Vượt 'bão COVID-19', đất nước vững vàng bước vào năm mới 2022

  • 13:49 | Thứ Hai, 03/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Năm 2021 để lại nhiều khó khăn, thách thức cho nền kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Cùng với sự điều hành, thích ứng linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế trong nước đã từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu, nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới, đạt 48,6 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu, nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới, đạt 48,6 tỷ USD. Ảnh: TTXVN
Điểm sáng trong xuất khẩu
 
Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.  
 
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng trên 2%; xuất nhập khẩu vượt mốc 660 tỷ USD, tăng 22,4%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 29 tỷ USD, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020…  
 
Đây là kết quả nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế".  
 
Nhìn lại hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp do tác động nặng nề của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình/hoãn, chậm trả, thậm chí dừng/hủy đơn hàng. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.
 
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các Chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Chính vì vậy mà không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các chương trình kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến, đa dạng thị trường thay vì chỉ xuất khẩu sang những thị trường truyền thống. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.
 
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Nếu như trước kia, nhóm hàng nông, thủy sản đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nhưng hiện tại nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chủ yếu để xuất khẩu liên tục ở mức cao. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo và dần chuyển dịch sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
 
 Ngoài ra, có thể thấy các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã, một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại thị trường đích. Đặc biệt, sau một thời gian các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới đi vào thực thi, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động và linh hoạt hơn trong khai thác cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu.  
 
Linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế
 
Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025, với "giải pháp đủ mạnh", "thời gian đủ dài", "quy mô đủ lớn", Việt Nam tập trung vào tăng cường năng lực y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đẩy mạnh đầu tư công và cải cách hành chính, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH bền vững với tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP... trong năm 2022.
 
Quán triệt Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp và các chính sách tập trung hỗ trợ cả về thể chế hành chính và về tín dụng - tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
 
Vận hành linh hoạt và hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa, nợ công kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu. Tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các xu hướng số hóa và tự động hóa. Cải cách thể chế phát triển và phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và kinh tế đô thị. Đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các FTA thế hệ mới và các mô hình kinh tế mới, mở rộng không gian kinh tế trong nước và đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, ổn định hiệu quả, an toàn. Tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở khai thác tốt vị thế đối ngoại vững chắc và điểm đến hàng đầu trong Đông - Nam Á về thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác nhu cầu nội địa.
 
Trong những ngày đầu năm mới 2022, các địa phương vẫn duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển KT-XH.
 
Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang được đẩy mạnh theo hướng coi trọng thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, giải trí online ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước.
 
Những thành công có được trong năm 2021 là nhờ sự chỉ đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng từ lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, phân cấp, phân quyề; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Đây sẽ là tiền đề để chúng ta bước vào năm 2022 với khí thế mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới Nhâm Dần.
 
Thống kê cho thấy, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020. Nhờ vậy cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.
 
Theo V.T/Báo Tin tức
 

tin liên quan

'Việt Nam tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế'

Trong thông điệp, Chủ tịch nước nhấn mạnh "Chung tay với cộng đồng quốc tế ngày nay, là một Việt Nam mới tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững."
 

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Bố Trạch

(QBĐT) - Sáng 31-12, tại thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch), tổ đại biểu HĐND tỉnh gồm các đại biểu: Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Công Toán, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch; Trần Sơn Tùng; Phan Thị Quyên đã có buổi tiếp xúc với cử tri 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 31-12, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do đồng chí Trần Vũ Khiêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì.