Triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính
(QBĐT) - Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, vừa tái cơ cấu ngân sách nhà nước (NSNN) hợp lý và bền vững. Trên cơ sở nội dung các nghị định của Chính phủ ban hành, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh đã hoàn toàn tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về bộ máy, về nhân sự và tài chính. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc điều hành thực hiện nhiệm vụ, tăng cường sự giám sát của cán bộ, viên chức, nhân viên...
Nhằm triển khai hiệu quả việc tự chủ tài chính của các ĐVSNCL, ngày 25/4/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL; ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL và ngày 21/6/2021, ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Cơ chế tự chủ về tài chính sẽ giúp các ĐVSNCL chủ động trong sử dụng kinh phí được giao, tăng cường hiệu quả công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng NSNN.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 703 ĐVSNCL, trong đó cấp tỉnh có 113 đơn vị; cấp huyện, thành phố, thị xã 590 đơn vị. Để triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4283/QĐ-UBND, ngày 24/12/2021 về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL thuộc cấp tỉnh quản lý, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2021-2025 của các ĐVSNLC thuộc cấp huyện, làm căn cứ trong việc chỉ đạo, điều hành, bố trí dự toán và đánh giá kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị.
Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã triển khai hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, chính sách chế độ hiện hành, nguồn kinh phí được bố trí và những khoản thu tại đơn vị, các đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý trong nội bộ đơn vị, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã tiết kiệm chi thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời tiết kiệm được kinh phí để chi thu nhập tăng thêm cho người lao động.
Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nhiều đơn vị đã đổi mới phương thức hoạt động, tiết kiệm chi, thu nhập của người lao động đã từng bước được nâng lên. Nguồn thu sự nghiệp, cùng với nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên đã góp phần bảo đảm bù đắp nhu cầu tiền lương tăng thêm cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp từng bước đã được tự chủ huy động vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động sự nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong đơn vị.
Huyện Bố Trạch có 114 ĐVSNCL, trong đó có 2 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động, các đơn vị còn lại do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết: “Với sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của UBND huyện, ngay từ đầu năm, các đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong việc quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên nhằm tiết kiệm kinh phí để có tăng thêm thu nhập cho cán bộ, viên chức trên cơ sở đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Quy chế chi tiêu nội bộ tại các đơn vị trước khi ban hành đều được tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn. Các đơn vị đã thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ các hoạt động thu, chi và giám sát, tạo quyền chủ động cho người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng đơn vị thực hiện tự chủ còn khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra. Số đơn vị thực hiện tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và đầu tư không có, hầu hết là các đơn vị tự bảo đảm một phần hoặc toàn bộ chi thường xuyên, số lượng ĐVSNCL do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động còn lớn. Điều này dẫn đến các cơ chế, chính sách của Nhà nước về tự chủ chưa phát huy được tối đa hiệu quả như kỳ vọng.
Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay: “Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tự chủ tài chính của các ĐVSNCL, giảm chi từ NSNN. Tỉnh đặt chỉ tiêu ít nhất mỗi năm chuyển đổi được 2 đơn vị từ loại hình ĐVSNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên sang ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2 ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên. Cổ phần hóa các ĐVSNCL cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát các quy định hiện hành, rà soát lại tình hình hoạt động của các ĐVSNCL để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện”.
Năm 2021, tỉnh Quảng Bình có 100% các ĐVSNCL được giao quyền tự chủ đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Trong đó, có 24 ĐVSNCL tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; 83 ĐVSNCL bảo đảm một phần chi phí hoạt động và 596 ĐVSNCL kinh phí hoạt động do NSNN bảo đảm toàn bộ.
|
Lê Mai
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.