu, hơn 325 năm đằng đẵng, thăng trầm cùng vùng đất phương Nam, kiên nhẫn mở đất, lập làng, bao lớp người Quảng Bình đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trên vùng quê mới. Dẫu vậy, trong thẳm sâu vẫn là niềm thương, nỗi nhớ cố hương để rồi sau dáng hình của phố thị phương Nam hôm nay, hình bóng quê nhà không bao giờ phai nhạt.
"Ly hương bất ly tổ"
Họ-với chất giọng miền Nam đặc trưng nhưng khi nhắc đến Quảng Bình lại kể bằng tất cả sự hiểu biết sâu sắc, sự nhớ nhung khôn nguôi về quê cha đất tổ. Tất cả họ đều được sinh ra, lớn lên nơi mảnh đất phương Nam nhưng trong thẳm sâu vẫn luôn nhắc nhớ về một nguồn cội, một vùng quê cách xa hàng nghìn cây số.
Ông cha họ là những người Quảng Bình hàng trăm năm trước đã thực hiện những cuộc thiên di xuôi vào Nam tìm đất, lập làng. Dẫu thời gian, chiến tranh và thời cuộc đã cắt chia nhiều điều nhưng “sợi dây” liên kết giữa những người con ly hương với quê cha, đất tổ vẫn bền chặt, gắn bó.
Chúng tôi đang nhắc đến những thành viên của Hội Thuận Bài tương tế tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một trong rất nhiều hội đồng hương (HĐH) gắn kết những người con Quảng Bình tại mảnh đất phương Nam.
Theo sử sách ghi chép lại, năm 1897, theo chân các bậc tiền nhân, anh em ông Trần Văn Mâu rời làng Thuận Bài (thuộc huyện Quảng Trạch-nay là TX. Ba Đồn) khăn gói lên đường vào Nam lập nghiệp. Cuộc “Nam hành” của người làng Thuận Bài bắt đầu kể từ ngày đó. Người đi trước mách nước người đi sau, cứ thế, những cuộc di cư nhỏ của người làng Thuận Bài cứ nối nhau xuôi vào phương Nam.
Với bản tính sáng tạo, cần cù, chịu khó, người Thuận Bài khi ấy làm nghề điện, nghề may hay mang cả nghề làm nón truyền thống vào tận đất Sài Gòn. Cộng đồng người Thuận Bài dần lớn mạnh, họ tìm đất, lập xóm, sống quần tụ bên nhau. Những cái tên, như: Xóm Nhà Đèn, xóm Chùa, xóm Lách... dần hình thành. Những tiệm điện tư nhân của người Thuận Bài đầu tiên đều mang tên hiệu có chữ Quảng đứng đầu để tỏ rõ, người Thuận Bài, dù làm gì, dù ở đâu cũng không quên mình là người Quảng Trạch, Quảng Bình.
Những cuộc thiên di xuôi qua nhiều thế kỷ đã xây dựng nên cộng đồng người Quảng Bình đoàn kết, gắn bó bên nhau giữa mảnh đất phương Nam nắng ấm. Mỗi người, mỗi nghề, mỗi số phận nhưng điểm chung của họ là dòng máu quê cha, đất tổ vẫn miệt mài chảy trong từng con tim, khối óc.
Những năm 30 của thế kỷ trước đã chứng kiến sự ra đời của các hội tương tế các làng, như: Thuận Bài (Quảng Thuận, TX. Ba Đồn), Cao Lao Hạ (Hạ Trạch, Bố Trạch), Thọ Đơn (Quảng Thọ, TX. Ba Đồn)... Có những giai đoạn, hoạt động của các hội bị ngắt quãng nhưng sự đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế thì vẫn duy trì cho đến hôm nay.
Theo ông Trần Tấn Hùng, Hội trưởng Hội Thuận Bài tương tế, hội hiện có 1.200 hội viên với đủ các ngành, nghề. “Không chỉ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, ốm đau, khuyến khích, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chăm lo sự học cho con cháu, hội còn tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương, nhất là ủng hộ xây dựng các công trình, những dịp bão lũ... Tinh thần cố kết cộng đồng, hướng về cố hương vẫn được những thế hệ con cháu người làng Thuận Bài hôm nay gìn giữ và phát huy”, ông Hùng chia sẻ.
Sau khi sống tập trung ở các xóm dân cư, người Quảng Bình trên quê mới đã sớm lập ra các hội tương tế, hội ái hữu. Suốt nhiều năm qua, từ tổ chức HĐH của tỉnh đã nhân rộng ra thêm nhiều hội các huyện, xã, làng, các dòng họ… Đến hôm nay, HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở nên lớn mạnh, cùng nhau góp sức, hiến kế, đồng hành cùng quê hương trong phát triển kinh tế-xã hội, hướng về quê những dịp thiên tai, bão lũ.
