.
Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới:

Nâng cao chất lượng phản biện xã hội từ đề án xã hội hóa

.
08:27, Thứ Bảy, 21/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong giai đoạn 2021-2025, TP. Đồng Hới chủ trương tiếp tục triển khai các đề án xã hội hóa mới, trong đó, thực hiện đề án xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư TP. Đồng Hới giai đoạn 2021-2025 được xem là cần thiết.
 
Vì vậy, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận xã hội, Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án và nhận được những ý kiến đóng góp tích cực với tinh thần xây dựng và dân chủ.
 
Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới, mục đích của công tác phản biện xã hội là phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Do đó, thời gian qua, Mặt trận các cấp thành phố đã tập trung giám sát, phản biện trên các lĩnh vực, vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
 
Đáng chú ý, Ủy ban MTTQVN thành phố tiến hành phản biện nội dung dự thảo đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư TP. Đồng Hới giai đoạn 2021-2025 nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để hoàn thiện dự thảo và sớm ban hành thực hiện đề án, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn thành phố đồng bộ, hiện đại, bảo đảm mỹ quan đô thị, đáp ứng các tiêu chí của một đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
 
Hiện nay, hệ thống thoát nước của thành phố có 199km (gồm hệ thống thoát chung 121km và hệ thống thoát nước thải R3 78km). Tuy nhiên, qua khảo sát nhu cầu cần thiết, nhiều hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư chưa được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài gần 148km.
 
Nhưng hệ thống tuyến cống chính thành phố đã được đầu tư xây dựng trên 7 xã, phường, gồm: Đồng Hải, Đồng Phú, Nam Lý, Bắc Lý, Hải Thành, Đức Ninh Đông, Phú Hải mới đủ điều kiện để xây dựng thoát nước R3 đấu nối.
 
Chính vì vậy, đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư TP. Đồng Hới giai đoạn 2021-2025 chỉ thực hiện trên 7 xã, phường trên với tổng chiều dài thực hiện là 25km với 90 tuyến công trình.
 
Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom thoát nước thải R3 đạt 55%, công suất thu gom tại Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh đạt khoảng 15.000m3/ngày, đêm.
 
Dự kiến tổng kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến thoát nước R3 trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 là 58,6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp tỷ lệ 20% chi phí xây dựng (không tính các chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng…) gần 10,1 tỷ đồng. Đề án cũng đưa ra các giải pháp về thực hiện, như: Kỹ thuật, vốn, công tác giải phóng mặt bằng…
 
Đáng kể, đề án không sử dụng kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng mà các địa phương phối hợp với Ủy ban MTTQVN xã, phường và các tổ chức chính trị-xã hội vận động nhân dân tự nguyện thực hiện giải phóng mặt bằng.
 
Xuất phát từ thực trạng chung và nhu cầu triển khai đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư, hầu hết đại diện một số cán bộ, trưởng ban công tác mặt trận, bí thư chi bộ ở các khu dân cư đều thống nhất, đồng tình cao với chủ trương, mục tiêu của đề án.
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư đã thu được những ý kiến đóng góp tích cực.
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư đã thu được những ý kiến đóng góp tích cực.
Bởi lẽ, đây là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết lần thứ XXI của Đảng bộ TP. Đồng Hới về việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị loại II, phấn đấu xây dựng thành phố có kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, sớm đưa Đồng Hới thành thành phố du lịch.
 
Việc thực hiện thắng lợi đề án không chỉ có ý nghĩa làm cho thành phố sạch, đẹp, văn minh mà còn khơi dậy phong trào vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp kinh phí xây dựng nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phản biện của người dân cũng đòi hỏi chính quyền các cấp tiếp tục nhìn nhận và phát huy vai trò chủ thể, chủ động và tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
 
Ông Trần Đình Dinh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho rằng, đề án cần đánh giá cụ thể thực trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện nay của thành phố và sự cần thiết để việc xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trên địa bàn.
 
Đơn cử, như: Khu dân cư đã hình thành, trong đó chưa có quy hoạch về hệ thống thoát nước thải R3 hoặc có quy hoạch nhưng chưa đầu tư; một số khu vực người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố và không còn đất để lắp đặt tuyến R3…
 
“Về giải phóng mặt bằng, cần lường trước việc các nhà đầu tư xây dựng hết đất ở phía sau, khi đó nếu chọn phương án xây dựng tuyến R3 phía trước thì kinh phí sẽ rất lớn (vì phải đục nền nhà, thu gom tháo dỡ đường và hoàn trả lại mặt đường), trong khi kinh phí đó chưa được dự trù nên khi triển khai từng dự án cụ thể vốn đầu tư sẽ tăng lên nhiều, ảnh hưởng đến kế hoạch bố trí vốn của địa phương, gây khó thực hiện và chậm trễ trong quá trình triển khai. Vì vậy, đề án cần xác định các giải pháp phù hợp và dự tính kinh phí đúng, sát với thực tế, nhất là dự kiến kinh phí sẽ trượt giá khoảng 10% nên tổng mức phải tính theo lũy tiến, ví dụ, năm đầu là 14,65 tỷ thì năm sau khoảng 16,1 tỷ đồng…”, ông Trần Đình Dinh có ý kiến thêm.
 
