Quảng Ninh: Năm mới, kỳ vọng mới

  • 14:04 | Thứ Năm, 14/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với huyện Quảng Ninh, năm 2020 đi qua trong bộn bề khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và trận lũ lịch sử. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
 
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ: "Có thể nói, với huyện Quảng Ninh, năm 2020 thực sự là một năm khó khăn nhưng đầy lạc quan. Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu kèm theo trận lũ lịch sử kéo dài trong tháng 10 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện. Nhưng trong khó khăn, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền chặt. Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đã đồng sức đồng lòng khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định sản xuất".
Diện mạo huyện Quảng Ninh ngày càng khang trang, đổi mới.
Diện mạo huyện Quảng Ninh ngày càng khang trang, đổi mới.
Xác định “Xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, chăm lo đời sống nhân dân là cốt lõi”, trong năm qua, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã chú trọng việc tổ chức học tập các nghị quyết, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết có hiệu quả nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các cấp ủy Đảng tích cực thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với địa bàn dân cư, đơn vị công tác. Đặc biệt, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 và kiện toàn công tác cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
 
Chỉ riêng trong sản xuất nông nghiệp, huyện Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng với tổng sản lượng lương thực đạt 50.003 tấn (tăng 267 tấn so với cùng kỳ và tăng 723 tấn so với kế hoạch); năng suất lúa đạt 62,18 tạ/ha. Công tác chuyển đổi cây trồng được quan tâm triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương, như: Hàm Ninh, Hiền Ninh, Lương Ninh, Xuân Ninh, người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô, mướp đắng, dưa leo, mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha. 
 
Vượt qua tác động của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của lũ lụt trong tháng 10, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã từng bước phục hồi và có tín hiệu tích cực với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 980 tỷ đồng, tăng 4,52% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 5.455 tấn, tăng 6,59% so với cùng kỳ. Toàn huyện có 1.361 tàu, thuyền khai thác thủy hải sản, trong đó, khai thác nội địa có 685 chiếc, khai thác biển có 676 chiếc. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung. Sản xuất lâm nghiệp phát triển với diện tích trồng rừng tập trung đạt 1.156ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 71,4%.
Năm 2020, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn Quảng Ninh tăng 267 tấn so với cùng kỳ.
Năm 2020, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn Quảng Ninh tăng 267 tấn so với cùng kỳ.
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thành công lớn nhất của Quảng Ninh chính là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay, huyện Quảng Ninh có 4 khu dân cư hoàn thành tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu, 1 xã hoàn thành tiêu chí NTM kiễu mẫu, 1 xã hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao và có thêm 2 xã An Ninh, Hải Ninh hoàn thành 19 tiêu chí NTM (nâng tổng số xã đạt NTM lên 12/14 xã); góp phần nâng tổng số tiêu chí toàn huyện đạt 245 tiêu chí (trung bình đạt 17,5 tiêu chí/xã), cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh.
 
Song song với phát triển kinh tế, huyện Quảng Ninh đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục, văn hóa, thể thao. Đến nay, toàn huyện có 41/49 trường đạt chuẩn quốc gia, 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Hệ thống trường lớp ở các cấp học, ngành học được sắp xếp bố trí hợp lý, chất lượng dạy học được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế từ huyện đến tận thôn, bản, tổ dân phố được đầu tư xây dựng cả về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất. Đến nay, huyện Quảng Ninh có 15/15 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
 
Quốc phòng-an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân.
 
Những kết quả đạt được trong năm 2020 chính là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh vững tin bước vào năm mới 2021-năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhằm hoàn thành mục tiêu chung, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới. Năm 2021, huyện nỗ lực đạt chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn 460 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng; có thêm từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6%; giải quyết việc làm cho 3.800 lao động…   
Cơ cấu cây trồng chuyển đổi hợp lý góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Quảng Ninh.
Cơ cấu cây trồng chuyển đổi hợp lý góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Quảng Ninh.
Để hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra, huyện Quảng Ninh sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu, trong đó, chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; khuyến khích chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và môi trường; tập trung quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; gắn đánh bắt với chế biến hải sản.
 
“Huyện Quảng Ninh sẽ triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có chương trình hành động về phát triển du lịch, tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng; thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công và các giải pháp phát triển nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững; đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực xã hội. Cùng với đó, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, huyện được đầu tư trên địa bàn Quảng Ninh sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện trong tương lai”, đồng chí Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
 
Thanh Hải