Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vị tướng "chân trần, chí thép"

Bài 2: Vị tướng Trường Sơn huyền thoại

  • 06:23 | Thứ Hai, 20/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài suốt 16 năm (1959-1975) thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Trường Sơn trở thành máu thịt và hơi thở của ông, gắn liền với tên tuổi của ông.
 
 
Trở lại đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước-đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện tại, chúng tôi dừng chân thắp nén nhang cho người lính Trường Sơn tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại, một trong những “tọa độ lửa” trên tuyến chi viện chiến lược năm xưa.
 
Bất chợt gặp những câu thơ của liệt sỹ Trường Sơn Vũ Đình Văn, từng câu thơ rưng rưng, hào sảng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”: “Đêm ấy đêm trăng/Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại/Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi/Nơi trao tay mình tiền phương hậu phương/Nơi ấy ngã ba chiến trường/Nơi một tấm ván phà mất trăm vết đạn/Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng/Nơi mở đường đưa máu chảy về tim/Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm/Tôi thấy lửa gọi những ngày sắp đến/Thấy những hàng xe nôn nao ra trận tuyến/Và những đoàn quân đi xanh dãy Trường Sơn”.
 
Trên những con đường ra trận này, dấu chân Tư lệnh bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên bao nhiêu lần mòn vẹt đôi dép cao su Bác Hồ bám đất, bám đường, bám chiến trường.
 
Tháng 1/1967, Quân ủy Trung ương quyết định điều đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm nhiệm Tư lệnh Đoàn 559. Trước lúc lên đường vào lại Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiễn đồng chí Đồng Sỹ Nguyên một quãng đường, Đại tướng dặn dò thân tình như một người anh ruột thịt: “Người quê mình ưa nói ít, làm nhiều. Công việc cụ thể anh Đinh Đức Thiện (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần-P.V) sẽ trao đổi thêm. Điều cơ bản là bất cứ lúc nào anh em mình cũng phải ghi lòng lời Bác Hồ dạy: Thắng không kiêu, bại không nản. Chúc anh thắng lợi lớn hơn!”.
 Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm đường Hồ Chí Minh tháng 3/1973.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng thăm bộ đội Trường Sơn, năm 1973. Ảnh: Tư liệu

“Đồng Sỹ Nguyên là Trường Sơn. Trường Sơn là Đồng Sỹ Nguyên”, dấu chân vị tướng Tư lệnh trải dài khắp hệ thống đường Hồ Chí Minh cả Đông và Tây Trường Sơn xuyên suốt 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương, trong đó gồm 9 tỉnh ở Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước), 7 tỉnh thuộc Lào (Bô ly Khăm xay, Khăm Muộn, Sa vẳn na khệt, Sa ra van, Sê Công, Atôpơ, Chămpasắc) và 4 tỉnh Campuchia (Stung Treng, Ra ta na Ki ri, Kra Chiê, Môn đun Ki ri) với hàng trăm trọng điểm bắn phá khốc liệt của máy bay Mỹ...

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đối mặt với hơn 733 nghìn trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ. Chúng trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn và hàng chục vạn lít chất độc da cam/dioxin. Song, Bộ đội Trường Sơn không quản trên bom, dưới đạn đã mở một hệ thống đường giao thông với 5 trục dài, 21 trục nối liền Đông-Tây Trường Sơn, tổng chiều dài 17.000km cho xe cơ giới; vận chuyển 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường.
 
Từ năm 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn vận tải cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí, kỹ thuật vào chiến trường; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 quân đoàn chủ lực tham gia các chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000km đường giao liên, tổ chức cho 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương điều trị và đưa hàng nghìn thiếu nhi miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc học tập.
 
Bộ đội Trường Sơn xây dựng 1.350km đường dây thông tin tải ba và hàng vạn km dây thông tin các loại bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600km đường sông... Đoàn 559 huy động 6 sư đoàn phối thuộc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (theo cuốn sách “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn”, NXB Thanh niên, năm 2022).
 
Từ những chuyến thực tế chiến trường, vị tướng Tư lệnh Trường Sơn rút ra một bài học xương máu: “Trong cuộc chiến đấu để giành thắng lợi phục vụ chiến trường, tuyến chi viện chiến lược của chúng ta cũng là một chiến trường, một mặt trận có hai đối thủ phải vượt qua. Một là chiến đấu với bộ binh và không quân địch để giữ vững và phát triển tuyến chi viện. Hai là cuộc “chiến đấu” với thời tiết nghiệt ngã ở địa bàn Đông và Tây Trường Sơn để giành giật thời gian, thực hành vận chuyển thắng lợi”.
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại, một “tọa độ lửa” trên đường Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại, một “tọa độ lửa” trên đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Yếu tố quyết định đến sự thắng lợi chính là con người, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày đêm đối mặt với kẻ thù. “Chiến đấu trên một mặt trận vô cùng ác liệt, nơi thử thách ý chí, trí tuệ, lòng quả cảm của con người Việt Nam với vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại của đế quốc Mỹ. Chiến đấu trên một chiến trường rừng núi, xa hậu phương, khó khăn, thử thách, thiếu thốn chồng chất... Bộ đội Trường Sơn đã đặt lên hàng đầu yếu tố con người”-Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhấn mạnh-“Trên đường Hồ Chí Minh ngày qua ngày, cơm muối, rau tàu bay không đủ no; hy sinh, ốm đau, sốt rét, lắm khi thèm cả ánh mặt trời, thèm một khoảng nhìn xa... nhưng hết thảy những người lính mà thời gian điểm bạc mái đầu đến nam nữ thanh niên tóc còn vương bụi phấn học trò đều lạc quan, tràn đầy sức sống; không chùn bước trước thử thách, hy sinh; kết thành một khối, ngoan cường, dũng cảm đọ sức với kẻ thù... Trong gian khó, hiểm nguy, bộ đội, thanh niên xung phong Trường Sơn càng bộc lộ những đức tính, phẩm chất cao đẹp của mình: Tất cả vì chiến trường, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, vì đồng đội, đồng chí mà sẵn sàng hành động rất tự nguyện. Rét nhường áo, đau nhường thuốc, nhận cái chết về mình vì sự sống con đường, đồng đội”.
 
Với vị tướng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thì "Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. "Sáu nghìn ngày đêm đương đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn vô cùng ác liệt, với bao hy sinh gian khổ không tả xiết, các binh chủng trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã bện kết thành một lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng, nhân dân giao phó là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược. Góp một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến toàn thắng” (trích hồi ký “Trọn một con đường” của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên).
 
“Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng... Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương... Quang vinh thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại”-Lê Duẩn, 1973.
                                                                                                           Ngô Thanh Long
 
Bài 3: Trọn nghĩa, vẹn tình với Trường Sơn

tin liên quan

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Đoàn công tác Việt Nam quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), kể từ tối 13/2, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tới thành phố Antakya, thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia công tác cứu hộ cứu nạn các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2. 
 

Bài 1: Từ Trung thôn đến Chiến khu Trung Thuần

(QBĐT) - Nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923-2019), chúng ta lại nhớ đến đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Việt Nam-Lào nâng cao hiệu quả hợp tác để đáp ứng những yêu cầu mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong thời gian tới, hai đảng, hai nước Việt Nam-Lào cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác để đáp ứng những yêu cầu mới.