Việt Nam-Campuchia: Chung vượt thử thách, đồng lòng hướng tương lai

  • 08:15 | Thứ Sáu, 24/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về lịch sử, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế, đều khát khao giành và giữ độc lập.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2022) và Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của ông Trần Văn Thông, nguyên Tham tán Chính trị, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, điểm lại một số thành tựu cơ bản trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết hợp tác Việt Nam-Campuchia trong bối cảnh tình hình mới.
 
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về lịch sử, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế, đều khát khao giành và giữ độc lập.
 
Dân tộc Campuchia có nền văn minh Angkor huy hoàng, dân tộc Việt Nam có nền văn hiến nghìn năm. Nhân dân hai nước đều là nạn nhân của chiến tranh, có cùng khát khao, quý trọng hòa bình, mong muốn giữ mãi quan hệ hữu nghị truyền thống của hai dân tộc.
 
Sự kiện lịch sử trọng đại
 
Cách đây 55 năm, ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện chính trị trọng đại này đã mở ra thời kỳ mới, tăng cường đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia.
 
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập của mỗi nước đứng trước những thuận lợi và khó khăn thử thách lớn. Việt Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong khi Campuchia đang đấu tranh giữ gìn nền độc lập, trung lập dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Norodom Sihanouk.
 
Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/6/1967 là sự kiện lịch sử trọng đại, được nhân dân hai nước cũng như bạn bè quốc tế tiến bộ hoan nghênh, đánh giá cao.
 
Trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk ngày 23/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam-Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.”
 
Lúc sinh thời, Quốc vương Norodom Sihanouk thường nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc với lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ. Trong đó, có sự kiện ông đã dẫn đầu đoàn cấp cao Campuchia mang vòng hoa tới Hà Nội kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ trần vào năm 1969.
 
Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, Hoàng thái hậu Norodom Moninaeth Sihanouk thường nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ với nhân dân và bộ đội Việt Nam, nhất là những kỷ niệm trên đường hành quân từ Miền Bắc của Việt Nam vào chiến khu Đông Bắc của Campuchia vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
 
Cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử
 
Trong 55 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hai nước đã vượt qua những thử thách lớn để đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
 
Sau những năm tháng cùng kề vai sát cánh trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân, đế quốc, lẽ ra nhân dân hai nước cùng được hưởng quả ngọt hòa bình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng tập đoàn phản động Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu đã tiến hành chính sách diệt chủng tàn khốc, giết hại hàng triệu người dân Campuchia, xóa bỏ tận gốc rễ mọi cơ sở xã hội, đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt chủng.
 
Tập đoàn Khmer Đỏ còn tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây nhiều tội ác lớn đối với nhân dân Việt Nam. Đứng trước thảm họa diệt chủng, các lực lượng cách mạng yêu nước chân chính của Campuchia đã tập hợp lại, lập nên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia (ngày 02/12/1978), tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ Khmer Đỏ diệt chủng.
 
Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia; đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ bắt buộc, đánh đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, giải phóng Phnom Penh vào ngày 7/1/1979.
 
Thực tiễn chứng minh, với thắng lợi lịch sử 7/1, nhân dân Campuchia đã khép lại trang sử đen tối của những hố chôn tập thể và những cánh đồng chết, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia; đồng thời hồi sinh tình hữu nghị Campuchia-Việt Nam vốn bị chế độ Khmer Đỏ diệt chủng hủy diệt trong thời kỳ chúng cầm quyền (17/4/1975-6/1/1979), mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Campuchia phát triển gắn bó, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
 
Vun đắp quan hệ truyền thống tốt đẹp
 
Sau Hiệp định hòa bình Paris năm 1991 và cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ở Campuchia năm 1993, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều dấu ấn nổi bật thông qua trao đổi đoàn cấp cao, không ngừng củng cố và phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
  Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN phát)
Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: TTXVN phát)
Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước láng giềng, như phát biểu của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại cuộc gặp và hội kiến tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 26/9/2012: “Campuchia và Việt Nam là hai nước không thể tách rời, mối quan hệ quý báu giữa hai nước cần được phát huy trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước.”
 
Quan hệ chính trị được duy trì, giữ vai trò nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm củng cố quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia. Gần đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam vào tháng 12/2021, ghi nhận nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực hợp tác.
 
Trong cuộc hội kiến sau lễ đón chính thức diễn ra tại hoàng cung, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự coi trọng của Nhà nước Việt Nam cũng như cá nhân Chủ tịch nước với quan hệ gắn bó thân thiết giữa Campuchia và Việt Nam, nhấn mạnh thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước và hai dân tộc cả hiện tại và trong tương lai.
 
Trong cuộc hội kiến ngày 21/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã nhất trí thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận liên quan đến biên giới đã ký của hai nước. Trong đó, có hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% chiều dài đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, từng bước giải quyết 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc.
 
Đến nay, hai nước đã hoàn thành phân giới trên 1.045km đường biên giới, xây dựng 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí. Hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển toàn diện và ngày càng hiệu quả trong gần 55 năm qua.
 
Trong Tuyên bố chung ngày 22/12/2021, Việt Nam và Campuchia nhất trí triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh hiện có; đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là giao thông vận tải, viễn thông, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, hợp tác giữa các địa phương, thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh tiếp giáp biên giới.
 
Hai bên khẳng định ủng hộ nỗ lực sớm hoàn thành “Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030,” triển khai hiệu quả Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới.
 
Nhận định về kết quả chuyến thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ: “Chuyến thăm đã góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy giữa hai nước, cũng như tình cảm gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, củng cố vững chắc nền tảng quan hệ và tạo động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực”.
 
Theo Trần Văn Thông (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Phát huy vai trò bí thư chi bộ bản

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển Đảng ở các chi bộ miền núi là nhiệm vụ thường xuyên được các đảng bộ trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng quan tâm thực hiện. 

Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống dịch và khám chữa bệnh

Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", xây dựng hội ngày càng vững mạnh

(QBĐT) - Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", những năm qua, Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan tỉnh luôn tích cực thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động và Nghị quyết Đại hội Hội CCB Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022…