Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vị tướng "chân trần, chí thép"

Bài 3: Trọn nghĩa, vẹn tình với Trường Sơn

  • 06:07 | Thứ Ba, 21/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sống, chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại là hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Nhiều người trong số họ anh dũng hy sinh, nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn. Trên cương vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn đau đáu một nỗi niềm là sớm an táng, quy tập đồng đội, đồng chí mình. Và ngay khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời điểm khốc liệt nhất, tháng 3/1973, công tác “hồi hương” liệt sỹ phía Tây Trường Sơn được Đoàn 559 gấp rút tiến hành. Có thể nói rằng, cả cuộc đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sống trọn nghĩa, vẹn tình với đồng chí, đồng đội, với Trường Sơn.
 
 
 
Tháng 5/1974, Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn quyết định chuyển Sở Chỉ huy vào Bến Tắt, bờ Nam sông Bến Hải thuộc địa phận huyện Gio Linh (Quảng Trị). Cũng khu vực này nhưng ở phía bắc sông Bến Hải, vào buổi “sơ sinh” của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn do Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Võ Bẩm phụ trách 15 năm trước (5/1959) đã bí mật đặt “đại bản doanh” tại Khe Hó.
 
Về sự kiện này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hồi tưởng: “Sau này ngẫm lại, quyết định của Bộ Tư lệnh có tính quy luật lịch sử. Lịch sử thật công bằng, có trước, có sau”. Để nâng tâm thế địa danh nhiều ý nghĩa lịch sử này, cuối năm 1973, Đoàn 559 cho xây dựng cầu treo Bến Tắt nối liền hai bờ sông Bến Hải. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên trên tuyến Đông Trường Sơn.
 
Trên vùng đất anh linh này, một quyết định mang tính chất bước ngoặt của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đối với đồng đội, đồng chí, những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã thành hình hài-xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn.
Cây bồ đề linh thiêng tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
Cây bồ đề linh thiêng tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
Trong một buổi chiều muộn ở Quảng Trị, chúng tôi vào viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Cùng đi có ông Lê Minh Tâm (SN 1943), nguyên cán bộ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên, là một trong những người được UBND tỉnh Bình Trị Thiên giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn từ Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng chuyển giao cho tỉnh năm 1982. Ông Lê Minh Tâm chia sẻ: “Để có một địa chỉ tâm linh như Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn bây giờ, vai trò lớn nhất thuộc về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên”.
 
Với tầm nhìn nhạy cảm và chiến lược của người chỉ huy, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dứt khoát: “Nếu không có kế hoạch đưa gấp liệt sỹ Trường Sơn về nước thì chỉ một thời gian ngắn sau, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đại ngàn Trường Sơn sẽ thành cản trở vô cùng lớn cho việc quy tập mộ liệt sỹ của chúng ta ở Tây Trường Sơn. Như thế là có tội với người đã khuất, có tội với người thân yêu của họ”. Đầu năm 1974, Bộ Tư lệnh chỉ thị cho Cục Chính trị tổ chức 5 đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ ở 7 tỉnh nước bạn Lào và dọc hành lang Đông-Tây đường Hồ Chí Minh đưa về đất mẹ.
 
Nhiệm vụ chi viện chiến trường đặt ra cho Đoàn 559 vào thời điểm này hết sức to lớn và khẩn trương. Việc cắt ra một lực lượng “đặc biệt” để làm nhiệm vụ “đặc biệt” là rất khó khăn..., nhưng việc nghĩa, việc tình thì không thể dừng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: “Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được”.
 
Từ giữa năm 1974, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn tranh thủ mọi nơi, mọi lúc tìm chọn vị trí xây dựng nghĩa trang. Các địa điểm ban đầu gồm đường 20-Quyết Thắng (Quảng Bình); khu vực Đầu Mầu, đường 9 thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và Bến Tắt.
 
