Chung sức, đồng lòng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội

  • 21:02 | Thứ Bảy, 13/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, với việc phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của toàn xã hội, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất sau mưa lũ đã được khôi phục và dần ổn định, kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
 
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 sẽ tạo tiền đề rất quan trọng để phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và mở đầu giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, tỉnh ta đã triển khai và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT-XH nhằm tháo gỡ kịp thời và hiệu quả các khó khăn cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế.
 
Các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực cố gắng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Đặc biệt là việc tập trung thực hiện “mục tiêu kép” -vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH và bảo đảm đời sống của nhân dân; triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhất là khắc phục, phục hồi hậu quả của trận mưa lũ lịch sử trong tháng 10. 
 
KT-XH của tỉnh tiếp tục giữ được sự ổn định và có bước phát triển đáng mừng với những kết quả khả quan. Cụ thể, GRDP vẫn tăng trưởng dương, đạt 2,63%; giá trị sản xuất một số lĩnh vực có bước tăng trưởng khá như: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,06%; công nghiệp (CN) tăng 6,66%; cơ cấu kinh tế tiếp tục có bước chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.377 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch (KH); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 21.897,9 tỷ đồng, bằng 99,53% KH; GRDP bình quân đầu người đạt 46,1 triệu đồng (KH 46,2 triệu đồng); có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTN)...
 
Nét nổi bật trong phát triển kinh tế của năm 2020, tỉnh ta đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Hệ thống thủy lợi Rào Nan, Nhiệt điện Quảng Trạch I và II, Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp của Tập đoàn Dohwa, Cụm trang trại điện gió B&T... Với việc đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước,   nên trong năm 2020 đã có 74 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư hơn 16.580 tỷ đồng được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đồng chí Trần Thắng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Trần Thắng Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, triệt để nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định. Trong năm đã giải quyết việc làm cho 2,89 vạn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6% so với năm 2019; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%; 95,36% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 90,1% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập THCS mức độ III; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ hộ nông thôn được cung cấp nước sạch và hợp vệ sinh đạt 94,2%...
 
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng NTM được thực hiện tốt. Đặc biệt, việc tổ chức thành công lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình và khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Quảng Bình, Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ của tỉnh đã để lại những tình cảm, dấu ấn tốt đẹp, ấn tượng sâu sắc đối với cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, đã tạo được không khí tươi mới, cổ vũ tinh thần nhân dân tỉnh nhà thúc đẩy các hoạt động phát triển KT-XH.  
 
Sự đồng lòng, chung sức, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và việc phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của toàn xã hội trong năm qua còn được phát huy tốt qua các đợt bão lũ trong năm 2020. Thể hiện rõ qua việc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn và cứu trợ cho nhân dân; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình bị thiệt hại, gia đình có người thiệt mạng, bị thương; không để bất kỳ người dân nào phải chịu cảnh đói, rét; tập trung tiếp nhận, phân phối tiền và hàng cứu trợ đến người dân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; chỉ đạo khôi phục sản xuất, kinh doanh sau lũ lụt...
 
Nhờ đó, tình hình sản xuất và đời sống, học tập tại những nơi bị ảnh hưởng sớm được ổn định trở lại. UBND tỉnh đã kịp thời trích từ ngân sách tỉnh hơn 109,2 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân có nhà ở bị ngập lụt; phân bổ 5.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để cứu đói cho nhân dân... Đến nay, hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh bước đầu cơ bản được khắc phục, đời sống người dân dần ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
 
Với sự đồng lòng, chung sức, đoàn kết trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố; công tác đối ngoại, cải cách hành chính, cải cách tư pháp được tăng cường; bộ máy chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cơ sở được rà soát, sắp xếp, kiện toàn bảo đảm tinh gọn, hợp lý, đúng pháp luật và từng bước nâng cao chất lượng; các chính sách dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội và chính sách đối với người có công với cách mạng được quan tâm đúng mức và giải quyết kịp thời; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, có mặt được nâng lên, đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
Xác định năm 2021 tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, hậu quả lũ lụt vẫn còn nặng nề, tác động lớn đến nền kinh tế của tỉnh, vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nỗ lực hơn nữa và phát huy tốt nhất vai trò chủ động, tích cực của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương.
 
Năm 2021 là năm mở đầu của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021, là tập trung cụ thể hóa và triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; trọng tâm là 4 khâu đột phá thông qua 4 chương trình hành động của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Trong đó, trước mắt tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của BCH  Đảng bộ tỉnh về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống nhân dân bằng những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
 
UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tranh thủ tận dụng tốt các cơ hội để phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới. Nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; tập trung cải cách hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
 
Trong lĩnh vực du lịch cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi với việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức các chương trình, tuần lễ văn hóa kích cầu du lịch, thu hút du khách như Lễ hội Hang động, Chương trình Đếm ngược, Tuần Văn hóa-Du lịch TP. Đồng Hới... 
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là một trong những dự án tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là một trong những dự án tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhằm tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh cần tập trung huy động các nguồn lực, hoàn thành các thủ tục pháp lý để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện, đưa dự án đi vào hoạt động, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh như: Dự án nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, Dự án nâng cấp Cảng Hòn La, Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Dự án tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh...; tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021.
 
Tiếp tục tập trung phát triển CN trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Trong đó chỉ đạo để phát triển một số ngành CN chủ lực, một số dự án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ và hỗ trợ tối đa việc triển khai thực hiện các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II, Trang trại điện gió của Tập đoàn B&T, các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Kêu gọi đầu tư các dự án CN quan trọng vào các khu CN, khu kinh tế.   
 
Để phát triển bền vững kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cần ưu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp và tập trung mọi nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới giai đoạn 2021-2025. Đi liền với đó là phát triển toàn diện và tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế; nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử... để bảo đảm phát triển văn hóa song song và tương xứng với phát triển kinh tế. Chăm lo tốt đời sống các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương…; chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm...
 
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nói trên cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và thực hiện nghiêm Quy định số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Quyết liệt và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật để răn đe và bảo đảm bộ máy thực sự làm việc công tâm; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh; củng cố và tăng cường công tác quốc phòng và an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...
 
Với phương châm “đoàn kết, đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực”, yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng, tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 ngay từ đầu năm với tinh thần quyết tâm: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
 
  Đồng chí Trần Thắng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh