Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vị tướng "chân trần, chí thép"

Bài 1: Từ Trung thôn đến Chiến khu Trung Thuần

  • 07:01 | Thứ Bảy, 18/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923-2019), chúng ta lại nhớ đến đường Trường Sơn huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sinh thời, ông tâm niệm: “Toàn bộ sự nghiệp với trọn cuộc đời hiện lên như một bộ phim nhiều tập, nhiều trường đoạn với những khuôn hình, tập hợp biết bao con người gần gũi, quý mến, thân thương. Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn tất cả mọi người đã từng tiếp sức, thắp sáng trong tôi niềm tin vào lẽ sống; giúp đỡ, cộng tác cùng tôi vì lý tưởng của Đảng, vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay và ngày mai của nhân dân”...
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
“Quê hương là đỉnh núi, dòng sông... với tôi điều đó thật thiêng liêng, nguồn sức mạnh lớn lao giúp tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách cam go suốt cuộc đời hoạt động cách mạng”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”. Theo dòng hồi ký, chúng tôi trở về thôn Trung, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn), nơi vị tướng Trường Sơn huyền thoại ra đời, lớn lên, đi theo tiếng gọi non sông.
 
Thôn Trung là một rẻo đất hẹp nằm ven sông Gianh, lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, quanh năm chưa nắng đã hạn, chớm mưa thành lụt. “Tôi sinh ngày 1/3/1923. Tên bố mẹ đặt là Nguyễn Hữu Vũ, sau vài lần thay tên đổi họ thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật ở vùng địch hậu, cuối cùng gắn chặt với tên Đồng Sỹ Nguyên. Bố tôi tên Nguyễn Hữu Khoán, mẹ tôi Đặng Thị Cấp, bố mẹ sinh được chín người con, sáu trai, ba gái, tôi là con thứ sáu”- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tự sự trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường”- “Tuổi thơ tôi lớn lên cùng sông Gianh, dòng sông đi vào lịch sử dân tộc bao đời và chứa đựng trong mình biết bao sự tích, huyền thoại; sông chứng kiến nỗi đau đất nước bị cắt chia, Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hàng trăm năm. Sông Gianh là một phần quê hương, một phần máu thịt đời tôi”.
 
Về vùng đất Quảng Trung, quê hương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lại nhớ đến chợ Sải. Xưa, chợ Sải cứ mười ngày lại họp hai phiên, trở thành nơi giao thương buôn bán, trao đổi vật phẩm giữa “kẻ ruộng” và “kẻ biển”. Phía biển đưa lên cá, tôm, ruốc, mắm... Thóc, gạo, rau quả từ thượng nguồn sông Gianh xuôi về. Nhà nghèo, con đông, nhưng bố mẹ, anh chị em đều quyết tâm dồn sức cho Nguyễn Hữu Vũ được đến trường.
 
Năm 1935, lúc tròn 12 tuổi, Nguyễn Hữu Vũ kết thân với anh Nguyễn Văn Huyên (bí danh Tế), đảng viên Đảng Cộng sản thời kỳ 1930. Nguyễn Văn Huyên làm thợ may ở chợ Sải để che mắt địch nhằm dễ bề hoạt động. “Chợ Sải cũng là một góc tuổi thơ tôi... nơi hoàn thành những “bài học vỡ lòng” đầu tiên anh Nguyễn Văn Huyên truyền đạt để đến năm 1937, tôi chính thức tham gia hoạt động cách mạng, lấy bí danh là Đồng (Nguyễn Văn Đồng-P.V). Năm 1938, tôi vào Đảng lúc vừa bước sang tuổi 15. Năm 1940, tôi được cử làm Bí thư Chi bộ thôn Trung”-Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hồi tưởng.
 
Cao trào cách mạng cuốn lấy người trai “chân trần, chí thép” thôn Trung theo dòng chảy thời đại. Năm 1941, ông trở thành Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch; từ năm 1942-2/1945 là Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Tháng 3/1945, tham gia thành lập chiến khu Trung Thuần, tổ chức huấn luyện quân sự, chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
 
Vì sao chọn vùng đất Trung Thuần (thuộc địa phận hai xã Quảng Thạch, Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch-P.V) làm chiến khu thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945?
 
Trong dịp trở lại chiến khu xưa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hồng Vinh, nguyên sĩ quan Quân đội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Thạch, một trong những người sưu tầm, nghiên cứu, xây dựng cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Thạch giai đoạn 1930-2000, ông Vinh có ông nội tên Nguyễn Phiến (SN 1907) cán bộ tiền khởi và bố Nguyễn Du (SN 1923) là một trong những “hạt giống đỏ” cách mạng do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tôi rèn tại chiến khu Trung Thuần.
 
Ông Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ: Xuất phát từ tầm nhìn chiến lược và khả năng thiên bẩm về quân sự, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thấy địa bàn Trung Thuần hội đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng an toàn khu lâu dài. Và thực tế diễn ra đúng như vậy khi suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân địch chưa một lần chiếm được chiến khu. Trong kháng chiến chống Mỹ, Trung Thuần tiếp tục trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Hai cây ngô đồng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trồng tại chiến khu Trung Thuần năm 1991.
Cây ngô đồng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trồng tại chiến khu Trung Thuần năm 1991.
Đặc biệt, tháng 4/1971, tại vực Sỉa Trâu (Trung Thuần), Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ xuất quân mở đầu chiến dịch đường 9-Nam Lào, cũng là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn tổ chức hội nghị tổng kết chiến thắng đường 9-Nam Lào.
 
Chiến khu Trung Thuần là một thung lũng bao kín theo hình chữ U, diện tích khoảng 150km2, xung quanh là rừng rậm, núi cao, có đỉnh Chóp Chài cao gần 1.000m so với mực nước biển, trở thành đài quan sát một vùng rộng lớn từ đèo Ngang đến sông Gianh, vào Đá Nhảy-Lý Hòa... Trong lòng chiến khu có các xóm nhỏ giàu truyền thống cách mạng, giao thông đan xen, kết nối liên hoàn và nối liền huyện lỵ, lên Tuyên Hóa, ra Hà Tĩnh, Nghệ An. Thời kỳ Cần Vương, Trung Thuần là căn cứ nghĩa quân Lê Trực ở Quảng Bình từ năm 1885-1888.
 
Năm 1991, khi về thăm lại chiến khu xưa, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã tự tay trồng lưu niệm hai cây ngô đồng. 32 năm trôi qua, hai cây ngô đồng nay thành cổ thụ, ghi dấu một thời hào hùng của quê hương, đất nước.
 
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại trong hồi ký: “Ngày 15/3/1945, Phủ ủy Quảng Trạch triệu tập hội nghị bất thường. Để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, ngoài những việc quyết nghị lần trước, lần này Phủ ủy nêu thêm mấy vấn đề trong đó có nội dung lập chiến khu Trung Thuần. Các cơ sở đảng gấp rút chuẩn bị tuyển chọn tự vệ đưa lên chiến khu huấn luyện. Huy động các lò rèn trong vùng rèn kiếm, đại đao trang bị cho tự vệ Việt Minh. Ngày 26/4/1945, tôi cùng anh Trần Văn Hướng ra Trung Thuần tìm vị trí lập chiến khu. Sau khi thống nhất với anh Phan Cầu, Bí thư Chi bộ Trung Thuần, tôi chọn khu vực Khe Ngang làm địa điểm trung tâm”.
 
Qua quá trình tuyển chọn, lực lượng tự vệ tổ chức thành một trung đội, quân số 34 người, nhanh chóng bắt tay vào huấn luyện. Từ chiến khu Trung Thuần, những “hạt giống đỏ” này hội quân về đình làng Lũ Phong, tham gia giành chính quyền tại phủ lỵ Quảng Trạch vào sáng ngày 23/8/1945. Cùng với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tỉnh Quảng Bình tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi hoàn toàn.
 
“Như cây non trải qua phong ba bão táp, sóng gió cuộc đời, từ một cậu bé sinh ra ở một miền quê lam lũ, bần hàn như bao miền quê Việt dưới thời đế quốc, thực dân, tôi đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành, đảm đương nhiều trọng trách mà Đảng, nhân dân, Quân đội giao phó. 76 năm hoạt động cách mạng, 80 năm tuổi Đảng, có hạnh phúc nào lớn hơn khi trọn cuộc đời mình được gắn kết với sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đảng, của nhân dân. Với tôi, niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng như chính khí trời, nước uống, cơm ăn và phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng... đó chính là lẽ sống bản thân”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Vị tướng Trường Sơn huyền thoại...

tin liên quan

Thị ủy Ba Đồn triển khai công tác xây dựng Đảng năm 2023

(QBĐT) - Ngày 17/2, Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. 

Ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài

(QBĐT) - Chiều 17/2, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023-2026. 
 

44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc: Vì độc lập, tự do

44 năm đã trôi qua, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam - Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.