.

Chuyện quản lý: "Cán bộ nào, phong trào ấy…"

.
07:24, Thứ Sáu, 27/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực tế cho thấy, “cán bộ nào, phong trào ấy”, nếu cán bộ năng động, sáng tạo, bám sát cơ sở, dám nghĩ dám làm, lăn lộn cùng người dân thì chắc chắn phong trào nơi đó sẽ phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự chung sức, chung lòng của bà con.
Một mô hình phát triển cây giống trồng rừng của người dân huyện Lê Thủy cho hiệu quả kinh tế cao.
Một mô hình phát triển cây giống trồng rừng kinh tế của người dân huyện Lê Thủy cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tùy Phong
Còn nếu cán bộ hời hợt, thiếu trách nhiệm, không đi sâu đi sát cơ sở thì sẽ rất khó để địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, từ cấp huyện đến cấp xã, cần có sự quản lý, chỉ đạo sâu sát, thống nhất, bám sát thực tiễn, tránh một số trường hợp “chỉ đạo một đường, làm một nẻo”.
 
1. Khi phóng viên hỏi về mô hình vườn mẫu nông thôn mới hiệu quả trên địa bàn xã, vị Phó Chủ tịch UBND xã nọ hồ hởi giới thiệu về một vườn mẫu tiêu biểu với quy mô hơn 1.000m2 nhà màng, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn sạch (măng tây, dưa lưới, mướp đắng…). Đây được xem là điển hình trong xây dựng vườn mẫu nông thôn mới của xã, từ đó, chính quyền địa phương có hướng nhân rộng, phát triển tại nhiều hộ gia đình khác. Tuy vậy, khi đặt câu hỏi về mô hình vườn mẫu nổi bật này với vị Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện, ông lại rất ngạc nhiên, bởi đây không là “vườn mẫu nông thôn mới” mà là “mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” (?!). Và ông cũng khẳng định, mô hình đó chưa phù hợp với các tiêu chuẩn của vườn mẫu nông thôn mới theo quy định. Còn chuyện xã cho rằng đây là vườn mẫu nông thôn mới thì “theo tiêu chí riêng” của xã, không phải của huyện (?!).
 
2. Cán bộ một xã nọ chuyên phụ trách mảng nông nghiệp, nông thôn mới, vậy nhưng khi được hỏi về các số liệu cụ thể trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương lại rất lúng túng. Thậm chí khi được hỏi về những mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình trên địa bàn xã hay các sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, vị cán bộ lại phải mất kha khá thời gian cho các cuộc điện thoại để nắm rõ. Xin lưu ý đây là 1 xã nằm ngay trên Quốc lộ 1, cận kề khu vực đô thị, không phải ở vùng sâu vùng xa hay vùng gặp nhiều khó khăn.
 
3. Một cán bộ chuyên phụ trách mảng văn hóa-xã hội của xã nọ thuộc vùng du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng khi được hỏi về các cơ sở lưu trú trên địa bàn xã, lại đưa một báo cáo đã làm từ cách đây mấy năm trước và thật thà chia sẻ: “Mới chuyển công tác nên chưa nắm rõ tình hình phát triển du lịch trên địa bàn (?!)”.
 
Việc lựa chọn cán bộ phù hợp năng lực chuyên môn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu, thách thức của thực tiễn đóng vai trò rất quan trọng để phát huy tối đa khả năng, phẩm chất của cán bộ. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, nhất là cấp cơ sở, phải được thực hiện thường xuyên để có sự điều chỉnh kịp thời, tránh trường hợp: “không biết làm chỗ nào thì đặt đại vào chỗ ấy” hoặc “cố làm mấy năm rồi chuyển công tác”… Và đặc biệt, cần nêu cao vai trò giám sát từ chính người dân.
Quảng Hạ
 
,