Trường Chính trị Quảng Bình, 70 năm xây dựng và phát triển

  • 08:02 | Thứ Tư, 18/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong trang sử hào hùng của lịch sử cách mạng Quảng Bình, việc thành lập Trường Chính trị tỉnh với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong 70 năm qua đã góp phần đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
 
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, ngay từ buổi đầu thành lập, Đảng bộ Quảng Bình luôn quan tâm đến công tác huấn luyện cán bộ của Đảng. 
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Trường Chính trị tỉnh vào ngày 13-11-2020.	Tải
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Trường Chính trị tỉnh vào ngày 13-11-2020.
Xét thấy việc cần thiết cần phải có một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tỉnh theo chủ trương của Đảng, ngày 19-5-1950, Tỉnh ủy Quảng Bình đã có quyết định thành lập Trường Đảng Lê Hồng Phong nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ “cán bộ trung cấp, cán bộ sơ cấp, cán bộ cơ sở, đảng viên thường”.
 
Những ngày đầu thành lập, do điều kiện chiến tranh nên các cán bộ, nhân viên của nhà trường phải làm việc trong một ngôi nhà tạm làm bằng tranh tre ở Bến Hiểm. Việc mở lớp phải dựa vào nhà dân ở vùng tự do. Sau đó, trường phải liên tục sơ tán, di chuyển ở nhiều địa phương khác nhau. Năm 1951, trường chuyển về thôn Đại Phúc (Vạn Ninh, Quảng Ninh); năm 1952, về Khe Ngang (Phúc Trạch, Bố Trạch); năm 1953, về Khương Hà (Bố Trạch).
Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể công chức, viên chức trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2015), hạng Nhì (năm 2008), hạng Ba (năm 1998), Cờ thi đua của Chính phủ, của UBND tỉnh, các bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của UBND tỉnh, của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, của Bộ Nội vụ…
Hòa bình lập lại (1954), trường được chuyển về nội thị thị xã Đồng Hới, sát phía sau cơ quan Tỉnh ủy, với cơ sở vật chất được quan tâm hơn, việc tổ chức đào tạo lúc này chủ yếu là cấp ủy viên đảng bộ, chi bộ cơ sở với thời gian học dài ngày hơn (3 tháng).
 
Từ năm 1963-1976, trường nhiều lần chuyển địa điểm, nhưng dù được di dời ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trường Đảng Lê Hồng Phong luôn thực hiện tốt chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phục vụ đắc lực công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng các hợp tác xã, xây dựng quê hương Quảng Bình, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.
 
Năm 1976, sau khi tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Trường Đảng Lê Hồng Phong được sáp nhập thành Trường Đảng Bình Trị Thiên và đến năm 1985, đổi tên thành Trường Lê Duẩn. Trong 13 năm sáp nhập, trường luôn đóng góp đắc lực trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh Bình Trị Thiên, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở.
 
Sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ, thực hiện Quyết định số 18-QĐ/TU, ngày 15-7-1989 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về việc thành lập Trường Đảng tỉnh Quảng Bình. Trong 31 năm qua (1989-2020), trường trải qua nhiều tên gọi như Trường Đảng tỉnh Quảng Bình, Trường Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tỉnh Quảng Bình, Trường Chính trị Quảng Bình.
 
70 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Quảng Bình đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, hoạt động của nhà trường ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
 
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng được nâng cao; đội ngũ cán bộ, giảng viên đã được tăng cường về số lượng, chất lượng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm hơn; điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của trường được cải thiện.
 
Đặc biệt, trong giai đoạn 1989-2020, với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, Trường Chính trị Quảng Bình đã trực tiếp phối hợp triển khai nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu phát triển của từng giai đoạn, bảo đảm hoàn thành và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. 
Đồng chí Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thị Minh trao giấy khen cho các điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.
Đồng chí Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thị Minh trao giấy khen cho các điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.
Những năm từ 1990-1994, công tác giảng dạy ở nhà trường chủ yếu là các lớp bồi dưỡng (14 lớp bồi dưỡng gồm 1.400 cán bộ các cấp). Từ năm 1995 đến 1999, nhà trường chú trọng đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị (cả hệ tập trung và không tập trung), đã mở 12 lớp với số lượng 796 học viên.
 
