Luôn tự soi xét lại mình để thực hiện tốt lời Bác dặn
(QBĐT) - Trong dịp vào thăm Quảng Bình, ngày 16/6/1957, tại buổi nói chuyện với cán bộ cốt cán toàn tỉnh, Bác Hồ đã có bài phát biểu quan trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng mong mỏi chân tình của Bác đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Bình trên bước đường đi tới.
Sau lời mở đầu hết sức ngắn gọn, khi nói về ưu điểm, Bác Hồ khen, trong kháng chiến, cán bộ trong và ngoài Đảng đều có tinh thần chịu đựng gian khổ, anh dũng đấu tranh bảo vệ làng, bảo vệ dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là những ưu điểm đáng khen. Từ hòa bình trở lại, đảng viên và đoàn viên ra sức lãnh đạo nông dân sản xuất, đó là việc tốt. Trong lúc phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất, cán bộ, đảng viên và đoàn viên đều lo lắng, đều ra sức tôn trọng sửa sai, riêng thanh niên có thành tích trồng cây, khôi phục đất hoang để tăng gia sản xuất. Đó là ưu điểm đáng khen.
Điều Bác Hồ khen là để khuyến khích chúng ta phát huy. Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ các khuyết điểm mà cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc sửa chữa. Đây là những điều Bác Hồ không chỉ nhắc nhở riêng với cán bộ, đảng viên ở Quảng Bình, Vĩnh Linh mà còn là sự nhắc nhở chung cho mọi cán bộ, đảng viên trong cả nước.
Khuyết điểm đầu tiên Bác nhấn mạnh là: Cứ ngồi lo tiền đồ. Tiền đồ là cái gì? Ngồi lo nhưng hỏi thì nói không ra, tiền đồ là muốn được sung sướng, vẻ vang, có phải thế không? Phải. Cứ ngồi lo tiền đồ là hiểu tiền đồ của mọi người dân, người cán bộ, người đảng viên, đoàn viên nằm trong tiền đồ dân tộc, tiền đồ cách mạng. Cách mạng ngày càng tiến, nhân dân sung sướng vẻ vang tức đảng viên sung sướng, vẻ vang chứ không tách riêng được...
Lời Bác Hồ phê bình, nhắc nhở tuy nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Tại thời điểm đó, đất nước vừa mới đi qua chiến tranh, hòa bình vừa mới được lập lại ít năm mà Bác Hồ đã thấy và dự báo, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên chớ phạm sai lầm này.
Hiện nay, khi nền kinh tế chuyển qua kinh tế thị trường, bên cạnh mặt tích cực mà những năm qua chúng ta đã biết phát huy và đạt nhiều kết quả to lớn, thì mặt tiêu cực đã làm nảy sinh nhiều nhức nhối xã hội, lòng người phân tâm. Trong đó nguy cơ chạy theo tiền tài, danh vị, coi đồng tiền là tất cả. Một số cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền chỉ chăm lo “tiền đồ” cá nhân, thu vén lợi ích của cá nhân và gia đình mình, bất chấp tất cả danh dự, tình thương và trách nhiệm.
Cùng với nạn tham nhũng là tệ lãng phí. Một thực tế hiện nay chúng ta cần nói thẳng với nhau rằng tệ nạn này đang khá phổ biến, đang là hiện tượng không bình thường trong cuộc sống. Từ công trình đầu tư tiền tỷ phải “đắp chiếu” không hoạt động được, các công trình nước sạch xây xong không có tác dụng, chợ xây xong không có người nhóm họp để dành cho trâu, bò làm nơi trú ngụ, nhà văn hóa xây đồ sộ cả năm chỉ họp một đôi lần… đến việc mua sắm trang thiết bị đắt tiền để trang trí phòng làm việc cho lãnh đạo, nhân viên, tiệc tùng ăn chơi ở một số đơn vị... Từ đó, mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng bị tổn thương, uy tín của cán bộ, đảng viên trước quần chúng bị giảm sút có phần bắt nguồn từ tệ nạn này.
