Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 3: Khơi thông "điểm nghẽn"

  • 06:26 | Thứ Tư, 21/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định du lịch phải thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, cho thấy sự quyết tâm của Quảng Bình trong phát triển du lịch, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và phải nỗ lực đạt được. Thế nhưng, vẫn còn đó vô vàn “điểm nghẽn” cần phải khơi thông, nhất là những “điểm nghẽn” “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
 
 
Đau đầu với bài toán nhân lực…
 
Thiếu hụt nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao là khó khăn lớn nhất của ngành Du lịch Quảng Bình không chỉ sau khi tái khởi động mà trong suốt nhiều năm qua. Hai năm “đóng băng” bởi Covid-19, lao động trong ngành Du lịch đa phần đã chuyển sang các ngành, nghề khác. Số còn lại bị hao hụt kỹ năng, nghiệp vụ do không được trau dồi thường xuyên. Trong thời gian nghỉ việc, một số lao động đã bị mai một nghề do không được thực hành trong suốt 2 năm qua. Nhân lực mới không đáp ứng được yêu cầu. Dù các doanh nghiệp đã triển khai ngay việc tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực nhưng trong thực tế vẫn còn thiếu trầm trọng. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thông qua sàn giao dịch việc làm để tìm kiếm các ứng viên làm việc trong ngành Du lịch. Trong đó, chủ yếu là vị trí bếp, buồng phòng, lễ tân... Thông qua các kênh, mạng xã hội, doanh nghiệp du lịch cũng tăng tốc tìm kiếm nhân sự, tập trung đào tạo để kịp đón mùa du lịch mới. Thế nhưng, vào mùa du lịch cao điểm, tình trạng thiếu hụt nhân viên càng trở nên trầm trọng hơn. Một nhân sự phải kiêm nhiệm cùng lúc 2, 3 vị trí. Có những vị trí buộc phải tuyển nhân viên thời vụ nhưng điều đó đồng nghĩa với việc không thể đòi hỏi ở họ khắt khe về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.
 
Theo chị Trần Thị Hồng Phương, Trưởng phòng Nhân sự, Khách sạn SAM Quảng Bình, đơn vị may mắn còn giữ được số lượng lớn nhân sự như thời điểm tuyển dụng ban đầu nhưng cũng gặp khó khăn trong việc tuyển thêm nhân sự có kinh nghiệm hoặc tuyển mới để đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân là do người lao động có nhu cầu làm việc ngắn hạn để đợi tìm công việc khác, phần vì tâm lý e ngại do dịch bệnh. Hơn nữa, ngành Du lịch đang thời kỳ “đại tuyển dụng” nên khó đáp ứng được nhu cầu về số lượng lẫn chất lượng.
 
… Cùng vô vàn điểm nghẽn khác
 
Theo Sở Du lịch, trước dịch, sân bay Đồng Hới cao điểm có 26 chuyến bay trong 1 ngày. Tổng số khách tại Cảng hàng không Đồng Hới năm 2019 đạt gần 540.000 lượt khách (vượt công suất thiết kế 40.000 lượt). Thế nhưng, hiện nay, bình quân một ngày chỉ còn lại 16 chuyến, chỉ đạt khoảng 60% so với năm 2019. Số lượng chuyến bay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách muốn đi bằng máy bay, nhất là mùa cao điểm.
 
Anh Ngô Xuân Phương, Giám đốc Celina Peninsula resort (TP. Đồng Hới) cho biết, giai đoạn mở cửa trở lại ngành Du lịch, một trong những “điểm nghẽn” của du lịch Quảng Bình là số chuyến bay đến Quảng Bình còn khá ít ỏi. Điều này ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách hoặc buộc họ phải rút ngắn thời gian lưu trú.
 
“Một số khách của chúng tôi chia sẻ rằng họ rất khó khăn trong việc tìm kiếm chuyến bay đến Quảng Bình, nhất là với những khách đoàn. Nếu không đi được bằng máy bay mà đi xe, đi tàu thì phải thay đổi lịch trình, rút ngắn thời gian lưu trú. Một số khác dù rất muốn nhưng buộc phải thay đổi địa điểm do khó khăn trong lựa chọn phương tiện đi lại”, anh Phương thẳng thắn.
Phố đi bộ Đồng Hới vẫn thiếu điểm nhấn, chủ yếu là địa điểm ăn uống, chưa có nét đặc trưng.
Phố đi bộ Đồng Hới vẫn thiếu điểm nhấn, chủ yếu là địa điểm ăn uống, chưa có nét đặc trưng.

