.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một vĩ nhân đặc biệt

.
11:01, Thứ Hai, 23/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) là cuộc đời của một vĩ nhân, không những thế, còn rất đặc biệt. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, lối suy nghĩ và hành động của một bộ phận đông đảo người dân, đến chiều hướng phát triển của đất nước.
 
Không chỉ là vĩ nhân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một con người đặc biệt. Sự đặc biệt này thể hiện rất rõ trong toàn bộ cuộc đời xuyên qua hai thế kỷ XX và XXI của ông.
 
Là người làm công tác nghiên cứu lịch sử, tôi có may mắn được gặp trực tiếp, được nghe Đại tướng phát biểu ở hội nghị, hội thảo; lại được nghe kể nhiều về ông, đọc những bài, những sách ông viết; đọc các bài, các sách của những nhà nghiên cứu, tướng lĩnh, chính khách trong và ngoài nước, các cán bộ dưới quyền và người dân viết về ông. Qua nghiên cứu, có thể nêu lên những điểm đặc biệt về một bậc vĩ nhân Võ Nguyên Giáp như sau.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội có tuổi thọ cao nhất và có thời gian tham gia hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho dân, cho nước dài nhất.
 
Mặc dù rất bận rộn khi còn làm việc cũng như khi đã nghỉ hưu (1991), nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có ý thức cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn, giữ cho tinh thần thanh thản. Đại tướng thường ngồi thiền, đánh đàn dương cầm, đọc sách, chăm chút cây hoa trong vườn, nên luôn minh mẫn, khỏe mạnh cho dù tuổi ngày càng cao. Việc giữ cho tâm hồn luôn an nhiên, tự tại, làm chủ mọi công việc và sinh hoạt đời thường, luôn động não suy nghĩ… đã giúp cho Đại tướng đại thọ.
 
Trong số những vị tướng chỉ huy Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, duy chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Quân đội duy trì một văn phòng giúp việc, có các sỹ quan cao cấp đương chức làm thư ký, sau khi Đại tướng đã nghỉ hưu. Chỉ sau khi Đại tướng qua đời, văn phòng mới kết thúc sau 23 năm hoạt động. Đây là một minh chứng cho thấy khả năng làm việc bền bỉ và cống hiến lâu dài của Đại tướng đối với Quân đội, đất nước.
 
Đại tướng được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó những trọng trách khi còn trẻ tuổi và đã hoàn thành xuất sắc chức trách được phân công.
 
Cuối năm 1941, sau khi ở nước ngoài về, Võ Nguyên Giáp được giao phụ trách công tác quân sự của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Lúc đó, ông tròn 30 tuổi. Ngày 22-12-1944, ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đơn vị chủ lực tiền thân của QĐND Việt Nam. Ngày này được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội ta hàng năm.
 
Ngày 15-5-1945, Võ Nguyên Giáp được giao làm Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân. Trước khi cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra, ông được Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào, bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng.
 
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Ủy ban Dân tộc giải phóng cải tổ thành Chính phủ lâm thời, ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lúc này, ông mới 34 tuổi. Sau cuộc tổng tuyến cử (6-1-1946) bầu ra Quốc hội, ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ đầu tiên.
 
Tại kỳ họp này, theo sự phân công của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện đoàn kết dân tộc, vận động người có tài năng ra gánh vác công việc của đất nước, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, dành chức vụ này cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ yêu nước nổi tiếng. Quốc hội đã thành lập tổ chức Quân sự ủy viên hội (gọi tắt là Quân ủy hội). Ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quân ủy hội.
 
Tháng 11-1946, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia khi mới 35 tuổi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946), ông đã lãnh đạo, chỉ huy Quân đội triển khai cuộc chiến tranh nhân dân, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân từng bước vững mạnh. Ghi nhận công lao, đóng góp và để động viên ông tiếp tục thực hiện trọng trách được giao, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho ông. Lúc này, ông mới 37 tuổi và là người được phong cấp hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta.
 