Bác Hồ phê phán, khuyên bảo chúng ta và chính Người đã nêu một tấm gương mẫu mực, trong sáng về đức tính tiết kiệm. Sinh thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cổ Kim Thành kể lại, trong lần vào thăm tỉnh ta, trong bữa cơm trưa ngày 16/6/1957, khi ăn đã gần xong, thấy Bác vẫn còn ăn ngon miệng, đồng chí Thành phấn khởi đưa đũa định xắn tiếp khúc cá thu rán mời Bác nhưng Bác đã khua tay nhẹ nhàng: "Những thứ này đã ăn dở phải ăn hết. Những gì còn nguyên để dành bữa sau lại dùng". Rồi Bác lần lượt gắp những thức ăn còn dở trong mâm, trở ngược đũa chuyền lên bát đồng chí Thoan và tất cả mọi người trong bàn. Dẫu đã no nhưng ai cũng muốn ăn thật hết cho Bác vui… Ăn xong, Bác chồng bát lên bát người ăn trước bảo: “Để anh em phục vụ đỡ công”. Thật không thể nào tả hết được đức tính dung dị trong con người Bác, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ đều chuẩn mực.
Thêm một điều Bác phê phán, nhắc nhở ngay từ thời điểm đó là: Cán bộ, đảng viên không thích học tập. Ghi sâu lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên chúng ta đã cố gắng học tập và đạt nhiều kết quả to lớn. Tuy nhiên, mặt trái của việc học cũng còn nhiều điều đáng bàn. Đó là hiện tượng học nhiều nhưng làm việc không hiệu quả. Học cốt để lấy bằng cấp cho việc quy hoạch, cho thăng quan tiến chức chứ không phải học để làm việc.
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện với cán bộ cốt cán toàn tỉnh, Bác Hồ căn dặn vấn đề đoàn kết. Bác nói: Trong kháng chiến, tinh thần đoàn kết rất tốt, hòa bình trở lại thì kém, không coi nhau như ruột thịt như trước. Vấn đề này nói đi nói lại cũng nhiều rồi. Giờ nói mình có thừa không? Không, thế thì cố gắng sửa”.
Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, điều lưu tâm của chúng tôi là hầu như lá thư nào Bác Hồ gửi cho Quảng Bình, lần gặp gỡ nào của Bác đối với cán bộ, đảng viên, đồng bào, kể cả những lần Bác gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta ra Hà Nội, các đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua tỉnh Quảng Bình ra được gặp Bác, Bác Hồ đều căn dặn chúng ta phải luôn tăng cường đoàn kết. Bác dặn: “Đoàn kết càng cao, thành tích càng nhiều, thắng lợi càng lớn”.
Thực hiện lời Bác dạy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ hy sinh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình luôn đoàn kết thành một khối vững chắc. Cán bộ, đảng viên cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hết sức sâu đậm. Chính nhờ sức mạnh đoàn kết, gắn bó đó mà chúng ta đã xây dựng nên danh hiệu “Quảng Bình Hai giỏi”. Quảng Bình luôn được cả nước tin yêu, Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Phát huy truyền thống đó, trong những năm đổi mới, Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta tiếp tục tăng cường đoàn kết, làm nên những thành quả mới rất đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
Ngày nay, trên chặng đường mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ, thử thách mới. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải tăng cường xây dựng, vun đắp sự đoàn kết, thực sự chung sức chung lòng để xây dựng quê hương Quảng Bình cùng vững bước đi lên trong sự đi lên chung của cả đất nước.
65 năm đã trôi qua nhưng những điều mà Bác Hồ đã dặn dò, nhắc nhở trong dịp Người vào thăm tỉnh ta ngày 16/6/1957 mãi mãi vẫn là nỗi niềm canh cánh để mỗi cán bộ, đảng viên luôn tự soi xét lại mình, thấy rõ mình hơn và mình phải sống, phải hành động như thế nào để khỏi phụ lòng mong muốn của Bác. Lời Bác dặn năm nào với cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Bình mãi mãi còn rất mới.
Hoàng Minh
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.