Ý kiến của cử tri về kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII

  • 08:43 | Thứ Bảy, 11/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra đã được cử tri trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu một số ý kiến của cử tri qua theo dõi kỳ họp lần này.
 
Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được thảo luận tại kỳ họp
 
Ông Trần Thanh Hải, xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch)
 
Qua theo dõi kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, bản thân tôi thấy rất phấn khởi trước những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh trong thời gian vừa qua.
 
Tại kỳ họp, những vấn đề quan trọng, nổi cộm mà cử tri quan tâm đã được các đại biểu thảo luận như: Giải pháp để dịch Covid-19 không lây lan, bùng phát; tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển du lịch; vấn đề lấn chiếm đất đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản... Đặc biệt, các đại biểu đã chất vấn các nội dung mà cử tri bức xúc như: Dự án chậm tiến độ; tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên các dòng sông; ô nhiễm do khai thác đá..., đã được các sở, ban, ngành giải trình, trả lời cụ thể.
 
Tôi mong muốn, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII đưa ra được nhiều giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà những năm tiếp theo; đồng thời tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quan tâm đến những vấn đề mà cử tri phản ánh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Đ.N (thực hiện)
 
Ổn định sinh kế cho lao động về quê tránh dịch
 
Ông Nguyễn Viết Minh, giáo xứ Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn)
 
Qua theo dõi kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, tôi rất phấn khởi với những kết quả tích cực đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2021 của tỉnh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến được các đại biểu thảo luận trong kỳ họp lần này. Các vấn đề được thảo luận đều sát với tình hình thực tiễn, phản ánh đúng nguyện vọng của đông đảo cử tri.
 
Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Dịch bùng phát và kéo dài, nhất là ở các đô thị lớn phía Nam gây đình trệ các hoạt động sản xuất, nhiều lao động phổ thông, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp mất việc làm hoặc phải nghỉ việc về quê tránh dịch. Lực lượng lao động này về quê khá nhiều và có nhu cầu cấp thiết về học nghề, tìm việc làm, vay vốn để phát triển kinh tế.
 
Bởi vậy, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành để người dân trở về từ vùng dịch có việc làm phù hợp cũng như được tiếp cận được chương trình đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi.
 
Tôi cũng tin tưởng những quyết sách đúng đắn được HĐND tỉnh thông qua lần này sẽ khôi phục, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhanh chóng thích ứng trong trạng thái bình thường mới.
X.P (thực hiện)
 
Tạo việc làm, đào tạo nghề tại chỗ cho thanh niên nông thôn, miền núi
 
Anh Đinh Minh Tặng, Bí thư Đoàn xã Thanh Thạch (Tuyên Hóa)
 
Qua theo dõi kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, tôi được biết, mặc dù tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, song kết quả thực hiện các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 của tỉnh vẫn đạt cao.
 
Đặc biệt, thời gian gần đây, trước diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn, tỉnh đã tổ chức kiểm soát, khống chế, xử lý kịp thời hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu lên được những vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ở khu vực nông thôn, miền núi, nhiều lao động thanh niên, đặc biệt là các công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê không có việc làm nhiều.
 
Vì vậy, thời gian tới, chính quyền các cấp trong tỉnh cần đưa ra các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, đào tạo nghề tại chỗ cho các đối tượng thanh niên, người lao động và gắn với nhu cầu thực tế, cụ thể địa phương; xây dựng, hỗ trợ, giúp đỡ các mô hình phát triển kinh tế để thanh niên ở khu vực nông thôn, miền núi lập thân, lập nghiệp
D.C.H (thực hiện)
 
Đầu tư thêm các dự án hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
Ông Cao Duy Ư, người có uy tín ở bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn (Minh Hóa)
 
Qua theo dõi trên báo, đài về kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, tôi rất vui mừng khi được biết, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, trách nhiệm, đoàn kết của nhân dân nên KT-XH của tỉnh năm 2021 vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.
 
Cử tri chúng tôi đồng tình với phương pháp điều hành của Thường trực HĐND tỉnh và ghi nhận ý thức, trách nhiệm cao của các vị đại biểu HĐND tỉnh. Các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn thảo luận, chất vấn, chuyển tải lên kỳ họp những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân quan tâm.
 
Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên toàn tỉnh nói chung và ở huyện Minh Hóa nói riêng đã được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, nhìn chung, cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
 
Chính vì vậy, thông qua kỳ họp HĐND tỉnh, tôi mong muốn thời gian tới, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của ĐBDTTS, trong đó, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án hạ tầng thiết yếu và an sinh xã hội cho vùng ĐBDTTS và vùng núi, từ đó giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…
P. Phương (thực hiện)
 
Quản lý chặt chẽ, công khai các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19
 
Ông Trần Văn Minh, cán bộ hưu trí, thôn 5, xã Trung Trạch (Bố Trạch)
 
Qua theo dõi kỳ họp HĐND tỉnh, tôi nhận thấy, các đại biểu HĐND dành nhiều thời gian, tập trung trí tuệ, nghe và đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các giải pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
 
Ngoài việc tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện kế hoạch trong năm tới, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thảo luận, nêu lên những vấn đề được người dân quan tâm, đáp ứng được lòng mong mỏi và sự đồng tình của cử tri. 
 