Ông Đỗ Quý Doạn, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 1, phường Đồng Hải cũng bày tỏ quan điểm, các đơn vị liên quan cần làm việc trực tiếp với các tổ dân phố ở các địa phương để khảo sát thực tế, thu thập thông tin và xây dựng đề án bảo đảm chính xác từng vị trí, địa điểm, tên đường, tên tổ dân phố…
 
Có như vậy, đề án khi triển khai mới không bị vướng mắc và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, một trong những vấn đề đáng lưu tâm là tỷ lệ nhân dân đóng góp 20% nên cân nhắc và xem xét để đưa xuống 10-15%, bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề cho kinh tế các hộ gia đình...
 
Thực tế cho thấy, các ý kiến phản biện xã hội đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, đề án, dự án, chương trình của địa phương, nhất là bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.
 
Bà Nguyễn Thị Bá, Trưởng ban Công tác mặt trận tổ dân phố 12, phường Nam Lý cho hay, cần đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm đối với từng địa phương, từ đó mới có kế hoạch tuyên truyền, vận đồng, lấy ý kiến nhân dân, tạo sự nhất trí cao trong khu dân cư.
 
Mặt khác, các nhà thầu khi thi công các công trình, hạng mục phải tuân thủ theo hình thức cuốn chiếu và làm dứt điểm từng tuyến, đoạn, ngõ từ khởi công đến hoàn chỉnh trả lại mặt đường nhằm tạo điều kiện để nhân dân đi lại và bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu dân cư…
 
Đối với việc triển khai thực hiện dự thảo đề án xã hội hóa xây dựng hệ thống thoát nước thải R3 trong khu dân cư TP. Đồng Hới giai đoạn 2021-2025, Ủy ban MTTQVN thành phố nhận được gần 20 ý kiến phản biện với nhiều nội dung kiến nghị chất lượng, phù hợp, đáp ứng việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
 
Thông qua đó, đề án sẽ hoàn thiện, nâng cao chất lượng trước khi ban hành; đồng thời, tạo đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân để chủ trương nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống cho nhân dân.
 
“Phản biện xã hội của MTTQ là phương thức cơ bản để Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan chú ý lắng nghe tiếng nói của người dân (và các thiết chế của nhân dân) khi ban hành các quyết định, nhất là các vấn đề trọng đại của quốc kế dân sinh, hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Từ đó, giúp Đảng, Nhà nước tiếp cận, đánh giá vấn đề một cách đa diện, nhiều chiều nhằm hạn chế, phòng ngừa việc quyết định chủ quan, một chiều hoặc mang tính áp đặt…”, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới cho biết.
 
Thùy Lâm
 
 
,
  • Các sở, ban, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

    (QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình điện tử lược ghi một số nội dung trả lời của các sở, ban, ngành về những vấn đề cử tri quan tâm.

    21/08/2021
    .
  • Các sở, ban, ngành trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

    (QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của các sở, ban, ngành về những vấn đề cử tri quan tâm.

    20/08/2021
    .
  • Dấu ấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp

    (QBĐT) - Cách đây 110 năm, quê hương Quảng Bình với vị mặn mòi của biển cả, cái nắng chói chang của những cồn cát và truyền thống trung dũng, kiên cường đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ nước Việt Nam DCCH (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

    20/08/2021
    .
  • Đồng Hới mùa thu tháng Tám

    (QBĐT) - Với người dân Việt Nam, mùa thu năm 1945 là mùa thu lịch sử không thể nào quên. Và riêng người dân Quảng Bình, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra nhanh gọn và thắng lợi triệt để là niềm tự hào của bao thế hệ. 

    19/08/2021
    .
  • Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khoa giáo trên địa bàn tỉnh

    (QBĐT) - Ngày 13-8-2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khoa giáo trên địa bàn tỉnh. Báo Quảng Bình điện tử đăng nguyên văn nội dung chỉ thị như sau: 

    19/08/2021
    .
  • Một số nội dung mới trong Quy định thi hành Điều lệ Đảng

    Ngày 30-7-2021, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng (Quy định số 24-QĐ/TW).

    19/08/2021
    .
  • HĐND huyện Minh Hóa khóa XX tổ chức kỳ họp thứ 2

    (QBĐT)-Ngày 18-8, HĐND huyện Minh Hóa khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 2 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh...7 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021.

    19/08/2021
    .
  • Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: Cội nguồn thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945

    Cách mạng tháng Tám tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cuộc cách mạng lấy dân làm gốc, đoàn kết, tập hợp nhân dân, "lấy sức ta giải phóng cho ta", đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước. 

    19/08/2021
    .