Hành trình miệt mài

  • 06:27 | Thứ Tư, 04/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để có thu nhập mỗi năm gần cả tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương như hiện nay, ít ai biết được ông Hà Văn Thú (SN 1963, ở thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa) đã trải qua một hành trình rất dài, với bao nhọc nhằn, gian khó.
 
"Lên bờ"
 
Gốc gác ông Hà Văn Thú vốn là dân vạn đò trên dòng sông Gianh. Ông Thú nhớ lại, đó là cuộc sống nay đây mai đó, lấy thuyền làm nhà. Dòng sông là chốn mưu sinh. Khỏi phải kể hết nỗi vất vả, cực nhọc của người dân vạn đò. Cả nhà, 5, 7 người phải sống chen chúc trên một con thuyền chỉ vài ba mét vuông. Ai trưởng thành, lập gia đình riêng của hồi môn cũng chỉ là một con thuyền.
 
Vợ chồng ông cũng vậy. Năm 1992, ông lập gia đình, nhưng 2 vợ chồng ông phải sống cảnh vạn đò sông nước thêm 8 năm nữa. Những năm đầu, hai vợ chồng cũng không nghĩ rằng sẽ lên bờ định cư, lập nghiệp. Sau đó, vì không muốn con cái mình phải sống kiếp lênh đênh sông nước, chịu cảnh thất học, ông Thú mới quyết định lên bờ định cư và vận động người vạn đò lên cùng.
 
Chính ông, lúc đó là Phó trưởng thôn Vạn Đò làm đơn gửi xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa xin cho mọi người cùng lên bờ. Đơn của ông Thú đã được lãnh đạo xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa chấp nhận.  
Ông Thú thu mật ong trong vườn nhà.
Ông Thú thu mật ong trong vườn nhà.

Đồi Cỏ May nằm sát núi một ngọn đá vôi chỉ là một vùng đất hoang hóa, cằn cỗi. Năm 2000, ông Thú được UBND xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa cấp cho mảnh đất này. Ngày lên bờ, vợ chồng ông chỉ “giắt lưng” hơn chục triệu đồng từ việc thanh lý chiếc đò. Số tiền đó chỉ đủ để ông dựng tạm căn lều nhỏ trú mưa, tránh nắng.

Cuộc sống trên bờ cũng không sung sướng như ông nghĩ. Ban đầu, ông thấy người khác chăn nuôi, trồng trọt, ông cũng cuốc đất trồng cây, xây chuồng nuôi gà lợn, cốt để lấy cái ăn trước mắt. Cứ như vậy, suốt 10 năm đầu lên bờ, gia đình ông phải chật vật kiếm từng miếng cơm manh áo nuôi sống cả gia đình.  

Đi học kỹ thuật... nuôi lợn
 
Chẳng lẽ lên bờ, có đất ở rồi mà vẫn không thoát được cái nghèo, trong khi vợ chồng ông lúc nào cũng lao động quần quật từ sáng sớm đến đêm khuya, ông Thú trăn trở. Nhớ lại lúc đó, ông đã nghĩ muốn làm ăn lớn, phải làm lớn. Cuối cùng, ông dồn hết vốn liếng mua lợn chăn nuôi tập trung. Lứa lợn đầu tiên ông bỏ chuồng là 6 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Nhìn đàn lợn lớn lên từng ngày, vợ chồng ông cứ khấp khởi hy vọng.
 
Thế nhưng, chỉ được một thời gian, ông Thú trắng tay vì lứa lợn “khởi nghiệp” đầu tiên bị dịch bệnh. “Không có tiền, có thể vay mượn. Nhưng không thể làm liều theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” được. Muốn vậy, phải đi học kỹ thuật... nuôi lợn”, ông Thú kể.
 
Sau đó, ông quyết định đi học lớp sơ cấp thú y để trang bị cho mình kỹ thuật về chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh cho lợn. Chưa dừng lại, thời gian đó, hễ nghe ở đâu mở lớp tập huấn là ông liền xin đến học cho bằng được. Học xong, ông Thú mang kiến thức sách vở về bàn với vợ cầm “sổ đỏ” vay ngân hàng 150 triệu đồng để... nuôi lợn, làm giàu.
Ông Hà Văn Thú là một tấm gương sáng về nghị lực vượt nghèo.
Ông Hà Văn Thú là một tấm gương sáng về nghị lực vượt nghèo.

Nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật chăn nuôi, đàn lợn của gia đình ông lần lượt xuất chuồng, năm sau nhiều hơn năm trước. Không thể cùng lúc chăn nuôi quy mô lớn, ông phải dùng cách “lấy ngắn nuôi dài”, mở rộng và tăng dần số lượng đàn lợn qua hàng năm.

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn lợn, ông đầu tư mua máy xay xát vừa làm dịch vụ cho nhân dân trong vùng, vừa tận dụng xay các loại vỏ đậu lạc, khoai lang, ngô, sắn, gạo… kết hợp trồng chuối, các loại rau. Cứ như vậy, mỗi năm, riêng việc chăn nuôi lợn đã đem về cho gia đình ông nguồn thu hơn 100 triệu đồng.
 
Khi đã có “của ăn của để”, ông còn mở rộng mô hình trang trại sang chăn nuôi các vật nuôi, khác, như: Gà, bò lai, dê và nuôi ong lấy mật. Từ năm 2015 đến nay, trang trại của gia đình ông luôn duy trì ổn định 30 lợn nái, 600 lợn thịt/lứa, 1.000 con gia cầm, 25 con dê sinh sản, 15 con bò lai và 30 đàn ong lấy mật.
 
Những năm gần đây, nhận thấy người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn trong việc mua bán các mặt hàng, như: Vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, ông Thú đã đầu tư kho bãi, nhà xưởng để kinh doanh. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây, trang trại của ông cho doanh thu hàng năm khoảng 3,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông “bỏ túi” gần 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 23 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng.
 
Với những nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên làm giàu trên vùng đất khó, năm 2017, ông Hà Văn Thú được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016. Từ năm 2015 đến năm 2020, ông Thú liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Hóa Trần Thị Nhung cho biết, ông Hà Văn Thú không chỉ là tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đã giúp đỡ nhiều hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, ông Thú đã phối hợp với Hội Nông dân xã Đồng Hóa tổ chức tập huấn về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho từ 30-50 nông dân.

 
Bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Hỗ trợ nguồn vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, mỗi năm, ông Thú cũng đã nhận giúp đỡ 2-3 hộ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 20-30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn đóng góp chính quyền địa phương 10 triệu đồng/năm để xây dựng các mô hình điểm về kinh tế, có hiệu quả được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
 
Ông Hà Văn Thú chia sẻ: “Hơn ai hết, bản thân mình đã từng trải qua nhiều vất vả, khó khăn mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi rất thấu hiểu nỗi khó khăn của những người nghèo. Hơn thế nữa, bản thân là một đảng viên người công giáo, bên cạnh làm giàu cho gia đình, việc đóng góp một phần tài sản, công sức để mọi người có được cuộc sống đầy đủ hơn, thôn xóm, quê hương trở nên giàu đẹp hơn cũng là trách nhiệm của mình”.
 
D.C.H

tin liên quan

Có những ngày tháng tư như thế…

(QBĐT) - Những ngày tháng tư lịch sử 47 năm về trước như một cuốn phim tài liệu đặc biệt đang lần lượt quay trong tâm trí hàng triệu người con dân Việt, nhất là những người đã trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến giai đoạn lịch sử có một không hai đó... Và ngày 30/4, tiếng reo vui "Sài Gòn giải phóng rồi!" vỡ òa khắp 3 miền đất nước!

Vang mãi hào khí đại thắng mùa Xuân 1975

Hôm nay, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vui mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4). Kỷ niệm chiến thắng 30/4 năm nay càng thêm ý nghĩa khi cả nước đang nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng các cấp. Chúng ta đã dần kiểm soát dịch Covid-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường sau hơn 2 năm quyết liệt phòng chống dịch.

Khát vọng tương lai

(QBĐT) - Nỗ lực học tập và làm theo Bác, quê hương Quảng Bình đã có nhiều đổi thay vượt bậc. Tự hào với những thành quả đạt được, trên hành trình mới, Quảng Bình đặt ra những mục tiêu to lớn hơn.