"Nghị quyết được thông qua sẽ khắc phục hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện hành"

  • 16:48 | Thứ Sáu, 07/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hôm nay, 07/01/2022, tại phiên thảo luận trực tuyến, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã phát biểu về Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên thảo luận chiều 07/01/2022
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên thảo luận chiều 07/01/2022

Tôi tán thành cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về thẩm tra Tờ trình dự thảo Nghị quyết. Theo đó, Tờ trình chỉ ra cơ sở, căn cứ vững chắc để xây dựng giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Hy vọng Nghị quyết được thông qua sẽ khắc phục hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện hành với các lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Có thể nói, đây là nghị quyết mang tính lịch sử để hỗ trợ một cách kịp thời, tạo sự đột phá, nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025. 

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, tôi xin có một số ý kiến:

Thứ nhất: Về thời hạn áp dụng Chương trình hỗ trợ, tôi tán thành quan điểm chương trình phải được tiến hành trong thời hạn nhất định để tránh sự dàn trải, lãng phí. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, liệu thời hạn 2 năm đã đủ để tiếp cận, hấp thu hết tác động của chính sách hay chưa, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vì thủ tục tiến hành phải qua nhiều bước với các quy trình, thủ tục như hiện nay là khó khả thi. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, xem xét để quy định thời hạn phù hợp đối với từng gói dự án trong chương trình.

Thứ hai: Đối với nội dung các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết và tin rằng tác động của chính sách tiền tệ này sẽ hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh đại dịch.

Với độ phủ rộng, đối tượng cho vay lớn bao gồm nhiều lĩnh vực như y tế, du lịch…, các chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ một cách tương đối toàn diện cho nền kinh tế phục hồi bền vững. Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình triển khai cần cân nhắc lựa chọn những lĩnh vực thực sự chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh để có chính sách lọc được những lĩnh vực chưa cần thiết hỗ trợ cấp bách, thậm chí nếu hỗ trợ sẽ tạo nên hiệu ứng ngược (như bất động sản, chứng khoán…).

Thứ ba: Về chính sách hỗ trợ đối với những lĩnh vực đặc thù như ngành y tế, giao thông vận tải, tôi hoàn toàn tán thành, bởi lẽ, hạ tầng cơ sở, cùng các ngành kinh tế cơ bản như nông nghiệp sẽ là những “bệ đỡ” vững chắc để phục hồi kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, tôi băn khoăn khi chính sách đối với giáo dục-đào tạo chưa được đề cập tới nhiều, dù đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều, sâu rộng tới toàn xã hội; hệ thống trường, lớp vùng sâu, vùng xa hiện phát triển chưa tương xứng với nhu cầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu có giải pháp để hỗ trợ nhiều hơn cho những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như ngành dịch vụ du lịch, hàng không, đường sắt… Ví dụ có thể cân nhắc giải pháp giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh sang mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất.

Thứ tư: Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, đề nghị nghiên cứu tăng “độ phủ” cho các cá nhân chịu ảnh hưởng nhiều trong đại dịch như công nhân, người Việt Nam lao động tại nước ngoài về nước, các tiểu thương tại thành thị phải di cư… chưa được đề cập nhiều trong dự thảo Nghị quyết để nhằm bảo đảm mục tiêu “không có ai bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể: đối với nội dung cho vay giải quyết việc làm theo kênh vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, hộ nghèo, cận nghèo đã ít dần. Tuy nhiên, các hộ gia đình có thu nhập trung bình có nhu cầu vay vốn rất lớn, đặc biệt là đối tượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Chính vì thế, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu mở rộng đối tượng cho hộ có thu nhập ở mức trung bình được tiếp cận vay vốn của NHCSXH nhằm giải quyết được nhu cầu việc làm cho đông đảo người dân, xem đây như một động lực để phục hồi kinh tế.

Thứ năm: Đối với danh mục các Phụ lục dự án đầu tư kèm báo cáo số 01 của Chính phủ, đề nghị việc lựa chọn, lĩnh vực, dự án đầu tư đưa vào Chương trình, tôi nhất trí với các ý kiến các đại biểu đã phát biểu trước là cần có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, bảo đảm minh bạch để lựa chọn địa phương được thụ hưởng đầu tư, tránh tình trạng so bì, không minh bạch trong việc lựa chọn. Bởi lẽ, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, địa phương nào cũng bị ảnh hưởng (tuy mức độ khác nhau), nếu không căn cứ các tiêu chí cụ thể, không có sự đánh giá tác động thụ hưởng dự án thì có thể bỏ sót đối tượng hỗ trợ hoặc dễ xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.

Theo đó, trên cơ sở nhu cầu đăng ký của địa phương, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân đối để trong quá trình tiến hành rà soát, lựa chọn các địa phương, các hạng mục đầu tư cần chú trọng một số yếu tố, như: Địa phương đó có mức độ ảnh hưởng như thế nào trong đại dịch? Các ngành kinh tế chủ đạo của địa phương là gì, đối tượng, phạm vi như thế nào? Đặc biệt, trong các hạng mục đầu tư đường cao tốc Bắc-Nam, cho nông nghiệp như nội dung xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở ven biển, kè sông, kè biển, kiên cố hồ đập… cũng cần ưu tiên các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ. Theo đó, lưu ý các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó có Quảng Bình, là các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lũ.

Cuối cùng, tại khoản 2, Điều 5 Dự thảo Nghị quyết, để bảo đảm thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đề quy định phù hợp cụ thể “Cho phép chủ đầu tư” hay “nhà thầu thi công xây dựng” được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát xây dựng dự án làm vật liệu XD thông thường...

N.M.T

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài quân sự, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng

(QBĐT)- Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu Diễn văn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), được tổ chức sáng 22/12 tại tỉnh Quảng Bình.

Bố Trạch: Tăng cường giải pháp xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện

(QBĐT) - Chiều 6/1, Ban Chỉ đạo xây dựng cơ sở huyện Bố Trạch tổ chức hội  nghị tổng kết nhiệm vụ XDCS vững mạnh toàn diện năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

Chiến thắng Pol Pot: Thắng lợi của tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia

Nhờ sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.