Lạc quan và không chủ quan

  • 06:09 | Thứ Ba, 03/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022 đi qua với không ít khó khăn thử thách và nhiều thành tựu tự hào. Để những mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 phù hợp với thực tiễn tình hình, quá trình xây dựng kế hoạch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng với tinh thần đánh giá đúng tình hình, lạc quan nhưng không chủ quan.
 
Những con số và sự kiện
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: Cùng với việc nhận định và đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, việc xây dựng những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 phải bảo đảm khoa học, phù hợp với diễn biến tình hình và gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Quá trình này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, không vì khó khăn mà hạ thấp các chỉ tiêu, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nhiệm kỳ.
Những con số ấn tượng của năm 2022 có thể kể đến là tốc độ tăng trưởng GRDP 7,96% (kế hoạch 6,0-6,5%); thu ngân sách 8.000 tỷ đồng, vượt 34% so với kế hoạch; có trên 2 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Bình, gấp 3,53 lần so với năm 2021, doanh thu lưu trú và dịch vụ lữ hành đều tăng gấp 5 lần...
 
Có thể nói, đây là kết quả rất đáng phấn khởi trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh bắt đầu phục hồi sau gần hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.  
 
Vui mừng với những kết quả tích cực của năm 2022, nhưng tại các hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2022, các ý kiến đã phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP gần 8% mặc dù đáng phấn khởi nhưng so với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 là 8%, thì chúng ta cần phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu cao hơn bình quân cả nước.   
 
Về thu ngân sách, báo cáo tổng kết tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 đã phân tích cụ thể cơ cấu các nguồn thu. Trong đó nổi bật là thu tiền sử dụng đất tăng 35% so với năm 2021, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số thu của cả năm. Về du lịch, mặc dù số lượt khách, doanh thu lưu trú và dịch vụ lữ hành đều tăng rất cao so với cùng kỳ (năm 2021)-nhưng đây cũng là năm du lịch gần như “đóng băng” bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên những con số nêu trên chỉ phản ánh một phần sự phục hồi của du lịch. Để du lịch trở lại “phong độ” trước thời điểm dịch Covid-19 cần sự quyết tâm và nhiều giải pháp đồng bộ.
 
Bên cạnh những con số, sự kiện nêu trên, một số tồn tại, hạn chế trong năm 2022 cũng được thẳng thắn chỉ rõ, đặc biệt là đối với 3 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,61% (kế hoạch 3,5-4,0%); tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 69,5% (kế hoạch 73%); tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 46% (kế hoạch 56%)…
 
Nhận diện đúng tình hình
 
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản của năm 2023, nhiều ý kiến đại biểu tại các hội nghị cũng đã phân tích, nhận định những khó khăn mà tỉnh cần tập trung tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo đà, tạo thế cho cả nhiệm kỳ. Đó là với tỷ lệ thu ngân sách năm 2022 từ nguồn thu tiền sử dụng đất khá cao, mục tiêu đặt ra cho năm 2023 cần cân nhắc để bảo đảm phù hợp khi thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu.
 
Về tăng trưởng GRDP, để duy trì và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, cần phải khắc phục được rất nhiều vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hỗ trợ tối đa các dự án, công trình trọng điểm; khôi phục mạnh mẽ hoạt động du lịch; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…
 Rà soát, nghiên cứu các dự án khả thi để thu hút, mời gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng năm 2023.
Rà soát, nghiên cứu các dự án khả thi để thu hút, mời gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng năm 2023.
Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 39, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã chỉ rõ, năm 2022 được chia thành hai giai đoạn, đó là sự phục hồi kinh tế khá mạnh mẽ từ đầu năm cho đến tháng 7. Từ tháng 8 đến nay, những tác động của thế giới và thị trường tài chính ngân hàng đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cả nước. Quảng Bình cũng không ngoại lệ khi thị trường bất động sản “đóng băng”, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, lao động thiếu việc làm…
 
Các mặt công tác cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án trọng điểm còn nhiều hạn chế, chậm trễ… là những thách thức mà Quảng Bình tiếp tục phải đương đầu trong năm 2023, do đó cần nhìn thẳng vào khó khăn, nhận diện sát đúng tình hình, đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp trong năm 2023.
 
Giải pháp phù hợp
 
Để khắc phục khó khăn, tạo động lực phát triển trong năm mới 2023, nhiều giải pháp đã được đặt ra như chỉ đạo và thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân vốn đầu tư công để tận dụng tối đa nguồn lực quan trọng này; tiếp tục kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng xã hội hóa; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội; tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn cho các dự án trọng điểm, dự án nhà ở, khu đô thị; rà soát và phát triển các nguồn thu bền vững; tập trung cao độ để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công và nguồn vượt thu năm 2022.
 
Về xây dựng nông thôn mới, năm 2023 tiếp tục hướng đến chiều sâu và sự bền vững với sự tham gia đầy đủ của cấp thôn, bản, sự sâu sát của người dân; bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết những khó khăn mới nảy sinh trong việc thay đổi các tiêu chí nông thôn mới đồng thời có sự nghiên cứu tình hình thực tiễn để có các đề xuất, kiến nghị; đầu tư các sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh tình trạng đối phó.
 
Trong lĩnh vực giáo dục, giải quyết tốt “bài toán” thiếu giáo viên; về xây dựng trường chuẩn quốc gia, cần rà soát kỹ, xác định nguyên nhân để tập trung nguồn lực hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra, quyết tâm vượt khó để hoàn thành mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ.
 
Cùng với xây dựng chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp trong bối cảnh mới, ngành Nông nghiệp cần tham mưu và thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ để đồng hành cùng nhân dân trong sản xuất.
 
Cùng với những giải pháp cụ thể nêu trên, trải qua gần nửa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 39, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu đề nghị cần phân tích rõ những kết quả đạt được gắn với trách nhiệm của các sở, ngành nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Bài 2: Tên người đã khuất... hóa thành tên Quyết Thắng

(QBĐT) - Rời xã Quảng Sơn, nơi xảy ra trận thảm sát B52 tang thương khi chỉ còn đúng 25 ngày nữa thôi, Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam chính thức được ký kết (27/1/1973), tôi lại đến với xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 

Bài 1: Ngày giỗ chung cho những người nằm xuống

(QBĐT) - Không biết run rủi thế nào, ngày tôi về Quảng Sơn lại đúng dịp người dân trong xã tổ chức lễ giỗ chung thường niên (ngày 28/11 âm lịch) cho những nạn nhân trong trận thảm sát B52 cách đây tròn 50 năm.

Quyết liệt bảo đảm tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Thực hiện nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ về triển khai đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cùng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt triển khai các nội dung công việc của dự án. Đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng, quyết tâm bảo đảm tiến độ của dự án.