"Cần đánh giá thật toàn diện quy định về phiên tòa trực tuyến trước khi thực hiện trên diện rộng"

  • 14:34 | Chủ Nhật, 24/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng nay, 24-10, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Báo Quảng Bình lược ghi ý kiến thảo luận của đại biểu Nguyễn Minh Tâm.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại phiên họp buổi sáng 24-10.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận tại phiên họp buổi sáng 24-10.

Mở đầu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng; các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSNDTC) tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC); đồng thời thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (UBTP).

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng tán thành với ý kiến mà UBTP kiến nghị đến Chính phủ, Viện KSNDTC,TANDTC, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước; đồng tình kiến nghị Quốc hội chỉ đạo tổng kết các luật liên quan đến tư pháp, từ đó kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn.

Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tham gia một số ý kiến. Cụ thể, về quan điểm, chủ trương định hướng, đại biểu đồng tình và khẳng định: Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về cải cách tư pháp từ những năm 2005, đây cũng là xu thế toàn cầu trong thời kỳ hội nhập. Đến nay, khu vực ASEAN chỉ còn 4 nước (Lào, Căm-pu-chia, Myanmar và Việt Nam) chưa thực hiện hình thức phiên tòa này. Chính vì thế, nghị quyết sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực trong bối cảnh thế giới đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị quốc gia.

Xét tình hình thực tế, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid - 19, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết  về tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ là giải pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế án tồn đọng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng chỉ ra tại Tờ trình của TANDTC và Báo cáo thẩm tra của UBTP  nêu rõ “về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng”, do đó, để có cơ sở cho việc tổng kết báo cáo Quốc hội sau thời gian thực hiện, đề nghị cơ quan tham mưu soạn thảo Nghị quyết (NQ) nghiên cứu bổ sung quy định này vào nội dung NQ để làm cơ sở căn cứ cho tổng kết rút kinh nghiệm.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng nêu một số vấn đề để Quốc hội và các đại biểu xem xét, cân nhắc, góp phần bảo đảm tính khả thi của NQ khi được thông qua, như:

Dù xét xử trực tuyến cũng được coi là xét xử trực tiếp, liệu hình thức xét xử này có đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai không khi mà chỉ có người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng được tham gia phiên tòa, được biết đến phiên tòa?

Về nguồn lực, Tờ trình chưa thể hiện việc đánh giá về nguồn lực đi kèm để có thể chỉ ra tính khả thi ngay tại thời điểm NQ và Thông tư có hiệu lực (theo Dự thảo là từ 1-1-2022).

Trên cơ sở nội dung dự thảo của Thông tư liên tịch giữa TANDTC- VKSNDTC-BCA, tại khoản 2 Điều 7 nêu rõ: Quy định điểm cầu thành phần đối với phiên tòa tối đa không quá 3 điểm cầu (ngoài điểm cầu trung tâm là toà án còn có 2 điểm cầu khác cho mỗi phiên toà). Với hệ thống, quy mô, cơ sở vật chất thực tế của Tòa, Viện, Công an... hiện nay, đai biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng nguồn lực để đầu tư bảo đảm cho việc thực hiện một phiên tòa trực tuyến theo Thông tư như đã nói trên là không nhỏ. Được biết việc thực hiện quy định lấy lời khai, hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình đến nay vẫn chưa thực hiện được. Do đó, đề nghị nên cân nhắc nguồn kinh phí để đầu tư hạ tầng công nghệ cho phiên toàn xét xử trực tuyến. Kinh phí này lấy từ nguồn nào? Mất thời gian bao lâu để trang bị trong lúc nguồn Ngân sách nhà nước cả Trung ương và địa phương rất khó khăn như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng nêu rõ: Phiên toà trực tuyến chỉ thực hiện khi có đơn của người có kháng cáo, của đương sự khác liên quan đến kháng nghị (trong xét xử hình sự phúc thẩm) hoặc phải có đơn của đương sự (trong xét xử dân sự, hành chính...) thì liệu với số kinh phí bỏ ra đầu tư hạ tầng cơ sở trên toàn quốc có lãng phí không nếu số lượng phiên toà trực tuyến được mở để xét xử quá ít, không thường xuyên? (tại Tờ trình không thể hiện đánh giá và thống kê trong năm có bao nhiêu vụ án chậm xét xử, đặc biệt là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua).       

Với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét, theo hướng có lộ trình thí điểm tại một số tỉnh thành, trong đó quan tâm thí điểm ở các địa phương khó khăn hơn về kinh tế, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ dân trí hạn chế, để có đánh giá thật toàn diện quy định này trước khi thực hiện trên diện rộng.

Ngọc Mai (lược ghi)

  

  

 

tin liên quan

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về các dự án luật và báo cáo, tờ trình

(QBĐT) - Hôm nay, 23-10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hoàn thành ngày làm việc thứ 4, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV với nội dung thảo luận về các dự án luật, các báo cáo, tờ trình.

Tổ chức vòng chung kết hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi

(QBĐT) - Sáng 23-10, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) tỉnh tổ chức vòng chung kết hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi năm 2021 tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và phong trào "Văn hóa doanh nghiệp".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ

Sáng 22-10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.