Chuyện cô bé được tặng hoa Bác Hồ ngày ấy

  • 06:02 | Thứ Hai, 06/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiều 16/6/1957, cùng với bộ đội và nhân dân, học sinh Trường cấp I Đồng Hải chúng tôi cũng được vào sân vận động Đồng Hới đón Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Lần đầu tiên được thấy Bác, được nghe giọng nói ấm áp của Bác là kỷ niệm sâu sắc của một đời người. Nhưng có lẽ vinh hạnh nhất là các bạn được tặng hoa Bác Hồ ngày ấy, trong đó có Phi Thị Tuyết Ba, bạn học lớp 4A của chúng tôi. Đó là cô bé nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bạn bè thường gọi là “cô bé lọ lem” nhưng luôn là học sinh giỏi của lớp.
 
Nhớ lại kỷ niệm khó quên ấy, Tuyết Ba kể: "Nhóm tặng hoa được bố trí đứng trước lễ đài. Chú cán bộ hướng dẫn dặn: "Khi xe đoàn dừng lại các cháu phải chạy nhanh đến để tặng hoa cho Bác Hồ và các đại biểu cùng đi". Thế là, khi thấy Bác vừa bước xuống xe tôi nhanh chân chạy đến trước tặng hoa cho Bác. Thấy Bác Hồ đã nhận hoa của tôi, các bạn khác tặng hoa cho các chú, các bác cùng đi trong đoàn. Bác nhận hoa, cúi xuống xoa đầu tôi và nói: “Cháu nhớ cố gắng luôn chăm ngoan, học giỏi nhé!”. Tôi chỉ biết thưa lí nhí: “Dạ”. Lên lễ đài, có lẽ do tôi thấp bé nhất nên may mắn được các bác trong Ban Tổ chức cho đứng cạnh Bác.
 
Dưới sân vận động cả biển người sôi động, không ngớt hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! nhưng tôi chỉ biết say sưa ngắm nhìn Bác. Hình ảnh Bác, từ mái đầu tóc bạc, chòm râu thưa dài đến chiếc áo đại cán bạc màu và đôi dép cao su của Bác... luôn sống mãi trong ký ức tuổi thơ của tôi..."
 
Điều khá lý thú là khi Tuyết Ba lên tặng hoa thì cụ thân sinh của cô là ông Phi Văn Lưu, một thợ chụp ảnh nổi tiếng ở Đồng Hới được chụp ảnh Bác trong cuộc mít tinh. Những tấm hình ghi lại khi Tuyết Ba dâng hoa, được đứng cạnh Bác trong tập ảnh của gia đình là những kỷ vật vô giá đối với cô bé học trò ngày xưa ấy.
 
Học hết cấp I, tôi cùng bạn lên học trường cấp II Đồng Hải, rồi vào trường cấp III Quảng Bình, Tuyết Ba luôn là học sinh giỏi đều tất cả các môn, nhất là văn và toán. Bạn bè nể phục, có đứa còn xem người bạn gái nhỏ nhắn ấy là “thần tượng” của mình. Có lúc Tuyết Ba tâm sự: “Gia đình đông con, việc nhiều không có thời gian học ở nhà nhưng tôi đã luôn nhớ đến lời dặn của Bác: “Cháu nhớ cố gắng luôn chăm ngoan học giỏi” nên đã cố gắng tìm ra “chìa khóa vàng” để học tốt các môn”.
Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên lễ đài ngày về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh 16/6/1957 (cô Tuyết Ba thứ 2 từ phải vào).
Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên lễ đài ngày về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh 16/6/1957 (cô Tuyết Ba thứ 2 từ phải vào).

Hè năm 1964, sau thi tốt nghiệp cấp III, Tuyết Ba thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội, đó là ngôi trường mơ ước của nhiều học sinh thời đó. Khi Trường đại học Bách khoa Hà Nội phát triển chia tách thành nhiều trường đại học khác, như: Xây dựng, Cơ điện, Công nghiệp nhẹ..., nhà trường có chủ trương chọn một số sinh viên giỏi chuyển qua Trường đại học Tổng hợp để đào tạo giáo viên cho các trường đại học mới thành lập. Cuối năm thứ ba, cô được chuyển qua Trường đại học Tổng hợp học môn toán.