Sau khi cân nhắc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định chốt đồi Bến Tắt. “Chọn vị trí xây dựng một nghĩa trang có quy mô, tầm thế tương xứng với sự hy sinh của biết bao đồng chí, đồng đội vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì sự sống còn, lớn mạnh không ngừng của tuyến đường mang tên Bác Hồ kính yêu là một chủ trương lớn được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn và đông đảo cán bộ, chiến sĩ trên toàn tuyến đặc biệt quan tâm. Bến Tắt ngoài ý nghĩa là điểm lưu giữ dấu ấn về buổi phôi thai đường Trường Sơn, gần trục giao thông xuyên Việt, Bắc-Nam, chúng tôi còn muốn những đồng đội, đồng chí yêu quý của mình được yên nghỉ bên dòng Bến Hải, ranh giới chia cắt hai miền Bắc-Nam”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”.
Phần mộ của Chính ủy Bộ đội Trường Sơn Đặng Tính tại nghĩa trang.
Phần mộ của Chính ủy bộ đội Trường Sơn Đặng Tính tại nghĩa trang.
Ngày 24/10/1975, khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, hai năm sau, ngày 10/4/1977 thì hoàn thành, trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của 10.333 anh hùng, liệt sỹ đường Hồ Chí Minh.
 
Trong “hàng ngũ” mộ chí các anh hùng liệt sỹ phía bên trái Đài tưởng niệm, ở hàng đầu tiên, chúng tôi bắt gặp ngôi mộ tưởng niệm Chính ủy bộ đội Trường Sơn Đặng Tính (1920-1973), một người bạn chiến đấu, bạn tri kỷ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (Chính ủy Đặng Tính hiện được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội).
 
Năm 1971, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên khi ra Hà Nội làm việc với Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi Tư lệnh bộ đội Trường Sơn: “Trong các Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy quân khu, quân chủng, anh muốn xin ai thì Quân ủy sẽ quyết cho người đó”. Vốn là bạn chiến đấu từ thời chống Pháp, ông xin ngay đồng chí Đặng Tính. Ngày 24/10/1971, đồng chí Đặng Tính chính thức nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
 
Cuối tháng 3/1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức nắm lại tổng thể tình hình toàn tuyến. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phụ trách đoàn phía Đông Trường Sơn, Chính ủy Đặng Tính dẫn đoàn phía Tây Trường Sơn. “Vẫn biết sinh tử là chuyện thường ở đời. Nhất là trong chiến tranh, trước “hòn tên, mũi đạn”, sự sống và cái chết có khi cách nhau không đầy gang tấc, thậm chí là sợi chỉ mong manh. Nhưng tôi không ngờ, đây là lần cuối cùng anh Tính và tôi chia tay nhau, để rồi anh đi mãi mãi”-Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại- “Đêm mùng 4/4/1973, khi dừng nghỉ bên bờ sông Sa Thầy, đêm xuống từ lâu nhưng tôi vẫn trằn trọc, thao thức. Bao năm ở rừng, tôi đâu có vậy? Gần sáng, nhân viên cơ yếu chuyển cho tôi bức điện vẻn vẹn mấy chữ: Chính ủy Đặng Tính hy sinh ngày 3/4 ở Pắc Xoòng, Nam Lào. Cầm bức điện, mắt tôi nhòa đi, một nỗi đau không nói thành lời”.
 
Sau này những người trong đoàn kể lại, sáng 3/4, Chính ủy Đặng Tính trên đường xuống thăm một đơn vị thuộc Sư đoàn 968 chốt giữ tại Pắc Xoòng vừa mới giải phóng. Đang di chuyển thì xe bị trúng mìn. Hy sinh cùng Chính ủy Đặng Tính còn có thượng tá, Chính ủy Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình, Cục phó Cục Tham mưu Nguyễn Xuân Yêm, nhạc sĩ Trịnh Quý, Phó đoàn văn công Trường Sơn, một bác sĩ và lái xe. Đây là tổn thất lớn nhất về cán bộ của Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.
 
“Người ta ví, có rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp là “cây cao bóng cả” của Trường Sơn. Nhưng tướng Đồng Sỹ Nguyên là “cây cao bóng cả” nhất, “tỏa bóng mát” lớn nhất của Trường Sơn huyền thoại”-Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế

(QBĐT) - Thời gian qua, Đảng bộ huyện Bố Trạch luôn quan tâm triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các mặt công tác xây dựng Đảng. 

Quân đội quán triệt tư tưởng của Tổng Bí thư về chống tham nhũng

Cuốn sách của Tổng Bí thư là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận, thực tiễn đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
 

Bài 2: Vị tướng Trường Sơn huyền thoại

(QBĐT) - Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài suốt 16 năm (1959-1975) thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Trường Sơn trở thành máu thịt và hơi thở của ông, gắn liền với tên tuổi của ông.