Mùa du lịch cao điểm năm 2022 với lượng khách tăng đột biến đã khiến cho ngành Du lịch lộ ra nhiều “lỗ hỏng”. Đó là tình trạng “cháy phòng” tại một số khách sạn từ 2 sao trở lên tại TP. Đồng Hới, khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và việc dồn khách cục bộ tại các điểm tham quan du lịch, nhà hàng vào dịp lễ và cuối tuần.

Thời gian qua, nhiều du khách trên các nhóm du lịch cũng phản ánh về tình trạng xuống cấp của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, chất lượng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu. Các sản phẩm du lịch vốn được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bộ mặt du lịch địa phương lại phát triển èo uột, “đầu voi đuôi chuột”. Phố đi bộ tại TP. Đồng Hới được kích hoạt lại vào tháng 4/2022. Nhưng, như đánh giá của du khách thì sản phẩm du lịch này vẫn thiếu điểm nhấn, chủ yếu là địa điểm ăn uống, chưa có nét đặc trưng. Muốn trở thành địa chỉ văn hóa và kéo dài “sức sống” thì cần có kế hoạch bài bản hơn.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, cách thức làm du lịch của nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn vẫn còn manh mún, thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm. Một số mô hình còn mang tính tự phát, “ăn xổi”, chỉ mang đến những lợi ích trước mắt chứ không đem lại những giá trị du lịch bền vững về lâu dài. Một phần lý do bởi tính thời vụ vốn mặc định với du lịch Quảng Bình lâu nay nhưng điểm mấu chốt vẫn là tư duy du lịch của phần đông người làm du lịch chưa thực sự thay đổi. Như ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình đã ví von rằng: “Làm du lịch mà như đặt “trộ” đơm cá, đợi khách lạc đường tự tìm đến với mình, không tự thay đổi tư duy, chủ động tìm kiếm cơ hội”.
 
Nghẽn ở đâu, khơi thông ở đó
 
Tại các văn bản chỉ đạo, điều hành hay trong rất nhiều cuộc làm việc với ngành Du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ hàng đầu của du lịch Quảng Bình là tập trung đầu tư công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Vì vậy, ngay khi khởi động lại hoạt động du lịch, Sở Du lịch đã triển khai những giải pháp, phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức nhiều khóa học ngắn hạn, đào tạo nghiệp vụ hỗ trợ lao động du lịch, đặc biệt ưu tiên khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, TP. Đồng Hới.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch, giải pháp trước mắt để giải bài toán nhân lực du lịch là doanh nghiệp cần cải thiện về chế độ đãi ngộ để thu hút lao động. Thay vì chờ đợi chương trình đào tạo quy mô, các doanh nghiệp cần tổ chức chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao chất lượng lao động đủ đáp ứng nhu cầu mỗi dịp khách đông.
 
Nghẽn ở đâu, khơi thông ở đó. Để giải quyết tình trạng “cháy phòng” mỗi dịp cao điểm, UBND tỉnh cần kiên quyết chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành các cơ sở lưu trú cao cấp nhằm bổ sung thêm số lượng phòng nghỉ chất lượng cao. Với dự án chậm tiến độ, cần kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Nếu các cơ sở lưu trú cao cấp đang thi công sớm hoàn thành, thì dự kiến từ năm 2023-2025 sẽ cung cấp thêm từ 1.000-1.500 phòng nghỉ đạt từ 4 sao trở lên. Ngoài ra, tỉnh cũng cần xúc tiến mở thêm các đường bay mới, tăng số chuyến bay với những đường bay có sẵn để kích cầu du lịch.
 
Chương trình hành động số 01 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tổng số lượt khách đạt từ 7-8 triệu lượt, tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành Du lịch đạt 10-12%. Thời gian không còn nhiều. Khi đã xác định du lịch thực sự là mũi nhọn cần phải có sự đầu tư thích đáng, một quy hoạch tổng thể bài bản và cơ chế đặc thù cùng những chính sách mang tính đột phá. Và rõ ràng, chương trình hành động phải thực sự… được hành động một cách mạnh mẽ, hiệu quả chứ không phải chỉ là văn bản suông.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác dân vận

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban công tác dân vận quý III/2022 do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức vào chiều nay, 20/9. 

Bế mạc lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn

(QBĐT) - Ngày 20/9, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức bế giảng lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn cho 66 học viên là bí thư, phó bí thư đoàn cấp cơ sở đến từ 8 huyện, thị, thành đoàn và 6 đoàn trực thuộc.

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 2: Từ văn bản đến hành động

(QBĐT) - Khi phát triển du lịch trở thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội, mỗi cấp ngành, địa phương và doanh nghiệp không thể khoanh tay, đứng ngoài cuộc.