Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh (8/3/1993-8/3/2023)

Quyết tâm, nỗ lực vì sự khởi sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

  • 05:38 | Thứ Ba, 07/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh (8/3/1993-8/3/2023), phóng viên (PV) Báo Quảng Bình phỏng vấn ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh về những thành tựu trong công tác dân tộc và định hướng phát triển trong giai đoạn mới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
 
* P.V : Thưa ông, sau 30 năm ra đời và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh (tiền thân là Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh) đã đồng hành hiệu quả, góp phần mang lại sự đổi thay to lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN). Ông có thể đánh giá khái quát những đóng góp quan trọng của Ban Dân tộc tỉnh và đổi thay tích cực của vùng ĐBDTTS và MN tỉnh nhà trong 3 thập kỷ qua?
 
- Ông Võ Ngọc Thanh: Với diện tích tự nhiên trên 3.800km2 (chiếm gần ½ diện tích tự nhiên của toàn tỉnh), vùng ĐBDTTS và MN tỉnh hiện có 15 xã thuộc 5 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Dân số trên 45.000 người, trong đó, ĐBDTTS gần 28.000 người với 18 tộc người.
 
Sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế song cũng là nơi có địa hình hết sức phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; dân cư phân bố rải rác, phân tán, chủ yếu ở vùng sâu, biên giới; cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; kinh tế chậm phát triển; trình độ dân trí và đời sống của bà con còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đặc biệt là các xã biên giới, nơi có phần lớn ĐBDTTS sinh sống.
 
Với đặc thù trên, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng ĐBDTTS và MN. Ngày 8/3/1993, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 168/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh, tiền thân của Ban Dân tộc tỉnh. Trải qua 3 thập kỷ với nhiều thay đổi, tập thể cán bộ, công chức và người lao động của Ban Dân tộc tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, luôn bám sát địa bàn vùng sâu, vùng xa, cùng phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đơn vị liên quan phát huy tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh, mang lại sự đổi thay to lớn trong mọi mặt đời sống xã hội.
 
Nhờ sự quan tâm chăm lo của tỉnh, sự nỗ lực đồng hành cùng bà con của Ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm này, 15/15 xã vùng ĐBDTTS và MN đã có đường ô tô về tận trung tâm xã; có điện lưới quốc gia và năng lượng khác cùng điện thoại, mạng internet, sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động; hệ thống hạ tầng y tế, trường tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư khang trang… Cơ sở hạ tầng vùng ĐBDTTS và MN đã có những đổi thay vượt bậc.
Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số xã Trọng Hóa (Minh Hóa).
Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số xã Trọng Hóa (Minh Hóa).

Cùng với những bước tiến quan trọng nói trên, cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của vùng ĐBDTTS và MN đã có sự chuyển dịch đúng hướng. Bà con đã quen với lối sống định canh định cư, phân bố lại dân cư, từ bỏ tập quán đốt rừng làm nương rẫy, chuyển sang sản xuất thâm canh, nhiều hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Một số tộc người đặc biệt khó khăn, như: Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng… đã từng bước phát triển, hòa nhập cộng đồng. Đời sống văn hóa của bà con cũng có nhiều thay đổi, các hủ tục lạc hậu được loại bỏ, các lễ hội văn hóa được bảo tồn và phát huy, tô đậm thêm bản sắc của đồng bào.

* P.V : Ông có thể chia sẻ những đóng góp và bài học kinh nghiệm mà Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai trong hành trình tạo nên những đổi thay ấn tượng cho đời sống vùng ĐBDTTS và MN tỉnh những năm qua?

- Ông Võ Ngọc Thanh: Những dấu ấn nổi bật và khởi sắc to lớn của vùng ĐBDTTS và MN tỉnh có được trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; sự tiến bộ, nỗ lực và khát vọng vươn lên của đồng bào. Bên cạnh đó là sự đóng góp rất đáng trân trọng của Ban Dân tộc tỉnh và đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động qua các thời kỳ trong 3 thập kỷ qua.

