Tuyên Hóa: Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Bãi Đức

  • 15:29 | Thứ Hai, 11/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng 11-1-2021, tại hội trường UBND xã Hương Hóa, Huyện ủy Tuyên Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Bãi Đức (ngày 12-1-1931 - 12-1-2021). 
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Bãi Đức.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Bãi Đức.
Chi bộ Bãi Đức là chi bộ đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và cũng là chi bộ đầu tiên được thành lập ở phía Bắc Quảng Bình.
 
Buổi lễ được tổ chức nhằm ôn lại lịch sử truyền thống, quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp quan trọng của Chi bộ Bãi Đức trong quá trình phát triển tổ chức đảng trên địa bàn Tuyên Hóa trong 90 năm qua.
 
Đọc diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ, đồng chí Lê Công Hữu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh, năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân lan rộng và sục sôi trong cả nước, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Xã Hương Hóa giáp với huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) là nơi trực tiếp ảnh hưởng của làn sóng cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh.
 
Với vị trí chiến lược cùng với lòng yêu nước, đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, ngày 12-1-1931, tại phía nam cầu Tân Đức, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Ích, Chi bộ đảng Bãi Đức được thành lập nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng ở phía Bắc Quảng Bình. Đồng chí Trần Đình được cử làm bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Lệ được cử làm phó bí thư. Chi bộ gồm 7 đảng viên chính thức.
 
Sau khi thành lập, các đảng viên đã nhanh chóng, tích cực đi sâu vào các thôn, xóm xây dựng các tổ chức quần chúng. Đến tháng 8-1931, chi bộ đã thành lập được các tổ chức quần chúng: “Cứu tế đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Hội tương tế”... Cũng trong thời gian này, chi bộ đã tổ chức 4 đội tự vệ với số lượng 50 thành viên, với vũ khí được trang bị rất thô sơ gậy, mác, rựa... để tổ chức đánh du kích.  
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm.
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm.
Cuối năm 1930 đầu năm 1931, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, chi bộ Bãi Đức đã tổ chức rải truyển đơn và vận động quần chúng tham gia biểu tình đòi chia lại công điền, công thổ, đòi xóa thuế, hoãn nợ. Trước sức mạnh của quần chúng, Đồn trưởng Tân Ấp bỏ trốn, một số địa chủ ở La Khê, Bãi Đức, Tân Ấp bỏ trốn vào rừng ẩn náu. Bọn thực dân đã huy động thêm lực lượng và vũ khí lùng bắt các đảng viên Cộng sản, tìm mọi thủ đoạn đàn áp phong trào. Cuối tháng 5-1931, chi bộ bị lộ, hầu hết các đảng viên bị bắt.
 
Giữa năm 1932, một số đảng viên được thả về địa phương và vẫn tiếp tục tập hợp, lãnh đạo nhân dân chờ thời cơ đứng dậy đấu tranh. Sau hơn 10 năm mất liên lạc đi vào hoạt động bí mật, đêm 24-8-1945, các đảng viên đã thành lập một đội tự vệ với khoảng 30 người để sẵn sàng chiến đấu. Sáng 25-8-1945, cuộc khởi nghĩa diễn ra. Ngay hôm đó, nhân dân đã bầu ra UBND xã lâm thời, do đồng chí Phạm Lệ làm Chủ tịch. 
 
Diễn văn nêu rõ, tuy Chi bộ Bãi Đức ra đời, tồn tại và hoạt động chỉ trong vòng 5 tháng nhưng những đảng viên "Hạt giống đỏ" của Chi bộ Bãi Đức đã trở thành chỗ dựa, niềm tin cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Tuyên Hóa nói chung và nhân dân Bãi Đức nói riêng. Với vai trò là chi bộ đầu tiên ở phía bắc Quảng Bình cũng là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Tuyên Hóa, truyền thống anh hùng cách mạng của những đảng viên kiên trung và Chi bộ Bãi Đức mãi là bản hùng ca trong lịch sử truyền thống của đảng bộ huyện trong suốt 90 năm qua. Ngọn lửa truyền thống cách mạng hào hùng ấy là động lực để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua khó khăn, đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương Tuyên Hóa ngày càng giàu mạnh. 
 
Trước đó, các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa đã tổ chức lễ dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Bãi Đức ở thôn Tân Đức, xã Hương Hóa. 
 
Dương Công Hợp