Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII:

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

  • 08:02 | Thứ Hai, 01/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII.
 
* Cử tri xã Thanh Thạch (Tuyên Hóa) đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh việc chuyển mục đích và tách thửa theo Công văn số 211/UBND-TNMT, ngày 22/2/2022 của UBND tỉnh cho phù hợp tại xã nông thôn.
 
Trả lời: Theo Công văn số 211/UBND-TNMT, ngày 22/2/2022 của UBND tỉnh: “Đối với những thửa đất nông nghiệp độc lập (không phải là đất vườn, ao), chỉ cho phép chuyển mục đích sang đất ở đối với những thửa đất nằm xen kẽ trong khu dân cư có diện tích từ 1.000m2 trở xuống mà người dân thực sự có nhu cầu đất để ở trên cơ sở kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền”.
 
Quy định trên của UBND tỉnh nhằm nâng cao công tác quản lý đất đai trên địa bàn, tránh tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ), sau đó tách thửa, phân lô để đầu cơ, chuyển nhượng quyền SDĐ gây ảnh hưởng đến công tác quản lý SDĐ và thất thu ngân sách nhà nước.
 
Đối với trường hợp thửa đất đề nghị chuyển mục đích tiếp giáp với các thửa đất nông nghiệp nằm trong khu vực đã có quy hoạch chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn mà nhà nước sẽ đầu tư (phát triển quỹ đất) hoặc kêu gọi đầu tư thực hiện dự án thì yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, tuyệt đối không cho phép người SDĐ chuyển mục đích SDĐ sang mục đích khác.
Hiện mức giá thu hồi đất nông nghiệp của UBND tỉnh có mức cao hơn so với các tỉnh trong khu vực.
Hiện mức giá thu hồi đất nông nghiệp của UBND tỉnh có mức cao hơn so với các tỉnh trong khu vực.
Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu hộ gia đình, cá nhân thực sự có nhu cầu đất để ở (hiện nay chưa có đất để làm nhà ở), thửa đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, không nằm trong quy hoạch chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn, có diện tích dưới 1.000m2, phù hợp với quy hoạch SDĐ cấp huyện thì đăng ký nhu cầu chuyển mục đích SDĐ vào kế hoạch SDĐ hàng năm của huyện để trình Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở để UBND cấp huyện xem xét, cho phép chuyển mục đích SDĐ theo đúng quy định.
 
Công văn số 211/UBND-TNMT của UBND tỉnh không có quy định thửa đất nông nghiệp đơn lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư phải có 3 cạnh giáp với đất ở mới phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện.
 
Sở TN-MT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xem xét để kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy định điều kiện cho chuyển mục đích SDĐ để làm rõ hơn, cụ thể hơn trong việc áp dụng pháp luật đối với các trường hợp chuyển mục đích SDĐ.
 
* Cử tri xã Lý Trạch (Bố Trạch): Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan xem xét, bảo đảm quyền lợi cho người dân trong thực hiện dự án quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới về phía Bắc (thuộc địa phận xã Lý Trạch) với diện tích 39ha.
 
Trả lời: Dự án sân bay Đồng Hới đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với Cảng vụ hàng không miền Bắc theo quy hoạch; dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác, các ranh giới, mốc giới cũng đã được xây dựng cố định trên thực địa.
 
Phía bắc sân bay Đồng Hới thuộc Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực phụ cận sân bay Đồng Hới được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2931/QĐ-UBND, ngày 5/12/2007. Theo đó đã quy hoạch 1 sân golf 18 lỗ với diện tích 225ha. Tuy nhiên, do khu vực này không phù hợp để thực hiện dự án sân golf nên trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện Bố Trạch và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã không quy hoạch sân golf tại khu vực này mà chủ yếu quy hoạch đất ở hoặc giữ nguyên hiện trạng; tại Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch TP. Đồng Hới đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4425/QĐ-UBND, 11/11/2019 thì khu vực này được điều chỉnh sang chức năng đất hỗn hợp và đất cây xanh, mặt nước.
 
Theo quy định tại khoản 7, Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 6, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”. Điều 166 của Luật Đất đai năm 2013, quyền chung của người SDĐ là được cấp giấy chứng nhận.
 
Để bảo đảm quyền của người SDĐ, Sở TN-MT sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp UBND huyện Bố Trạch kiểm tra, rà soát lại các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu vực này để công bố công khai trước khi thực hiện hoặc có sự điều chỉnh phù hợp nếu các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng không khả thi; UBND huyện Bố Trạch hướng dẫn, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận và chuyển mục đích SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân theo thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
 
* Cử tri xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới): Đề nghị tỉnh xem xét lại mức giá khi thu hồi đất nông nghiệp của bà con, vì mức giá theo quy định hiện hành của UBND tỉnh quá thấp, người dân sau khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống.
 
Trả lời: Theo quy định tại điểm đ, khoản 4, Điều 114, Luật Đất đai, giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do cơ quan có thẩm quyền quyết định tại thời điểm thu hồi đất. Khi xác định giá đất nông nghiệp để tính bồi thường, các huyện, thành phố, thị xã thường sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh, với hệ số điều chỉnh là 1 (giá đất cụ thể đối với loại đất nông nghiệp tại thời điểm thu hồi bằng giá đất trong bảng giá đất của tỉnh và nhân hệ số 1).
 
Giá đất nông nghiệp trên địa bàn đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND, ngày 20/12/2019 trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ quy định tại Nghị định số 96/2019/NĐ-CP, ngày 19/12/2019. Mức giá đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa) trên địa bàn xã Nghĩa Ninh cao nhất là 39.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm là 39.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản là 39.000 đồng/m2 và đất rừng sản xuất là 14.000 đồng/m2. Qua so sánh thì mức giá tại tỉnh cao hơn so với mức giá tại các tỉnh trong khu vực, như: Quảng Trị (đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa) cao nhất là 24.530 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm là 25.410 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản là 16.830 đồng/m2; đất rừng sản xuất là 7.040 đồng/m2). Thừa Thiên-Huế (đất trồng cây hàng năm (bao gồm đất trồng lúa) cao nhất là 30.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm là 30.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản là 23.000 đồng/m2; đất rừng sản xuất là 5.200 đồng/m2).
 
Khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, ngoài mức giá bồi thường, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi. Theo quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất và tỉnh đã áp dụng mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất. Đây là mức hỗ trợ cao nhất theo quy định của Chính phủ (các tỉnh như: Hà Tĩnh áp dụng mức hỗ trợ từ 1,8 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất và mức cao nhất 4,5 lần; Quảng Trị chỉ áp dụng mức hỗ trợ 3 giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất; Thừa Thiên-Huế áp dụng mức hỗ trợ từ 1,5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất và mức cao nhất 5 lần).
 
Như vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế hiện nay.
 
                                                                                                                                   Bùi Thành (lược ghi)

tin liên quan

Hệ thống chính trị đến hết năm 2026 sẽ có tổng cộng 2.234.720 biên chế

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
 

Khơi dậy truyền thống anh hùng của quê hương

(QBĐT) - Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sớm giác ngộ và tham gia trên các trận tuyến bảo vệ Tổ quốc, trở về đời thường với thân thể bị mất 71% sức lao động, nhưng cựu chiến binh Trần Thanh Hồng vẫn không nghỉ ngơi mà đóng góp công sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng quê hương. 

Tổng Bí thư gửi Thư chúc mừng Diễn đàn các đảng Marxist trên thế giới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ĐCSVN luôn coi trọng và sẵn sàng mở rộng hợp tác với chính đảng Marxist và các lực lượng tiến bộ trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và thịnh vượng.