Một số đóng góp nổi bật và bài học kinh nghiệm có thể kể đến là vai trò tham mưu về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. 30 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã điều tra, khảo sát, tổng hợp để tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Trung ương công nhận các xã, thị trấn miền núi, vùng cao, 3 khu vực vùng dân tộc và miền núi của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách lớn đối với ĐBDTTS và MN của tỉnh.

Cụ thể là Chương trình 135 qua các giai đoạn (1999-2005; 2006-2010; 2011-2015; 2016-2020) và hiện nay là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN, giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội khóa XIV thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021.

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã trực tiếp tham gia xây dựng nhiều chương trình, dự án làm cơ sở để Nhà nước đầu tư cho ĐBDTTS và MN của tỉnh; tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn vùng ĐBDTTS và MN.

Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, đồng thời là cơ quan thường trực các chương trình, dự án quy mô lớn, như: Chương trình 135, Quyết định 134, Quyết định số 1719… Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh trong chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình.

Ban đã tích cực, chủ động ký kết chương trình phối hợp trong thực hiện công tác dân tộc với các sở, ban, ngành, như: Ủy ban MTTQVN tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội LHPN tỉnh…

Ban Dân tộc tỉnh và Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025.
Ban Dân tộc tỉnh và Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025.

Đồng hành và tạo nên những đổi thay cho đời sống xã hội vùng ĐBDTTS và MN là hành trình gian khó, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm của Quảng Bình còn rất thấp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải vừa có tâm, có tầm, sâu sát cơ sở, nhiệt huyết, gắn bó với đồng bào. Do đó, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về đội ngũ cán bộ, nhưng Ban Dân tộc tỉnh luôn nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp, đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh có 18 cán bộ, công chức, bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, tiếp thu kinh nghiệm của thế hệ đi trước, có tinh thần, trách nhiệm cao và gắn bó với ĐBDTTS và MN không chỉ làm tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh mà còn là cầu nối quan trọng để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về với đồng bào, lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả tích cực.

Nhiều thế hệ cán bộ, công chức của ban đã gắn bó sâu sắc với ĐBDTTS và MN, xem đồng bào như người thân. Qua 3 thập kỷ hoạt động, tất cả các bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất đều in dấu chân của đội ngũ làm công tác dân tộc. Sự sâu sát, gắn bó ấy đã góp phần quan trọng trong việc nắm bắt tình hình, kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho các cấp, các ngành có những giải pháp hữu hiệu trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

* P.V: Kế thừa và phát huy các thành tựu quan trọng trong 3 thập kỷ qua, những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm của Ban Dân tộc tỉnh trong giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông?

- Ông Võ Ngọc Thanh: Sau hành trình với nhiều gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào, hiện nay, nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN đang có những thuận lợi cơ bản. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, chương trình được Trung ương đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực và phối hợp với các ban, ngành, đơn vị, địa phương để thực hiện hiệu quả, đặc biệt là chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN, giai đoạn 2021-2030.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã quan tâm và đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển vùng ĐBDTTS và MN. Trong đó, Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS, biên giới và MN tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một "nghị quyết lịch sử", là cơ sở chính trị để tỉnh bổ sung nguồn lực phát triển bền vững vùng biên giới, ĐBDTTS và MN.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết số 08-NQ/TU, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Dân tộc tỉnh trong nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần đưa vùng biên giới, ĐBDTTS và MN Quảng Bình ngày càng phát triển! 

P.V: Xin cảm ơn ông!

Trải qua 3 thập kỷ đồng hành cùng ĐBDTTS và MN, với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Ban Dân tộc tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Ủy ban Dân tộc tặng 3 cờ thi đua cùng nhiều bằng khen của Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh; nhiều cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh tặng bằng khen.
 
Ngọc Mai (thực hiện)

tin liên quan

Đồng chí Trương Thị Mai giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa XIII

Ngày 6/3/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp để xem xét về công tác cán bộ.
 

Tiểu sử đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Đồng chí Trương Thị Mai, sinh ngày 23/01/1958; Quê quán Xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Trương Thị Mai là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X,XI, XII, XIII; Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, XIII, XIV, XV.
 

 

Tọa đàm khoa học "Giá trị lý luận và thực tiễn cuốn sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng"

Sáng 6/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học "Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.