Nhận diện và kiên quyết xử lý tham nhũng

  • 09:38 | Thứ Bảy, 17/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) của cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Đấu tranh PCTN là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị-xã hội.
 
"Nhờ sự hội tụ “ý Đảng, lòng dân” mà hàng loạt vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng được nhận diện. Khi đã nhận diện, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý trên tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”-đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Lương Bình cho biết.
 
Nhận diện những vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng
 
Theo thống kê của Ban Nội chính Tỉnh ủy, giai đoạn từ năm 2013 đến nay, liên quan đến tham nhũng, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh khởi tố điều tra 22 vụ án (38 bị can); Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý 25 vụ án (41 bị can); Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 24 vụ án, vụ việc (41 bị cáo), tiến hành xét xử 17 vụ án (29 bị cáo). Qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử phát hiện tài sản thiệt hại do hành vi tham nhũng hơn 15 tỷ đồng; tổng số tài sản thu giữ, thu hồi gần 11 tỷ đồng.
 
Tại tỉnh Quảng Bình, đến nay, có nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tham nhũng vặt được nhận diện. Có thể “điểm danh” một số vụ án, vụ việc điển hình, như: vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; hàng loạt sai phạm tại dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP.Đồng Hới; hành vi tham nhũng vặt liên quan đến quá trình thực hiện dự án siêu thị thương mại Hiệp Hợp tại thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy); vụ việc ông Đinh Thanh Thơ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa (Minh Hóa) sử dụng ngân sách nhà nước “nắn” đường giao thông về nhà riêng của mình; vụ án liên quan đến sai phạm của chủ đầu tư là UBND xã Trung Hóa và đơn vị thi công, Công ty TNHH Hoàng Bảo Anh trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn nội vùng Thanh Liêm 1,2 (xã Trung Hóa); vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra trên tuyến Quốc lộ 12A thuộc địa phận xã Nam Hóa (Tuyên Hóa); vụ án Huỳnh Minh Hiếu tham ô tài sản tại siêu thị 24 giờ, xã Lý Trạch (Bố Trạch); vụ án khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 649, 650 thuộc lâm phần Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng quản lý… 
Đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Lương Bình trao đổi về công tác nội chính và PCTN tại Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4-2021
Đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Lương Bình trao đổi về công tác nội chính và PCTN tại Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4-2021
Thông qua rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội năm 2017, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành thuộc khối Nội chính phát hiện nhiều sai phạm trong xây dựng cơ bản, chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thu hồi số tiền gần 633 triệu đồng của Công ty TNHH tư vấn xây dựng Quảng Ninh; hơn 631 triệu đồng từ Công ty TNHH thương mại và xây dựng cấp thoát nước Thái Hòa; hơn 227 triệu đồng từ Công ty TNHH Long Phú. Đây là số tiền các công ty này tạm ứng của chủ đầu tư nhưng chưa thi công công trình.
 
Kết quả tham mưu, chỉ đạo của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong công tác PCTN luôn kịp thời, quan điểm nhất quán là giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm tính nghiêm minh pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an ninh chính trị, an ninh kinh tế ở tại địa phương nơi xảy ra vụ án, vụ việc và trong toàn tỉnh.
 
Tập trung đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiên quyết xử lý tham nhũng
 
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành Chương trình công tác PCTN trong tổng thể Chiến lược quốc gia về PCTN; phân công trách nhiệm chỉ đạo cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ nhằm thống nhất về chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTN ở từng ngành, lĩnh vực, thể hiện quyết tâm cao đối với đấu tranh PCTN.
 
Đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Lương Bình cho biết: “Từ khi Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị có hiệu lực, Ban Nội chính Tỉnh ủy trở thành đầu mối chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị tốt nội dung tiếp công dân, giúp Bí thư Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp với dân, xử lý hiệu quả những phản ánh, kiến nghị của công dân. Đến nay, Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức thành công 15 phiên tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân định kỳ, tiếp 169 lượt công dân, giải quyết 143 trường hợp vướng mắc của công dân. Bên cạnh đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy còn là cơ quan nắm tình hình, đôn đốc việc thực hiện các kết luận sau phiên tiếp dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy tại một số đơn vị, địa phương. Thông qua các buổi tiếp dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp nhận 360 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và đã xử lý 267 đơn. Đây là một kênh chính thức để Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành chức năng tiếp cận, nắm bắt, “nhận diện”, phát hiện ra tiêu cực, dấu hiệu tham nhũng, tham nhũng vặt”.
 
Cũng theo đồng chí Nguyễn Lương Bình: “Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Tham mưu cho các địa phương tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước”.
 
Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy, thị ủy chú trọng công tác kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về PCTN tại cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền nhằm phát hiện sớm dấu hiệu tham nhũng. Triển khai hiệu quả việc rà soát những cuộc thanh tra kinh tế-xã hội và thực hiện kết luận kiểm toán trên địa bàn tỉnh hàng năm, từ đó, phát hiện dấu hiệu sai phạm, chuyển cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
 
Trong thời gian tới, các ngành thuộc khối Nội chính cần tập trung đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", “tín dụng đen”…
 
Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động điều tra, cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, bảo đảm các phán quyết của tòa án đúng pháp luật, bảo đảm công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, không để xảy ra việc oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
 
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao từ các ngành thuộc khối Nội chính, sự đồng thuận của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tin tưởng rằng, công tác PCTN thời gian tới tiếp tục đạt kết quả quan trọng, tạo môi trường lành mạnh đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.
 
Thanh Long