Bầu cử QH và HĐND: Xứng đáng là người đại diện ý chí, nguyện vọng của dân

  • 15:22 | Chủ Nhật, 18/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cho đến nay, trải qua một quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã và đang dần hình thành. Đây chính là những ứng cử viên ưu tú, xứng đáng nhất cho toàn dân bầu chọn trong ngày bầu cử 23-5 tới.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Ở cấp Trung ương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Hội nghị, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Trung ương giới thiệu.
 
* Vinh dự trở thành người đại biểu dân cử
 
Điều 21 của Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.
 
Trong khi đó, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định: Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý Nhà nước.
 
Như vậy, việc trở thành một đại biểu dân cử ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương cũng như cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là một niềm vinh dự to lớn với bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
 
* Phát huy vai trò của người đại biểu nhân dân
 
Đại biểu Quốc hội có những quyền cơ bản như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.
 
Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký tham dự phiên họp do Hội đồng, Ủy ban tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.
 
Đại biểu Quốc hội có quyền ứng cử hoặc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu; có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.
 
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
 
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. 
Ngày 16-4-2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
Ngày 16-4-2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN
Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, có quyền tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của Nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.
 
Với đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
 
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu; kiến nghị tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất, phiên họp kín của Hội đồng nhân dân và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
 
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền miễn trừ khi làm nhiệm vụ. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân nếu không có sự đồng ý của Hội đồng nhân dân hoặc trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp, không có sự đồng ý của Thường trực Hội đồng nhân dân. Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân bị giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
 
* Trách nhiệm lớn lao của người đại biểu dân cử
 
Với vai trò và quyền hạn như vậy, người đại biểu dân cử phải thực sự là những đại biểu "thật sự xứng đáng, có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ", sẵn sàng thực hiện có hiệu quả trách nhiệm lớn lao của người đại biểu dân cử. Và như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn những người được cử vào Quốc hội phải: "Luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội".
 
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.
 
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
 
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.
 
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập
 
Với đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Hội đồng nhân dân, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân không tham dự kỳ họp, phiên họp thì phải có lý do và phải báo cáo trước với Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân không tham dự các kỳ họp liên tục trong 1 năm mà không có lý do thì Thường trực Hội đồng nhân dân phải báo cáo Hội đồng nhân dân để bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đó. 
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách, giới thiệu 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 159 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách, giới thiệu 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 159 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN
Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.
 
Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
 
Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Hội đồng nhân dân về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn do pháp luật quy định. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
 
Theo TTXVN/Báo Tin tức