Kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền biển đảo quốc gia

  • 10:42 | Thứ Sáu, 13/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Báo Quảng Bình điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS, TS Trương Minh Dục (Học viện Chính trị khu vực III) góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ cho phát triển kinh tế biển là: “Phát triển bền vững kinh tế biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo” [1].
 
Đây là một vấn đề lớn, phức tạp và nhạy cảm cần tập trung giải quyết, trong đó, trọng tâm là vấn đề kết hợp phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Thành phố Đồng Hới hôm nay
Thành phố Đồng Hới hôm nay
1. Về phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển
 
Để đạt được mục tiêu quốc gia biển phải mạnh lên từ biển, cần đánh giá nguồn lực được xem xét từ góc độ tạo ra động lực, thức dậy và thúc đẩy các nguồn lực phát triển. Động lực tạo ra các đòn bẩy kinh tế và chính sách khơi dậy các nguồn lực bên trong và bên ngoài đầu tư phát triển, đưa các tiềm năng vào hiện thực, vì vậy, cần xây dựng các khu kinh tế mở hướng vào thị trường khu vực và thế giới.
 
Các địa phương ven biển cần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm khai thác điều kiện tự nhiên và tiềm năng, thế mạnh của biển đảo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Khai thác tiềm năng kinh tế của các đảo như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Hòn Mê, Hòn Mát, Hòn La, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc là một thế mạnh của kinh tế biển, tăng cường hợp tác liên doanh trong và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ xuất khẩu và nội địa.
 
Phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những trung tâm đô thị ven biển. Cần có chính sách liên kết, hợp tác giữa các vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động.
 
Phát triển ngành thủy sản một cách bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh trong vùng. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, đăc biệt là nuôi tôm, cua và các đặc sản cho nhu cầu du lịch và xuất khẩu. Phát triển nghề đánh bắt thủy sản xa bờ, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân bổ lao động dân cư nông thôn miền biển.
 
Đẩy mạnh phát triển thuỷ sản theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác, lấy chủ thuyền là đơn vị sản xuất kinh doanh cơ bản (chủ thuyền có thể là hộ hoặc nhóm hộ gia đình); trong chế biến lấy quy mô hộ gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân. Vai trò của kinh tế nhà nước, tập thể chủ yếu giữ vai trò chế biến, dịch vụ, từ đó mới thúc đẩy khuyến ngư phát triển. Phát triển các ngành nghề thủy sản nhằm nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng biển một cách vững chắc, phát triển khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du lịch và xuất khẩu. Mở rộng và nâng cao hiệu quả chế biến nội địa và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.
 
Để thực hiện phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ môi trường biển, cần phải giải quyết tốt các giải pháp sau:
 
- Quán triệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong phát triển kinh tế; không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ bảo vệ môi trường.
 
Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình bảo vệ và trồng rừng phòng hộ ven biển. Đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển, đê sông. Việc quy hoạch, xây dựng các dự án ở những vùng ven biển, cửa sông đều phải tính tới yếu tố ổn định địa mạo và yếu tố biển dâng một cách cụ thể. Xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông ở một số nơi xung yếu nhất để bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân. Xây dựng một số các công trình như nhà trú ẩn đa năng kiên cố phục vụ cho việc di dân tránh bão lụt tại các cộng đồng dân cư trong khu vực. Rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành tại các tỉnh miền Trung với các phương án phải đối mặt với lũ, lụt và nước biển dâng. Đặc biệt, thống kê số hộ và số dân hiện đang cư trú dọc bờ biển những nơi bị đe dọa xâm thực để cần được bố trí đến nơi cư trú mới an toàn trên từng độ cao nhất định, phân bố lại lực lượng sản xuất. Thách thức biển dâng chính là động lực thúc đẩy nhà nước suy tính sâu sắc hơn trong việc quản lý kinh tế theo vùng lãnh thổ.
 
- Phát triển công nghệ dự báo, tăng hiệu quả quản lý và duy trì chức năng của rừng phòng hộ nhằm giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ở ven biển các tỉnh miền Trung, việc bảo vệ các rừng phi lao, rừng dừa chắn gió bão, chắn sóng và nước biển dâng là rất cần thiết để bảo vệ mùa màng và khu dân cư. Ở những bãi sình lầy, bãi bồi cần trồng rừng ngập mặn với các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt, với chiều rộng từ 300 - 1.000m; phía bên trong là đê, kết hợp với đường giao thông, hai bên đường có thể trồng các cây có tác dụng chống gió, bão, sóng thần, sạt lở rất tốt như phi lao, tre, dầu mè, v.v.
 
