Nỗ lực xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi vững mạnh

  • 07:27 | Thứ Bảy, 25/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên cạnh thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi. Bằng những kế hoạch, chương trình phù hợp để đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS, đến nay, hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi cơ bản được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.    
 
Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc và miền núi, hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp để đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Các địa phương có ĐBDTTS tập trung rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị nơi đây để có các giải pháp củng cố, kiện toàn, thay đổi phương thức hoạt động.
 
Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, các cấp ủy đảng đã phân công cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, uy tín về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt; phân công từng cấp ủy viên và đảng viên làm công tác tạo nguồn, có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ các chi bộ trong công tác phát triển đảng viên.
Cán bộ, công chức xã miền núi biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) luôn năng động, nhiệt tình, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Cán bộ, công chức xã miền núi biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) luôn năng động, nhiệt tình, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Là huyện miền núi của tỉnh nên việc phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Minh Hóa xác định là giải pháp căn cơ, hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho hay: “Bằng việc thực hiện lồng ghép các giải pháp, chính sách đi kèm để tập trung cho công tác phát triển nguồn nhân lực, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã nói chung cơ bản bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh.
 
Trên cơ sở kết quả bước đầu, huyện đang phấn đấu đến năm 2025 có đủ nguồn cán bộ để đổi mới khoảng 30% cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) giữ các chức danh lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể cấp huyện và cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã, thị trấn; có từ 15% cán bộ nữ trở lên, từ 5-10% cán bộ là người DTTS tham gia các chức danh lãnh đạo quản lý cấp huyện và cấp xã, thị trấn”.
 
Trước yêu cầu của thực tiễn, những năm qua, Đảng bộ huyện Tuyên Hóa luôn chăm lo, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và đạt kết quả quan trọng. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; trong đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và chủ yếu là đại học. Riêng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, trên 45% có trình độ thạc sỹ, 82,6% trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị.
 
Theo ông Bùi Thanh Chuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa, để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở địa phương, Đảng bộ huyện đang ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực theo hướng toàn diện về đạo đức, trí tuệ, năng động, sáng tạo, có năng lực tự học và tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Theo đó, huyện đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kết hợp sử dụng cán bộ là người DTTS và cán bộ người Kinh để bổ sung cho nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
 
Nhờ quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ là người DTTS nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đến nay, 100% cán bộ là người DTTS công tác tại các cơ quan cấp huyện có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trên 50% cán bộ cấp xã có trình độ THPT.
 
Chất lượng đội ngũ được nâng lên, hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là chi bộ, ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội ở các thôn, bản được củng cố và kiện toàn. Từ đó, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác dân tộc và vận động ĐBDTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới.
 
Cùng chung tay xây dựng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội luôn chú trọng phát huy các nhân tố mới để xây dựng và phát huy vai trò, vị trí đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong ĐBDTTS.
 
Các lực lượng vũ trang đóng quân, công tác trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi đã chủ động phối hợp với các huyện, xã có ĐBDTTS xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tuyên truyền, vận động ĐBDTTS tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng ĐBDTTS, khu vực biên giới cơ bản ổn định, không có các điểm nóng, vụ việc phức tạp nổi lên.
 
Ông Phan Công Khánh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “So với những năm trước đây, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc và miền núi được nâng lên, đời sống mọi mặt của ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng, tỷ lệ hộ khá ngày càng tăng, cơ bản không còn hộ đói; hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng giảm.
 
Đây là những điều kiện quan trọng để ĐBDTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, chung tay cùng nhân dân tỉnh nhà phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh”.
 
Nhiệm kỳ 2021-2026, toàn tỉnh có 133 đại biểu HĐND các cấp là người DTTS (43 đại biểu nữ); trong đó, có 1 đại biểu cấp tỉnh, 5 đại biểu cấp huyện và 127 đại biểu cấp xã. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã kết nạp 299 đảng viên là người DTTS.
 
Hiền Chi

tin liên quan

Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Lan tỏa điển hình đoàn viên công đoàn thi đua làm theo lời Bác

(QBĐT) - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng được các cấp công đoàn quan tâm triển khai và tạo được những bước chuyển biến tích cực trong cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CBCNVCLĐ). 

Lệ Thủy: Quán triệt Chuyên đề toàn khóa về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"

(QBĐT) - Ngày 23-9, Huyện ủy Lệ Thủy tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề toàn khoá về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng - Chuyên đề năm 2021. Đồng chí Lê Vĩnh Thế, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy chủ trì hội nghị.