Toàn quốc kháng chiến – khẳng định phẩm giá dân tộc

  • 21:50 | Chủ Nhật, 19/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
75 năm trước, vào đêm 19-12-1946, với ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.
 
 Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12-1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12-1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Tiếng súng Toàn quốc kháng chiến thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mở đầu thiên anh hùng ca bất diệt của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh, khẳng định phẩm giá của dân tộc quyết chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của đất nước đã được hình thành và càng được khẳng định qua hành trình đấu tranh chống ngoại xâm, trở thành giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam.
 
Chưa đầy 1 tháng sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, đội quân viễn chinh Pháp đã nổ súng xâm lược Việt Nam, hòng đưa dân ta trở lại vòng nô lệ. Để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập, tự do, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì các biện pháp hòa bình để tránh cuộc chiến tranh do thế lực thực dân hiếu chiến gây ra. Thay mặt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Với Pháp rất đơn giản, là Chính phủ buộc Pháp phải công nhận nền độc lập của nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng”[1] và Người khẳng định: “Với dân chúng Pháp chịu thừa nhận quyền độc lập Việt Nam thì vẫn thân thiện và sẵn sàng bảo vệ sinh mạng và tài sản”[2].
 
Trước hành động xâm lăng của quân đội thực dân, Đảng ta kêu gọi đồng bào miền nam vững chắc tay súng, chiến đấu chống lại quân thù, mặt khác chúng ta sẵn sàng “Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình…, thì điều kiện căn bản của cuộc điều đình ấy là người Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, còn ngoài ra có thể thương lượng để dung hòa quyền lợi của hai bên… Nhưng phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam”[3].
 
Ngược lại, thực dân Pháp không ngừng mở rộng phạm vi đánh chiếm ra Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đồng thời thương lượng với Chính phủ Trùng Khánh để đưa quân ra miền bắc Việt Nam thay thế quân Tưởng. Hiệp ước Pháp-Hoa được ký vào ngày 28-2-1946 đã không tính đến lợi ích của nhân dân Việt Nam. Với Hiệp ước đó, giới cầm quyền Trùng Khánh đã mở đường cho quân Pháp đưa quân tràn ngập lãnh thổ Việt Nam.
 
Trước tình thế đó, Đảng ta chủ trương hòa để tiến, quyết định tạm thời hòa hoãn với Pháp. Thực hiện chủ trương này, tại các cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị dùng khái niệm “tự do”, thay cho “độc lập”, “tự trị”. Đó có thể coi là sự nhân nhượng nhằm cho các cuộc đàm phán thoát khỏi sự bế tắc, để ngày 6-3-1946, Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp được ký kết. Theo đó, Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu dân ý. Phía Việt Nam đồng ý để 15 nghìn quân Pháp vào thay thế quân Trung Hoa dân quốc. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm, mỗi năm rút 1/5 quân số. Quân đội hai bên ngừng bắn và giữ nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán tại 1 trong 3 nơi là Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris.
 
Quân và dân Thủ đô lập chốt chiến đấu trên phố Hàng Bài. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân và dân Thủ đô lập chốt chiến đấu trên phố Hàng Bài. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tuy nhiên, với dã tâm xâm lược, Pháp luôn vi phạm các điều ước đã được ký kết. Thực chất, Pháp coi Hiệp định sơ bộ chỉ là hợp thức để đưa quân ra miền bắc khỏi đối đầu với lực lượng vũ trang của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn phía ta, ký kết Hiệp định sơ bộ nhằm “hóa giải” Hiệp ước Pháp-Hoa, đồng thời đẩy nhanh quân Tưởng về nước, kéo dài thời gian hòa hoãn để chuẩn bị thực lực và cũng là mong muốn tìm kiếm giải pháp để giữ hòa bình, giữ nền độc lập, tự do. Do vậy, các cuộc đàm phán ở Đà Lạt và Fontainebleau đều thất bại, bởi Pháp vẫn không chấp nhận quyền thống nhất và độc lập của Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian đang diễn ra đàm phán tại Fontainebleau, Pháp đã tiến hành hàng loạt hành động xâm hại đến chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Điển hình là Pháp cho ra đời cái gọi là “Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ tự trị” (1-6-1946), tiến công lấn chiếm toàn bộ Tây Nguyên và xúc tiến lập “Xứ Tây Kỳ tự trị” (22-6-1946); âm mưu gây hấn ở Hà Nội, tạo cớ phát động chiến tranh (tháng 7-1946); tổ chức “Hội nghị trù bị và nghiên cứu quy chế liên bang” tại Đà Lạt với thành phần là những kẻ thân Pháp ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, Tây Nguyên, Lào và Campuchia (1-8-1946),…
 
Những hành động kể trên và thái độ thực dân của Pháp trên bàn đàm phán là điều mà Việt Nam không thể chấp nhận được. Không nhân nhượng Pháp trong các nội dung đàm phán ở Fontainebleau cho thấy tính nguyên tắc, thể hiện phẩm giá quyết giữ độc lập tự do của Việt Nam. Cuộc đàm phán tan vỡ, nguy cơ của một cuộc chiến tranh trên quy mô cả nước đến gần. Để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến và tỏ rõ thiện chí của Việt Nam, ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Bộ trưởng Marius Moutet, đại diện Chính phủ Pháp bản Thỏa hiệp tạm thời (Modus vivendi), thường gọi là Tạm ước 14-9. Với 11 điều khoản, trong đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục nhân nhượng Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa; hai bên cùng ngừng bắn ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thả tù chính trị, tù binh và thực thi các quyền tự do, dân chủ ở những vùng đất này và sẽ tiếp tục quá trình đàm phán Việt-Pháp từ tháng 1-1947. Đây là biện pháp mang tính tình thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn, tránh sự đổ vỡ hoàn toàn của Hội nghị Fontainebleau, để cho chúng ta có thêm thời gian củng cố lực lượng. Đồng thời, cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội đàm phán tránh chiến tranh. Nhưng đây cũng “là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa và phạm đến chủ quyền đất nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”[4].
 
Tuy vậy, trái với thiện chí của Việt Nam, Pháp vẫn làm ngơ và tăng cường khiêu khích. Những ngày cuối năm 1946, tình hình trở nên hết sức căng thẳng. 0 giờ ngày 30-10-1946, thực dân Pháp không chịu ngừng bắn ở miền nam theo quy định trong Tạm ước. Ngày 20-11, chúng nổ súng đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn - 2 cửa ngõ đường bộ và đường thủy quan trọng của nước ta. Chính thức công khai dùng sức mạnh quân sự để thôn tính Việt Nam. Mọi nỗ lực tìm kiếm cơ hội để giữ vững độc lập tự do bằng biện pháp hòa bình đã bị chặn đứng.
 
Trải qua hàng nghìn năm chiến đấu vì độc lập, tự do, hơn 80 năm chống lại sự xâm chiếm của thực dân Pháp, với phẩm giá của dân tộc quyết hy sinh tất cả để giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam mong muốn đất nước được hòa bình, Tổ quốc được độc lập, dân tộc được tự do. Nhưng thực dân Pháp đã không cho chúng ta được hưởng quyền mặc nhiên đó mà ngày càng leo thang, tỏ rõ ý đồ dùng sức mạnh quân sự để tái xâm lược nước ta.
 
Tại Hà Nội, từ ngày 15-12-1946, quân Pháp liên tiếp các hành động gây hấn, như đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Ngày 17-12, cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra vụ tàn sát nhiều đồng bào ta ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây xung đột đổ máu ở cầu Long Biên, khu Cửa Đông. Ngày 18-12, Tướng Morlière - chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ, 3 lần gửi tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô, tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20-12 sẽ hành động. “Việt Nam bị đặt trước 2 con đường: Một là khoanh tay cúi đầu trở thành nô lệ; Hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập”[5]. Với phẩm giá của một dân tộc được tôi rèn qua hàng nghìn năm đấu tranh bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc, đêm 19-12-1946, toàn thể nhân dân ta đã đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với “biết bao uất hận, nổ thành sức mạnh xung thiên”[6], “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[7].
 
Winston Churchill, Thủ tướng Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, người lãnh đạo nước Anh cùng phe Đồng Minh chống phát xít đã nói: “Những người quỳ xuống để có hòa bình sẽ nhận lấy sự nhục nhã và chiến tranh”[8], nhân dân Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách để tránh chiến tranh, giữ độc lập tự do cho dân tộc, nhưng chúng ta không tìm kiếm bằng sự “quỳ xuống” mà bằng tư thế của nước có chủ quyền, với nguyên tắc: phía Pháp phải tôn trọng độc lập, tự do; phía Việt Nam bảo đảm quyền lợi cho Pháp một cách bình đẳng. Và khi đã đến bước nhân nhượng cuối cùng, với phẩm giá của một dân tộc anh hùng, quyết hy sinh vì lợi ích đất nước, nhân dân ta đã bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với niềm tin tất thắng. Đó là hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc Việt Nam, giữ gìn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Philippe Devillers, nhà sử học người Pháp đã nhận định: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không hành động gì để chống lại”[9]. Dân tộc Việt Nam không ươn hèn, với phẩm giá của mình, nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị mọi mặt để cầm súng chiến đấu và giành chiến thắng. Lịch sử đã chứng minh: Toàn quốc kháng chiến - sự khẳng định phẩm giá dân tộc Việt Nam.
 
Ngày 19-12-1946, quân và dân ta Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ trong tương quan hết sức chênh lệnh, một bên là quân đội nhà nghề, thiện chiến, có sự giúp sức của thế lực đế quốc, một bên là dân tộc ta vừa trải qua nạn đói kinh hoàng, quân đội mới hơn 2 năm thành lập, chính quyền cách mạng chưa được củng cố, đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn,... Nhưng với sức mạnh được xây nên bằng ý chí quyết tâm giữ vững độc lập tự do, chúng ta đã chủ động bước vào cuộc kháng chiến với niềm tin tất thắng. “Dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc chúng ta”. Tinh thần đó, ý chí đó là cội nguồn để chúng ta chiến đấu, giành chiến thắng, khẳng định phẩm giá của dân tộc, là động lực cho xây dựng đất nước hôm nay, để thực hiện thành công khát vọng hùng cường như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định.
 
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, (1945-1946), Nxb CTQG, Hà Nội , 2011, tr.41.
 
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, (1945-1946), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.49.
 
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, (1945-1946), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr 85,86.
 
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội 2001, tr 148.
 
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, (1945-1946), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.536.
 
[6] Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tập 2, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1976, tr.22.
 
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, (1945-1946), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.534.
 
[8] Benjamin F. Martin, France in 1938, Louisiana State University Press, 2006, tr.219.
 
[9] Philippe Devillers, Cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Tạp chí Quốc tế, Pari, tháng 2/1949, tr 37, 38.
 
Theo Đại tá, TS Lê Thanh Bài (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
 

tin liên quan

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Ấn Độ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ.
 

Các sở, ngành, địa phương trả lời kiến nghị của cử tri

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung cử tri quan tâm.

Hội đàm và ký Biên bản hợp tác Quảng Bình-Khăm Muộn

(QBĐT) - Thực hiện chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Bình (nước CHXHCNVN) và Khăm Muộn (nước CHDCND Lào), sáng nay, 17-12, tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đoàn đại biểu cấp cao hai tỉnh đã tổ chức hội đàm và ký Biên bản hợp tác.