Tốt nghiệp loại giỏi cả hai trường bách khoa và tổng hợp, ra trường, cô được phân công về làm giáo viên dạy toán ở Trường đại học Công nghiệp nhẹ. Tưởng đời giảng viên đại học sẽ thuận lợi, nhẹ nhàng nhưng đôi vai gầy của cô giáo bé nhỏ ấy phải gánh nặng biết bao thử  thách. Cô xây dựng gia đình với một giáo viên cùng trường, được một năm và khi chuẩn bị sinh con đầu lòng thì cô phải tiễn chồng ra trận.
 
Chiến tranh ác liệt, trường thiếu giảng viên, bộ môn giao cho cô dạy hai suất, một suất của mình và một suất dạy thay cho người ra chiến trường. Vậy là mình cô phải đảm nhiệm hai giáo trình, hai giáo án khác nhau trong học kỳ. Việc đi dạy ở nơi sơ tán không dễ dàng chút nào. Đêm, vừa chăm con, vừa soạn giáo án dưới ngọn đèn phòng không tù mù, không đủ ánh sáng, hôm sau phải lên đường từ ba bốn giờ sáng vì giờ lên lớp rất sớm để đề phòng máy bay địch đánh phá. Thân gái dặm đường, phải qua đèo, qua suối và khổ nhất là những mùa đông lạnh giá, áo không đủ ấm nhưng phải vượt qua cái rét cắt da thịt của miền sơn cước.
 
Dạy ở Trường đại học Công nghiệp nhẹ được mấy năm cô lại được chuyển qua Trường đại học Ngoại ngữ dạy toán cho lớp sinh viên chuẩn bị đi học ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Một mình nuôi con, một mình “làm việc bằng hai”, có những lúc tưởng chừng không vượt qua được. Đó là khi được tin chồng bị thương ở mặt trận Quảng Trị được chuyển ra Bắc điều trị mà không có điều kiện chăm sóc. Và nhất là khi, đứa con trai út bị bệnh nặng vì di chứng của chất độc da cam không qua khỏi. Thế nhưng, với tình thương và trách nhiệm nghề nghiệp đã giúp đã cô vượt qua mọi thử thách.
 
Không biết bao nhiêu khóa sinh viên được cô và các đồng nghiệp đào tạo đã ra trường. Họ trở thành những kỹ sư, nhà nghiên cứu khoa học đi khắp mọi miền đất nước, còn cô giáo Phi Thị Tuyết Ba vẫn cần mẫn “đưa đò” suốt hơn 30 năm trên giảng đường đại học với một chữ TÂM trong sáng. Năm 1997, cô vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục".
 
Là học trò vừa giỏi văn, vừa giỏi toán năm xưa, khi trở thành giảng viên đại học gắn bó với môn toán nhưng cô vẫn còn duyên nợ với văn, thơ. Vừa dạy toán vừa làm thơ, cô trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1995. Với tâm hồn tràn ngập yêu thương cô để lại trong lòng người đọc một giọng thơ nữ đằm thắm, trữ tình với nhiều tập thơ nhiều người biết đến, như: Con lớn lên như thế nào-1988, Lời tình yêu-1991, Lỗi tại trái tim-1992, Mimôza-1996, Sóng thời gian-2000, Quà tặng-2004, Hoa trên gai-2007...  Đặc biệt, có những bài được phổ nhạc, như: Trăng khuyết làm rung động trái tim nhiều đôi lứa: “... Sao anh lại ngỏ lời. Vào một đêm trăng khuyết. Để bây giờ thầm tiếc. Một vầng trăng không tròn...”. Và đâu chỉ có tình yêu đôi lứa, hơn thế nữa đó là tình yêu đời, yêu người của một trái tim nhân hậu: “Cảm ơn người đã mến thương/cho thơ tôi đã nắng sương cùng người/Lỡ đâu sông cạn, biển vơi/thương đời... xin được khóc cười bằng thơ” (Cảm ơn người).
 
Cô bé tặng hoa Bác Hồ ngày ấy nay đã ở tuổi U80. Nhớ lời Bác dặn “chăm ngoan học giỏi” từ tuổi học trò cô vững bước vào đời, tận tụy vì sự nghiệp giáo dục-đào tạo và còn góp cho đời những trang thơ đẹp.
 
Phan Viết Dũng

tin liên quan

111 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước

Hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh; từ đó mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do.
 

Nhiệm vụ của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố

BCĐ cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban chỉ đạo TW trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
 

Phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và hưởng ứng Ngày môi trường thế giới

(QBĐT) - Hôm nay, 5/6, tại bản K-Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Tỉnh đoàn Quảng Bình đã tổ chức phát động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 2022.