"Việc thông qua Luật thể hiện quyết tâm trong công tác xây dựng luật pháp"

  • 10:58 | Thứ Hai, 10/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng nay, 10/1/2022, tại phiên thảo luận trực tuyến của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Quang Minh đã tham gia thảo luận về dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Báo Quảng Bình xin giới thiệu nội dung ý kiến của đại biểu.

 Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu tại phiên thảo luận sang 10/1/2022
Đại biểu Trần Quang Minh phát biểu tại phiên thảo luận sáng 10/1/2022

Kính thưa Chủ toạ kỳ họp!

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết, tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này. Về cơ bản, nội dung dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội. Các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Việc thông qua Luật sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, củng cố an ninh, thể hiện rõ ràng sự quyết tâm trong công tác xây dựng luật pháp - một trong 3 khâu đột phá về thể chế, chính sách, hạ tầng mà Quốc hội khoá XV đặt ra.

Thứ nhất, về dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư:

Việc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết nhằm đảm bảo đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này. Tuy nhiên, về khả năng đội ngũ cán bộ của các tỉnh làm việc với đối tác nước ngoài cũng là vấn đề cần tính toán, chuẩn bị kỹ càng, bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có quy định rõ ràng, hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện.

Thứ hai, về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư:

Dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng phân cấp cho các địa phương UBND tỉnh trong việc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị. Qua đó, phân cấp mạnh mẽ hơn, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai, về lâm nghiệp, nếu chỉ thực hiện phân cấp, tăng thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị thông qua điều chỉnh Luật Đầu tư mà chưa điều chỉnh các pháp luật khác có liên quan thì việc phân cấp vẫn chưa triệt để, chưa đồng bộ giữa các luật và thực tế khi thực hiện sẽ gặp khó khăn vướng mắc.

Do vậy, kính đề nghị xem xét điều chỉnh các pháp luật khác có liên quan (đất đai, lâm nghiệp,…) đảm bảo đồng bộ với luật đầu tư để thuận lợi trong quá trình thực hiện, tránh chồng chéo vướng mắc giữa các luật.

Thứ ba, về một số nội dung cụ thể tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu:

Việc bổ sung quy định về “việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này” là hết sức cần thiết để dành thêm thời gian chuẩn bị thực hiện dự án, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vì một số ách tắc, chậm giải ngân như thời gian vừa qua, hoàn thành dự án theo đúng thời hạn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Ở Điểm 5. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (“c) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật nhà ở): Tôi băn khoăn về tác động của điều luật này. Cụ thể: Nếu các cá nhân nhỏ lẻ có quyền sử dụng đất, nằm trong khu vực quy hoạch, nếu xin được chuyển quyền sử dụng đất là có thể tự chuyển được thành các dự án nhà đầu tư thương mại. Điều này dẫn tới chênh lệch địa tô, ngoài ra, năng lực của nhà đầu tư không chắc chắn đảm bảo… sẽ dẫn đến việc thất thoát nguồn lực của nhà nước. Vì thế, đề nghị đối với Luật Đầu tư, cần có cơ chế để điều chỉnh, đặc biệt đối với những dự án lớn, nhà nước nhất thiết phải đứng ra thu hồi đất, thực hiện đấu thầu công khai, bảo đảm khách quan, tránh thất thoát.

Thứ tư, về một số nội dung cụ thể tại Dự thảo Luật Điện lực

Trước hết, tôi cho rằng. việc xây dựng hệ thống truyền tải với sự cho phép tư nhân tham gia sẽ nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân. Đồng thời, việc xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ sẽ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, trước lo ngại việc xã hội hoá phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh, tôi cho rằng, nếu nhà nước quản lý, vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng gì mà còn có lợi cho dân. Chính vì thế, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của Nhà nước, công đoạn nào tư nhân có thể tham gia, xã hội hoá để quản lý rõ ràng vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa phát triển được hệ thống điện quốc gia nhưng doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất và người dân cũng được hưởng lợi.

T.Q.M

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng

(QBĐT)- Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu Diễn văn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), được tổ chức sáng 22/12 tại tỉnh Quảng Bình.

Quảng Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng

(QBĐT) - Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng" được Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, trở thành nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh khẳng định cùng nhau làm hết sức mình để giữ gìn, vun đắp mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Lào và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.