Sau những vất vả mưu sinh, cứ mỗi dịp lễ, Tết hay ngày giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, những người con Quảng Bình lại tề tựu bên nhau, cùng thắp nén hương dâng lên Lễ Thành hầu tại đền thờ trong công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Đó cũng là lúc họ cùng lắng lòng nghĩ về nguồn cội, nhắc nhớ nhau về truyền thống tốt đẹp của quê hương để sống xứng đáng với cha ông, những lớp người đã kiên nhẫn mở đất, lập làng.
Quảng Bình giữa lòng phương Nam
Có một điều đặc biệt ấn tượng khi chúng tôi đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh đó là sự hiện diện của những công trình tâm linh, nghĩa trang của cộng đồng người Quảng Bình ngay giữa thành phố này. Giữa phố xá nhộn nhịp, vẫn còn đó những góc nhỏ yên bình, nơi đó, hàng nghìn người Quảng Bình đã mãi mãi yên nghỉ bên nhau sau những năm tháng xuôi ngược nơi đất khách.
“Sống có cộng đồng, chết gối chung thửa đất”, ngay từ những ngày mới đặt chân đến mảnh đất phương Nam, họ đã nghĩ đến việc xây dựng một nghĩa trang để những người con Quảng Bình được yên nghỉ bên nhau. Nếu Hội ái hữu Quảng Bình có nghĩa trang Chùa Quảng Bình tại TP. Thủ Đức, thì HĐH Cao Lao Hạ có nghĩa trang Cao Lao Hạ cũng tại TP. Thủ Đức, người Thuận Bài có nghĩa trang Thuận Bài tại quận 12, người làng Thọ Đơn có nghĩa trang Thọ Đơn tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương)…
Phó Chủ tịch HĐH Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh Hoàng Viết Quê cho biết: “Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay có rất nhiều HĐH các tỉnh, thành phố nhưng rất hiếm HĐH nào như Quảng Bình lại có được các nghĩa trang riêng của quê hương ngay giữa thành phố. Điều đó cho thấy ngay từ xa xưa, các thế hệ cha ông đi trước, cùng với việc lập làng, lập nghiệp đã có được tầm nhìn xa hơn là phải có nghĩa trang chung để những đồng hương được yên nghỉ bên nhau và những người có hoàn cảnh khó khăn cũng có nơi an táng tươm tất. Vậy nên, các nghĩa trang hiện có hàng nghìn ngôi mộ, chủ yếu là bà con Quảng Bình và thân nhân của họ”.
Sau những chộn rộn của cuộc mưu sinh nơi đất khách, người Quảng Bình ở khắp nơi lại tìm về những ngôi chùa nhỏ để tìm những giây phút bình yên. Chùa Quảng Bình, chùa Cao Lao, chùa Thuận Bài, các tổ đình... là những địa chỉ tâm linh được xây dựng và duy trì hoạt động bởi chính những người Quảng Bình qua nhiều thế hệ. Có những công trình đã gần trăm năm tuổi, bền bỉ tồn tại giữa những xô bồ của phố thị phương Nam.
Điều đáng quý hơn cả, nơi đây vẫn là nơi chốn tổ chức các buổi lễ cúng tế trong các dịp trọng đại với các nghi lễ mang đậm sắc thái văn hóa Quảng Bình. Đây cũng là dịp để những người đồng hương gặp gỡ nhau, từ đó, tạo mối liên hệ gắn kết và cùng nhắc nhớ nhau về quê hương.
Ông Hoàng Viết Quê khẳng định, chính bởi từ thế hệ cha ông thời mở đất, mở cõi luôn lấy văn hóa làng làm nền tảng nên đã xây dựng nên các cộng đồng bền chặt qua thời gian. “Sợi dây” văn hóa ấy đã gắn kết đất và người, kết nối giữa những người con ly hương với quê hương, bổn quán để dẫu đi qua hàng thế kỷ, trải qua nhiều đổi thay thời cuộc thì họ vẫn có một gốc gác để tự hào, một nơi chốn để trở về và mảnh đất để yêu thương.
Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh: “Lịch sử ghi nhận công lao khai phá Nam bộ thuộc về lưu dân từ vùng ngũ Quảng, trong đó Quảng Bình là đất địa đầu của ngũ Quảng. Không ai phủ nhận người Quảng Bình đã có nhiều đóng góp trong quá trình mở đất, mở nước phương Nam. Họ là những nhân vật lịch sử, để lại tên tuổi nhưng họ còn là những người dân vô danh, tiên phong và kiên trì mở đất. Họ là những con người cụ thể trong cộng đồng lưu dân, cùng góp phần định hình lối sống, ứng xử văn hóa và cùng chung sức, chung lòng khẩn hoang mở làng trên vùng đất mới phương Nam”. |
Nội Hà-Diệu Hương
Bài 5: Muôn đời lưu danh