Công tác giám sát trong Đảng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp

  • 08:01 | Thứ Năm, 02/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Giám sát của Đảng, đó là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm[1].
 
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp của Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; triển khai quán triệt các văn bản mới và tiếp tục thực hiện các văn bản của Trung ương về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
 
Hầu hết, cấp ủy các cấp đã định kỳ nghe các ban tham mưu, tổ chức đảng cấp dưới báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (KT, GS); phân công các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ theo dõi địa bàn, lĩnh vực; kịp thời cho ý kiến tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý những vấn đề phức tạp, nổi cộm; yêu cầu các tổ chức đảng thực hiện kịp thời, nghiêm túc các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra; chủ động, kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy cấp trên.
 
UBKT các cấp đã tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ GS thường xuyên; phân công nhiệm vụ, quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo; gắn trách nhiệm của cán bộ theo dõi địa bàn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị phụ trách.
 
UBKT các cấp bám sát phương hướng, nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác KT, GS toàn khóa, hàng năm, qua đó, tổ chức thực hiện toàn diện, bảo đảm theo quy định, đạt nhiều kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Chỉ tính riêng trong năm 2022, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp đã GS 739 tổ chức đảng và 2.095 đảng viên, trong đó có 1.137 cấp ủy viên các cấp; việc GS đều gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
 
Nội dung GS tập trung vào việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; công tác cán bộ; việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kê khai tài sản, thu nhập; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, dư luận quan tâm (việc công khai minh bạch trong hoạt động quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng ngân sách; cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế…).
Một kỳ họp của UBKT Tỉnh ủy nhằm xem xét kết quả KT việc thực hiện nhiệm vụ KT, GS và thi hành kỷ luật Đảng.
Một kỳ họp của UBKT Tỉnh ủy nhằm xem xét kết quả KT việc thực hiện nhiệm vụ KT, GS và thi hành kỷ luật Đảng. Ảnh: Hiền Chi

Thông qua GS đã có tác dụng trong việc cảnh báo, cảnh tỉnh phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa các vi phạm, có biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, không để khuyết điểm trở thành vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ được giao; đôn đốc tổ chức đảng, đảng viên được GS thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận của cấp trên và cấp mình.

Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; nâng cao chất lượng tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết; tăng cường công tác chỉ đạo cơ sở; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và duy trì chế độ sinh hoạt của cấp ủy theo quy định.

Kết quả đó đã khẳng định được vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác GS, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả GS, chưa đáp ứng được yêu cầu, như: Nhận thức về nhiệm vụ GS thường xuyên của một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa đầy đủ nên chưa thường xuyên mời UBKT hoặc cán bộ được phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực dự các cuộc họp theo quy định; một số UBKT, cán bộ làm công tác KT chưa quan tâm thực hiện nhiệm vụ GS thường xuyên các lĩnh vực, địa bàn do mình phụ trách.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT, nhất là ở cơ sở còn lúng túng về nội dung và phương pháp GS nên chất lượng, hiệu quả chưa cao; chậm xây dựng kế hoạch KT, GS năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Có địa phương, đơn vị xác định đối tượng, nội dung KT, GS còn trùng lặp, dàn trải, chưa sát với tình hình thực tiễn; chưa tập trung vào những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm, gây bức xúc ở địa phương, đơn vị. Hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ công tác GS chưa cao; GS thường xuyên có khi chưa kịp thời; GS chuyên đề chưa phát hiện được dấu hiệu vi phạm để chuyển KT.

Từ thực trạng nêu trên, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS trong Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, cụ thể: Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác KT, GS của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược công tác KT, GS của Đảng đến năm 2030 và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác KT, GS.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác KT, GS của Đảng; thực hiện có nền nếp việc công khai kết quả các kỳ họp của UBKT trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang thông tin điện tử UBKT Tỉnh ủy, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác KT, GS.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác GS. Trên cơ sở chương trình KT, GS toàn khóa, cấp ủy, UBKT các cấp chủ động xây dựng kế hoạch KT, GS hàng năm và tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ KT, GS theo quy định của Điều lệ Đảng.

Tập trung GS tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra vi phạm, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, như: Tổ chức cán bộ, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, tài sản công, đầu tư công…; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm nêu gương và việc khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân; những tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, kéo dài, nổi cộm, gây bức xúc, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Thực hiện có hiệu quả Quy định số 195-QĐ/TW, ngày 18/6/2019 của Ban Bí thư về chỉ đạo của UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới trong công tác KT, GS và kỷ luật Đảng. Chủ động nắm tình hình đơn, thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xử lý kịp thời, đúng quy định; tăng cường công tác GS thường xuyên tại các địa bàn, lĩnh vực, vị trí công tác dễ xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực để đề xuất tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ KT có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Nguyễn Thị Nga

[1] Khoản 4, Điều 3, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

tin liên quan

Tọa đàm, giao lưu vinh danh Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trên cương vị, lĩnh vực nào, đồng chí luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đem hết sức lực, trí tuệ của mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân và suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 

Giải "bài toán" thiếu nguồn kết nạp đảng viên

(QBĐT) - Mặc dù được quan tâm chỉ đạo, nhưng công tác kết nạp đảng viên là một trong những nhiệm vụ khó hoàn thành của các tổ chức đảng và Đảng bộ TP. Đồng Hới trong những năm qua. 

Ươm mầm "hạt giống đỏ"

(QBĐT) - Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh ưu tú để kết nạp vào Đảng, Chi bộ Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã ươm mầm những "hạt giống đỏ".