Cần phải thực hiện xanh hóa cảnh quan đô thị, đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình huy động nguồn lực để xanh hóa cảnh quan đô thị (thảm cỏ che phủ mặt đất, cây xanh trên bề mặt công trình, sân trong, sân thượng và tầng lửng công trình).
 
Về quản lý, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và của người dân về các phương thức và phương án giảm nhẹ thiên tai, tăng cường năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ một cách có hiệu quả. Phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các hội đoàn thể tổ chức các lớp nâng cao năng lực phòng chống bão cho ngư dân, nhân dân vùng ven biển.
 
Đẩy mạnh sự hợp tác và điều phối liên vùng để có thông tin, số liệu được cập nhật liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam; hợp tác trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và điều tra nghiên cứu những đề tài khoa học đặt ra cho khu vực. Trước mắt, cần khảo sát đo đạc, xây dựng bản đồ địa hình của các vùng ven biển, các vùng đồng bằng để xác định bản đồ ngập lụt theo từng cấp dự báo nhằm có phương án bảo vệ thích hợp.
 
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, phát huy năng lực đào tạo tại các đại học trong việc đào tạo liên thông và liên kết nhằm đào tạo cán bộ kỹ thuật có khả năng phân tích dự báo, đề ra các giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng duyên hải.
 
Các giải pháp nêu trên phải được thực hiện một cách đồng bộ và tùy theo khả năng kinh tế của đất nước, sự hợp tác quốc tế để xác định cấp độ ứng phó và chống chọi với sự biến đổi của khí hậu trong từng giai đoạn nhất định.
 
2. Về xây dựng tiềm lực bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia
 
Quán triệt quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa thông qua đàm phán; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không dựa vào nước này để chống lại hoặc làm đối trọng với nước kia. Việt Nam quan tâm và sẵn sàng tham gia vào mọi cố gắng song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên có liên quan. Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, vì vậy, đề nghị nhấn mạnh nội dung bảo vệ chủ quyền nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng vào văn kiện.
 
- Coi trọng việc giáo dục và nâng cao ý thức cho nhân dân về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
 
- Phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phát triển kinh tế biển, gắn liền với đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Vì vậy cần:
 
+ Hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm tăng cường khả năng phòng thủ vùng biển đảo. Xây dựng các lực lượng chấp pháp trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển mạnh để vừa quản lý vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vừa hỗ trợ ngư dân hoạt động kinh tế trên biển.
 
+ Phát huy vai trò của cộng đồng ngư dân, khơi dậy truyền thống và sự tinh thông nghề nghiệp, với nhiều ưu điểm nổi bật như: đức tính cần cù lao động, chịu đựng gian khổ, tìm tòi, học hỏi, tiết kiệm; có tinh thần đoàn kết nội bộ; có bản lĩnh trong cuộc sống, có truyền thống gắn bó keo sơn, đoàn kết, trung thành, trọng lẽ phải của họ trong phát triển kinh tế và kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển hiện nay. Nghiên cứu chính sách an sinh xã hội (đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội) phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh tế trên biển của ngư dân. Bởi lẽ, họ không chỉ là những người mưu sinh mà chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, nhất là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
+ Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước và sự ủng hộ của quốc tế, trong đó, lực lượng ngư dân có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh để giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời Tổ quốc. Lực lượng vũ trang là chỗ dựa cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế và đời sống của cư dân ven biển. Phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ven biển.
 
- Tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển trên tất cả các lĩnh vực từ bảo đảm chủ quyền, an ninh đến hoạt động kinh tế (hàng hải, đánh cá, dầu khí, du lịch…), nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên.
 
Vùng biển và ven biển nước ta là địa bàn chiến lược kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh  kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc.
                                                                                            PGS, TS Trương Minh Dục
                                                                              (Học viện Chính trị khu vực III)
 
[1] Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, Phụ trương đặc biệt Báo Nhân dân, thứ Ba, 20-10-2020, tr.9.