Phần lớn cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó với Quân đội.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có 35 năm ở trong Quân đội với những chức vụ và cấp hàm cao nhất (1944-1979). Ông là người duy nhất đảm đương các chức danh, chức vụ cao nhất và liên tục về Đảng, chính quyền trong Quân đội. Đó là chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy (đến 3-1949 đổi là Tổng Tư lệnh); Tổng Chính ủy, Bí thư Trung ương Quân ủy, Tổng Quân ủy (đến 1-1961 đổi là Quân ủy Trung ương) trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Không những thế, ông còn là vị tướng trực tiếp cầm quân ra trận. Ông tham gia làm chỉ huy trưởng (Tư lệnh) và Bí thư Đảng ủy tất cả các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuy không trực tiếp làm Tư lệnh các chiến dịch quân sự, nhưng Đại tướng đã chỉ đạo các chiến dịch, cuộc tiến công chiến lược, tổng tiến công, nổi dậy ở miền Nam và triển khai thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Những công lao, đóng góp của ông trong xây dựng Quân đội lớn mạnh, trưởng thành được cán bộ, chiến sỹ ghi nhận, đánh giá cao và tôn vinh là “người Anh Cả của Quân đội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu
Võ Nguyên Giáp là vị tướng đã đương đầu và đánh thắng tất cả các thế lực thực dân, phát xít, đế quốc, phản động quốc tế xâm lược và có mặt ở Việt Nam. Không chỉ là nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng còn là tác giả của nhiều luận văn về quân sự, chính trị, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Là người không được đào tạo cơ bản về quân sự nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có tài năng thiên bẩm về lĩnh vực này. Ông đã kế thừa xuất sắc, vận dụng sáng tạo truyền thống chống giặc ngoại xâm oai hùng của dân tộc, được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện, được các cán bộ, chiến sỹ dưới quyền và nhân dân đồng lòng, giúp đỡ, ủng hộ. Đại tướng đã góp phần xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi học thuyết về chiến tranh nhân dân, học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó chính là cẩm nang quân sự độc đáo, là cơ sở vững chắc bảo đảm cho chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược như: Thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, quân đội Campuchia dân chủ của tập đoàn Pôn Pốt-Iêng Xary, quân đội Trung Quốc. Trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng, coi đó là phương châm sống, luôn đặt lợi ích chung lên trên hết và đạo của người làm tướng: Trí-Nhân-Dũng-Tín-Liêm-Trung, coi đó là kim chỉ nam cho hành động.
 
Ngoài lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn tỏ rõ tài năng xuất sắc trên nhiều lĩnh vực.
 
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1937, Đại tướng tham gia tích cực vào lĩnh vực báo chí. Ông là biên tập viên nhiều tờ báo của Đảng và báo chí tiến bộ bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp; được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ của phong trào Đông Dương đại hội (4-1937) khi mới 26 tuổi. Cũng trong năm này, ông cùng với Trường Chinh xuất bản cuốn Vấn đề dân cày. Tác phẩm có giá trị về lý luận, là cơ sở cho việc chỉ đạo thực tiễn công tác nông dân của Đảng, đồng thời cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc của ông về giai cấp đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam.
 
Sau khi Nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ được thành lập, mặc dù đang là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng Đại tướng còn được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công cả công tác ngoại giao. Ông đã chủ động gặp Phái bộ Mỹ, gặp đại diện của Pháp, gặp các sỹ quan chỉ huy Quân đội Trung Hoa Dân quốc đang ở miền Bắc dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật đầu hàng… để tìm hiểu, nắm ý đồ, hành động của các đối tượng này, giúp Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương, biện pháp đối phó phù hợp, hiệu quả. Ông đã tích cực tham gia đàm phán với phía Pháp, để ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và phụ lục về quân sự kèm theo Hiệp định Sơ bộ, hạn chế được số quân Pháp được phép vào miền Bắc và thời hạn quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc…
 
Năm 1980, Đại tướng chuyển công tác ra khỏi quân đội, tiếp tục đảm đương chức vụ Phó Thủ tướng (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), phụ trách khoa học-kỹ thuật. Trên cương vị mới, ông có những đóng góp quan trọng, chỉ đạo công tác khoa học, kỹ thuật. Ông đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên; chiến lược biển Việt Nam; đóng góp ý kiến cho Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; quan tâm đến vấn đề cải tạo và bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng...
 
Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng của nhân dân, được thế giới tôn vinh và kính trọng.
 
Thật hiếm có một nhân vật nào khi còn sống đã được người dân tôn vinh như một huyền thoại. Tài năng, đạo đức, tác phong của Đại tướng trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày trở thành hình mẫu cho mọi tầng lớp nhân dân học tập, noi theo. Nếu trong Quân đội, ông là người Anh Cả, là một vị tướng quý từng giọt máu của mỗi chiến sỹ, là Chính ủy của các chính ủy, Tư lệnh của các tư lệnh, Tướng của các tướng, thì với nhân dân, ông là vị tướng trong lòng dân.
 
Tin Đại tướng qua đời (4-10-2013) gây nên sự bàng hoàng, tiếc nuối sâu sắc không chỉ đối với người dân Việt Nam mà với cả nhiều người trên thế giới biết ông. Lễ tang của ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tổ chức trang trọng, là dịp để người dân cả nước thể hiện sự tri ân, nhớ thương một con người bình dị đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Ông đã sống một cuộc đời thật có ý nghĩa, được dân tin, dân yêu và thương nhớ.
 
Tôi rất tâm đắc câu đối của một nhà giáo viết kính tặng Đại tướng, đúc kết cuộc đời của một vĩ nhân: "Văn lo vận nước Văn thành Võ-Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn". Nhà nghiên cứu Vũ Khiêu cũng kính tặng Đại tướng đôi câu đối nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của ông: "Võ công truyền quốc sử-Văn đức quán nhân tâm". Đại tướng là danh từ chỉ một cấp bậc trong hệ thống cấp bậc quân sự nói chung, nhưng với ông, người dân khi nói chuyện với nhau, chỉ cần nói hai từ Đại tướng là người đối thoại đã hiểu là nói về Võ Nguyên Giáp. Đây là một điều rất đặc biệt.
 
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
                                                                (Viện Lịch sử Đảng)

 

,