Lệ Thuỷ và một năm vượt khó

  • 15:11 | Thứ Tư, 13/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020 đã khép lại. Nhìn lại 12 tháng đã qua, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh nối tiếp, Đảng bộ và nhân dân huyện Lệ Thủy đã một lòng đoàn kết với nghị lực vượt khó và quyết tâm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
 
Lệ Thủy đi qua năm 2020 trong điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt. Thiên tai, dịch bệnh nối tiếp nhau ảnh hưởng đến sản xuất-kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, chỉ riêng trận lũ lụt lịch sử trong tháng 10 đã làm cho người dân Lệ Thủy thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, sự chung tay giúp đỡ của đồng bào cả nước, sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của các tầng lớp nhân dân trong huyện, Lệ Thủy đã từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách,tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống; đồng thời, thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
 
Nhờ đó, năm 2020, Lệ Thủy đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. 18/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Trong đó, đáng ghi nhận, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,3 triệu đồng; công tác thu ngân sách đạt cao, bằng 151,7% dự toán giao và bằng 118% so với cùng kỳ.
 
Ông Hà Quyết Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Lệ Thủy cho biết: “Đơn vị đã áp dụng các giải pháp đồng bộ, như: thực hiện tốt các chính sách của cấp trên về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh về cải cách thủ tục hành chính thuế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; các chính sách về miễn giảm, gia hạn nộp thuế. Đơn vị tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát công tác kê khai thuế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác các nguồn thu vãng lai để góp phần tăng thu thuế. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế huyện áp dụng chặt chẽ, cương quyết các biện pháp mạnh để thu hồi nợ đọng thuế và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, góp phần ổn định tình hình và bù đắp các khoản hụt thu ngân sách trên địa bàn”.
 Vườn rau xanh mướt của người dân xã Phong Thủy sau lũ lụt
Vườn rau xanh mướt của người dân xã Phong Thủy sau lũ lụt
Là một huyện thuần nông, năm 2020, ngành nông nghiệp huyện Lệ Thủy đã thể hiện sức bền bỉ và có những chuyển biến mạnh mẽ trong thiên tai, dịch bệnh. Phát huy truyền thống thâm canh lúa lâu đời, toàn huyện đã nâng cao diện tích trồng lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích cánh đồng lớn và diện tích canh tác lúa cải tiến SRI.
 
Huyện cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Trong năm, huyện đã hỗ trợ trên 2,2 tỷ đồng cho các mô hình kinh tế, khảo nghiệm giống cây trồng mới, thuốc diệt chuột để bảo vệ mùa màng..., góp phần động viên người dân vươn lên trong sản xuất. Cùng với đó, các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao đang được quan tâm đẩy mạnh sản xuất. Các tổ chức, cá nhận đã chú trọng việc sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,14%. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 46,69 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực cả năm đạt trên 92.000 tấn, gần bằng 98% so với cùng kỳ. Huyện có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 6 sản phẩm đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Bình sắp tới. Toàn huyện có 17/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Sen Thủy đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Và điều đáng ghi nhận là huyện thực hiện tốt khâu phòng dịch nên không để dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại trên địa bàn.
 
Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, để bảo đảm kế hoạch sản xuất đông-xuân 2020-2021, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng cơ cấu và lịch thời vụ, trong đó, chú trọng việc đưa các giống lúa trung và ngắn ngày, các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất; kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ giống lúa, giống gia cầm cho người dân để khắc phục khó khăn về nguồn giống sau lũ lụt.
 
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, ngành văn hóa, giáo dục huyện Lệ Thủy trong năm 2020 cũng đã không ngừng nỗ lực để vượt qua trở ngại của dịch bệnh, sự tàn phá của lũ lụt để từng bước thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu đề ra. Đáng ghi nhận là tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Quảng Bình năm học 2020-2021, ngành giáo dục Lệ Thủy dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng đạt giải nhiều nhất và chất lượng giải cao nhất.
 
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định: “Xác định năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Lệ Thủy sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung trọng tâm, như: khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra để sớm ổn định đời sống, sản xuất trên địa bàn, nhất là trước Tết Nguyên đán Tân Sửu; tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu hai chương trình kinh tế xã hội trọng điểm của huyện; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phối hợp với các ngành cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao...”.
 
An Phương
(Đài TT-TH Lệ Thủy)