Vững tin bước vào năm mới

  • 07:16 | Chủ Nhật, 01/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,96%, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010, bức tranh kinh tế-xã hội (KT-XH) của Quảng Bình trong năm 2022 đã có sự chuyển biến hết sức tích cực, nhất là trong điều kiện toàn tỉnh trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
 
Những gam màu sáng
 
Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 107.000 tỷ đồng. Trong đó có 800 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng đã được cấp đăng ký thành lập mới trong năm 2022.
"Có thể nói, năm 2022 là một năm đặc biệt, với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, từ đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình KT-XH tỉnh Quảng Bình. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp kịp thời và hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ và đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực", Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng khẳng định.
 
Tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,96%, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh và tiếp tục phát triển trong điều kiện mới; thu ngân sách vượt khá cao so với kế hoạch; thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả tích cực; các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh triển khai quyết liệt; an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng quan tâm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; an ninh trật tự được bảo đảm... Đây là những gam màu sáng trong bức tranh KT-XH của Quảng Bình năm 2022.
 
Các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh có sự tăng trưởng khá, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022 phải kể đến, đó là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,75%; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 10,86%, trong đó công nghiệp đạt 15.537 tỷ đồng, tăng 12,1%; dịch vụ tăng 7,62%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 26.900 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,59%, là một trong các địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất toàn quốc. 
 
Đặc biệt, với điều kiện ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2022, Quảng Bình đã ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội mà HĐND tỉnh thông qua.
 
Là một địa phương còn khó khăn so với trung bình chung cả nước, nhưng Quảng Bình là một trong những tỉnh luôn đi đầu về thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách đối với người nghèo, người có công với cách mạng, các chính sách miễn học phí, hỗ trợ học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số, và một số chính sách đặc thù khác, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh phục hồi sau dịch, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%.  
 
Đổi thay trên nhiều lĩnh vực
 
Năm 2022 cũng là một năm mà nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp đã được các cấp, các ngành rất quan tâm triển khai thực hiện.
 
Trong điều kiện dịch bệnh vừa được kiểm soát, Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Quảng Bình-Thích ứng-Đồng hành-Phát triển” đã được tỉnh tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2024 đã được ban hành. UBND tỉnh cùng đã ban hành kế hoạch về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hỗ trợ các dự án của các nhà đầu tư.
 
Hội nghị phân tích, đánh giá, giải pháp nâng cao chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình năm 2022 đã được UBND tỉnh phối hợp với VCCI tổ chức; Bộ phận tiếp nhận kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã được thành lập. Nhờ vậy, đã tạo được sự chuyển biến cho lĩnh vực này.
 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.
Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn có bước khởi sắc và phát triển nhanh chóng. Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Ngọc Quý phấn khởi: Quảng Bình đã tích cực chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa ngành Du lịch phục hồi, phát triển trong điều kiện mới. Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt hơn 2 triệu lượt.
 
Du lịch Quảng Bình tiếp tục được truyền thông quốc tế đánh giá cao. Hang Sơn Đoòng tiếp tục được trang Du lịch Wonderlist xếp hạng đầu tiên trong 10 hang động tự nhiên kỳ vỹ nhất thế giới; trang The Culture Trip (Anh) bình chọn, “Khám phá các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng” được bình chọn là một trong 6 hoạt động thú vị ở Việt Nam mà bất kỳ du khách nào cũng nên trải nghiệm một lần trong đời.
 
Thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển KT-XH năm 2022. Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Ngọc Đan cho hay: "Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên Đồng Hới đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Có 14/16 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 3.341 tỷ đồng, đạt 183% dự toán; hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ. Đáng chú ý, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2022 “Năm thực hiện văn minh đô thị-xây dựng đô thị thông minh” và triển khai các dịch vụ tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Các vấn đề nổi lên trên địa bàn đã được nắm bắt, xử lý tốt; công tác an sinh xã hội được chăm lo; quản lý trật tự, chỉnh trang đô thị có sự đổi thay rõ nét".
 
Một dấu ấn không thể không nhắc tới, đó là năm 2022, tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện cùng lúc 2 dự án trọng điểm: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư khoảng gần 24.283 tỷ đồng và Dự án thành phần 1-Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, gồm 3 đoạn tuyến với tổng chiều dài 80km, tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng.
 
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Năm cho biết: Với 1 dự án trọng điểm quốc gia và 1 dự án trọng điểm của tỉnh triển khai cùng lúc, có thể nói rằng, chưa bao giờ tỉnh Quảng Bình thực hiện một khối lượng công việc giải phóng mặt bằng lớn đến như vậy. Để bảo đảm cho tiến độ của các dự án quan trọng này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc hết sức khẩn trương, quyết liệt, với quyết tâm cao hoàn thành các dự án có tính động lực đúng thời hạn.
 
Bước sang năm 2023, Quảng Bình tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, điều hành của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn” trong đầu tư, tranh thủ tối đa các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
 
Nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Bình năm 2023 có nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng dù khó khăn đến đâu, Quảng Bình cũng quyết tâm vượt qua, vững tin bước vào năm mới với nhiều thành tựu mới.
 
Anh Tuấn

tin liên quan

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI, khẳng định Đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của các cấp Hội và hội viên cựu chiến binh cả nước.
 

BCH TW Đảng họp bất thường, xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên TW Đảng khóa XIII và đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên TW Đảng.