Hiện, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, song với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực của các cấp, ngành, của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trên địa bàn tỉnh, bước đầu, Quảng Bình đã khoanh vùng, cơ bản kiểm soát được tình hình. Cũng như cử tri huyện Bố Trạch nói riêng, toàn tỉnh nói chung, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với lực lượng tuyến đầu, các y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an, tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên đã làm việc quên mình, dấn thân hoàn thành nhiệm vụ để góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của nhân dân trước đại dịch nguy hiểm.
 
Về các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, tôi mong và đề nghị tỉnh chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vắc-xin của người dân; quản lý chặt chẽ và công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
 
Trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các hành vi lôi kéo, xúi giục, tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Hương Trà (thực hiện)
 
 
Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động hiệu quả hơn
 
Chị Nguyễn Linh Chi, Bí thư Đoàn phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới)
 
Qua theo dõi kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, tôi nhận thấy Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chất lượng với nhiều nghị quyết quan trọng được thông qua nhằm thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian tới.
 
Vấn đề mà tôi quan tâm nhất là các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất vấn; các sở, ngành liên quan trả lời chất vấn của đại biểu và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh. Tại kỳ họp này, do tình hình phức tạp của dịch Covid-19, HĐND tỉnh đã tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri qua văn bản để các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan giải quyết, trả lời.
 
Tôi đánh giá rất cao phần trả lời nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, đại biểu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời thẳng thắn, không né tránh những vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm, như: Giải pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ) tại một số tỉnh, thành phố phía Nam về quê phòng, chống dịch; thực trạng nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề không tìm được việc làm; một số ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tháo gỡ khó khăn cho thị trường LĐ đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19…
 
Tuy vậy, tôi mong muốn chính sách hỗ trợ NLĐ, trong đó có lực lượng đoàn viên, thanh niên bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 triển khai hiệu quả hơn. Theo đó, vấn đề đặt ra không chỉ hỗ trợ về tiền mặt, mà cần hỗ trợ NLĐ tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định, quay lại thị trường LĐ để vượt qua giai đoạn khó khăn; xây dựng phương án phát triển thị trường LĐ ngoài tỉnh, ngoài nước để giảm bớt áp lực việc làm trong tỉnh; hỗ trợ NLĐ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ...
N. L (thực hiện)
 
Đánh giá đúng thực trạng để tháo gỡ khó khăn cho người lao động
 
Đỗ Thị Thành, cơ sở may Trung Hiếu, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh)
 
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, cử tri chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi bởi mặc dù điều kiện còn khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2021 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Bình vẫn thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất.
 
Cử tri chúng tôi nhận thấy các báo cáo được trình bày tại kỳ họp lần này đã được các cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ánh được nhiều vấn đề sát thực liên quan đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh thời gian qua.
 
Các ý kiến phát biểu của đại biểu đã bám sát tình hình thực tiễn và các vấn đề đặt ra trên địa bàn tỉnh, như: Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn; sản xuất nông nghiệp và việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; an toàn trong dạy học; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nông thôn mới... Nhiều vấn đề cử tri gửi gắm đã được các cơ quan chức năng tiếp nhận, lựa chọn, tổng hợp và giải đáp một cách tương đối cặn kẽ.
 
Cử tri chúng tôi mong muốn các đại biểu HĐND sẽ đánh giá đúng thực trạng việc làm, đời sống của người lao động để có giải pháp tháo gỡ khó khăn và đề ra những định hướng, chỉ tiêu kế hoạch sát với thực tế; luôn quan tâm nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là người lao động, tạo điều kiện cho công nhân, lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.
Th. H (thực hiện)
 
Cần có thêm những chính sách để hỗ trợ chăn nuôi
 
Anh Tạ Công Ngọc, thôn 2 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy)
 
Thời gian qua, người nông dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy nói chung và bản thân tôi nói riêng cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phục hồi và phát triển sản xuất.
 
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn gia cầm khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, những tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi nhiều sản phẩm từ chăn nuôi không thể lưu thông, giá bán lại xuống rất thấp. Có thời điểm, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-35% trong khi giá bán gà, vịt, lợn hơi... giảm từ 15-20% nên chúng tôi phải chịu lỗ.
 
Qua kỳ họp lần này, tôi thấy các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình khi mang những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân đến với kỳ họp. Qua đây, tôi cũng mong các đại biểu HĐND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm, hỗ trợ người nông dân nhiều hơn nữa. Trong đó, cần có các giải pháp để bình ổn hoặc hạ giá thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, liên kết với các cơ sở tiêu thụ, chế biến để thu mua sản phẩm chăn nuôi. Các ngân hàng có chính sách giảm lãi, giãn lãi cho người nông dân đang gặp khó khăn; hỗ trợ thêm những gói vay mới để chúng tôi tiếp tục tái đầu tư sản xuất…
 
Xuân Vương (thực hiện)

tin liên quan

Đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 10-12, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát huy tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, nỗ lực vượt khó, thích ứng, sáng tạo, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra (*)

(QBĐT) - Ngày 10-12, HĐND tỉnh khóa XVIII đã tiến hành bế mạc kỳ họp thứ 4 sau 3 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, khoa học và trách nhiệm cao. Tại phiên bế mạc, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng.

65 năm-Một chặng đường phát triển

(QBĐT) - Ngày 16-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ký Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chuyên trách về kiểm tra đầu tiên của Đảng. Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương là một tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công tác xây dựng Đảng. Và ngày 16-10-1948 đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Kiểm tra Đảng.