Hiện nay, Trường Chính trị Quảng Bình là một trong những trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc triển khai đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng như: đào tạo cao cấp lý luận chính trị; trung cấp lý luận chính trị-hành chính (hệ tập trung và không tập trung); bồi dưỡng ngạch chuyên viên, ngạch chuyên viên chính; bồi dưỡng các chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức, công tác tuyên giáo, công tác kiểm tra… với số lượng lớp ngày càng tăng.
 
Trường chủ động triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, tăng cường thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy và học; đa dạng hóa các loại chương trình, hình thức mở lớp; thực hiện công tác tuyển sinh đúng tiêu chuẩn, đối tượng; linh hoạt trong điều phối các chương trình; từng bước cân đối giữa việc tổ chức các lớp tập trung và không tập trung, giữa chương trình đào tạo và bồi dưỡng, bảo đảm việc thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm...
 
Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn đã được Trường Chính trị tỉnh quan tâm triển khai và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trường đã tổ chức triển khai nghiên cứu 2 đề tài khoa học cấp tỉnh, nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở; thường xuyên tổ chức hoạt động hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa hàng năm, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức các cuộc trao đổi, toạ đàm, hội thảo khoa học...
 
Hệ thống cơ sở vật chất của Trường Chính trị tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới với 100% phòng học đạt chuẩn, giảng đường, nhà hiệu bộ, nhà nội trú của học viên được nâng cấp ngày càng khang trang, khuôn viên sân trường ngày càng sạch đẹp, đáp ứng kịp thời nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường. 
 
Công tác xây dựng Đảng bộ và các đoàn thể chính trị trong nhà trường được quan tâm thực hiện. Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong từng năm và trong từng nhiệm kỳ, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, lãnh đạo nhà trường và các tổ chức đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm.
 
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (trong nhiệm kỳ tới là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Trường Chính trị Quảng Bình đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn với các giải pháp chủ yếu sau đây:
Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giáo viên nhà trường.
Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giáo viên nhà trường.
Thứ nhất, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, đa dạng hóa nội dung, chương trình, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường hơn nữa việc quản lý học viên.
 
Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; chủ động tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh thuộc lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học cấp cơ sở bảo đảm chất lượng, thiết thực, gắn với chuyên môn và phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng...
 
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đáp ứng yêu cầu “vững vàng về lý luận, nhuần nhuyễn về phương pháp, sâu sát về thực tiễn”; xây dựng khối đoàn kết nhất trí, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, sáng tạo và đạo đức, phong cách người cán bộ, đảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong thời kỳ mới.
 
Thứ ba, tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng đồng bộ và hiện đại nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường...
Thứ tư, tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nhiệm kỳ 2020-2025; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo về chuyên môn và sự phối hợp với các học viện; sự giúp đỡ của các ngành, các cấp trong tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
 
Chặng đường tiếp nối của Trường Chính trị Quảng Bình trong thời kỳ mới là sự kế thừa những thành quả tốt đẹp của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường trong suốt 70 năm qua, là sự đồng hành với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh để nỗ lực phấn đấu xây dựng Quảng Bình “trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
 
 Việc xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức của Trường Chính trị tỉnh ngày càng được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Từ 15 cán bộ, nhân viên của nhà trường trong buổi đầu thành lập, đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên viên, nhân viên của nhà trường gồm có 50 biên chế, trong đó có 2 tiến sỹ, 31 thạc sỹ, 13 cử nhân; 24 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 14 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị-hành chính; có 1 chuyên viên cao cấp, 1 giảng viên cao cấp; 12 giảng viên chính, 2 chuyên viên chính. Đội ngũ công chức, viên chức của nhà trường cơ bản có trình độ và năng lực giảng dạy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức nghề nghiệp, tâm huyết với công việc.
 
ThS. Nguyễn Thị Minh
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh